Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

Chủ nhật - 05/02/2017 18:51
Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

 

(PL News) Ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia, tỷ phú ô tô của Sài Gòn xưa vì quá yêu cải lương đã mở nguyên một rạp hát lớn nhất, 1200 chỗ mang tên mình: Rạp Nguyễn Văn Hảo.

Nằm cách tòa nhà 4 mặt tiền không xa, cũng trên đường Trần Hưng Đạo, rạp Công Nhân được xem là 1 trong những rạp cải lương lâu đời nhất ở miền Nam. Trước khi mang tên Công Nhân, rạp mang tên chính chủ nhân của nó, rạp Nguyễn Văn Hảo...

Quá mê nghệ thuật cải lương, năm 1905 thầy năm Tú, một nhà giáo ở Mỹ Tho đã bỏ tiền ra lập nên gánh hát và xây dựng rạp hát Thầy Năm Tú. 35 năm sau, năm 1940 ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hảo - một thương gia - tỷ phú ô tô ở Sài Gòn cũng đã tìm được một miếng đất rộng để xây dựng nên rạp hát mang tên mình - rạp Nguyễn Văn Hảo.

Ông Hảo cũng như thầy năm Tú và bao người dân miền Nam khác, rất mê nghệ thuật cải lương. Dường như cải lương đã đi vào máu thịt của từng người. Họ không hề bỏ một vở diễn nào. Vì thế, rạp Nguyễn Văn Hảo mở cửa đã đáp ứng được sự mong muốn của khán giả và của chính người trong cuộc, ông Hảo.

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?
Rạp Nguyễn Văn Hảo trước đây. Ảnh tư liệu

Rạp khá rộng. Mặt tiền trên đường Trần Hưng Đạo và mặt hậu giáp với đường Bùi Viện. Qui mô của rạp khá lớn với tổng cộng 1200 chỗ ngồi chính thức. Ngoài ra trên các lối đi còn có những hàng ghế phụ dành cho những khách không mua đươc vé chính thức. 

Rạp có 3 tầng. Tầng trệt dành cho người có vé hạng nhất với 500 ghế bọc nệm da màu đỏ. Tiếp đến lầu 2 có 400 ghế dành cho khách có vé hạng nhì. Cả tầng trệt và lầu 2 đều có ghế dựa và bọc nệm. Riêng tầng 3, ghế được đóng bằng ván dài xếp thành nhiều tầng có thể chứa khoảng 300 người, dành cho những vé rẻ tiền hơn.

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

Rạp Công Nhân số 30 Trần Hưng Đạo ngày nay

Với sức chứa lớn cùng với sân khấu rộng và thoáng nên khi rạp Nguyễn Văn Hảo bắt đầu hoạt động, một lượng khá giả đến ủng hộ. Những rạp hát cùng thời như rạp Aristo trên đường Lê Lai, rạp Thành Xương đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đakao đều là những rạp dành cho cải lương nhưng không còn đáp ứng được yêu cầu của khán giả. 

Các đoàn cải lương ở khắp 3 miền, gánh nào cũng muốn được trình diễn trên sân khấu Nguyễn Văn Hảo. Vì ở đó có những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.

Có thể nói, trong suốt một thời gian khá dài nhờ có rạp Nguyễn Văn Hảo với những tiện nghi vào bậc nhất thời bấy giờ, nghệ thuật cải lương càng có điều kiện phát triển lên tới đỉnh cao.

Từ khi thành lập đến trước 1954, nhiều đoàn hát với những vở tuồng rất ấn tượng được trình diễn tại đây. Người mê cải lương không thể quên "Tây Thi gái nước Việt" do đoàn Năm Châu biểu diễn, "Đoàn chim sắt" của đoàn Hoa Sen...

Chuyện kể về những đoàn hát đến rạp biểu diễn thì nhiêu vô kể. Trong số đó, câu chuyện về đêm khai trương vở tuồng "Đoàn chim sắt" thật ấn tượng. Ngoài 1200 chỗ ngồi chính thức, khán giả còn đứng đông nghẹt ở hai bên vách tường, chật cả lối đi ở giữa. Thậm chí, có một số khán giả còn đứng trước sân khấu che cả tầm nhìn của khách có vé thượng hạng khiến nhiều người lên tiếng phản đối...

Đến năm 1970, gia cảnh ông Hảo có nhiều biến động khiến cho ông không còn toàn tâm toàn ý với công việc kinh doanh. Ông cho thuê rạp hát để sau đó, người chủ mới đã biến nơi đây thành rạp chiếu bóng với cái tên mới, ciné Nguyễn Văn Hảo.

Bộ phim đầu tiên được trình chiếu tại đây là "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài" rồi đến "Thích Ca đắc đạo". Đây là những bộ phim gây được ấn tượng và có tiếng vang lúc bấy giờ.

Sau 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo được đổi tên thành rạp Công Nhân đến bây giờ...

Nguồn tin: Theo Vietnamnet:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây