Qua 1 năm buồn, người đàn ông quyền lực đứng sau Bầu Đức mất tất

Thứ năm - 03/01/2019 01:35
Cánh tay phải đắc lực, người cùng ông Đoàn Nguyên Đức nắm quyền điều hành Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - ông Đoàn Nguyên Thu mất gần như tất cả trong năm qua.
Qua 1 năm buồn, người đàn ông quyền lực đứng sau Bầu Đức mất tất

 

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Đoàn Nguyên Thu - Phó Tổng Giám đốc CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) số tiền 22,5 triệu đồng.

Nguyên nhân xử phạt vì ông Thu báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Hồi tháng 4/2018, ông Thu bán gần 1 triệu cổ phiếu HAG nhưng báo cáo chậm hơn 10 ngày.

Đây là thông tin đen đủi có lẽ là cuối cùng trong năm 2018 của ông Đoàn Nguyên Thu (em trai ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL, đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG).

Trước đó, ông Đoàn Nguyên Thu cũng đã từng bị CTCP Chứng khoán Tân Việt bán giải chấp cổ phiếu HAG hai lần với hơn 1,2 triệu đơn vị để thu hồi nợ.

Hồi tháng 9/2018, ông Đoàn Nguyên Thu cũng đã bị miễn nhiệm thành viên HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico sau khi HAGL của Bầu Đức hợp tác với Thaco Trường Hải của tỷ phú USD Trần Bá Dương, nhằm cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng nợ nần và có vốn đầu tư cho mảng nông nghiệp và bất động sản ở Myanmar. 

Qua 1 năm buồn, người đàn ông quyền lực đứng sau Bầu Đức mất tất
Ông Đoàn Nguyên Thu (trái)

Ngã rẻ được - mất của Bầu Đức cùng với đó là kỳ vọng hồi sinh tập đoàn nông nghiệp và dự án đất vàng Myanmar khiến nhiều nhiều ngân hàng chủ nợ mừng rỡ nhưng cũng đi liền với sự thay đổi hàng loạt vị trí lãnh đạo cao cấp ở cả HAGL và HAGL Agrico, trong đó có ông Đoàn Nguyên Thu.

Những cánh tay đắc lực của Bầu Đức phải nhường chỗ cho người của ông Trần Bá Dương vào tái cấu trúc doanh nghiệp.

Cuối 2018, HAGL Agrico cũng đã chính thức miễn nhiệm 6 phó Tổng Giám đốc (TGĐ) và 1 kế toán trưởng kể từ đầu 2019. Thay vào đó, HNG bổ nhiệm 1 phó giám đốc và 1 kế toán mới, đều là người của Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương.

Tại HAGL, cả 10 anh em nhà Bầu Đức đều sở hữu không ít thì nhiều cổ phiếu của tập đoàn này. Nhưng cánh tay phải đắc lực, người cùng ông Đức nắm quyền điều hành tập đoàn chỉ có ông Đoàn Nguyên Thu, người con thứ 3 trong gia đình.

Khác với anh trai lận đận đường học hành, ông Đoàn Nguyên Thu lại có học vấn khá cao. Ông Thu tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế - ĐH Kinh tế TP.HCM, đồng thời ông cũng có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA).

Ông Thu gia nhập vào hoạt động của HALG từ năm 1999 và giữ chức vụ cao nhất là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai. Ông Thu còn là chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai, thành viên HĐQT Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai…

Như vậy, sau khi Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương bơm tiền vào vực dậy đế chế nông nghiệp HAGL Agrico của Bầu Đức, HAGL Agrico đã có một loạt thay đổi.

Trong cả chục năm qua, tầm nhìn dài hạn và tham vọng lớn mang đến cho ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) nhiều kỳ tích nhưng đây cũng là điểm huyệt nguy hiểm khiến đại gia phố núi lao đao, nợ nần và chìm nghỉm trước ngã rẻ thay đổi số phận.

Mặc dù đang sở hữu 1 tập đoàn nông nghiệp - HAGL Agrico và một công ty mẹ HAG có mảnh đất vàng tại Myanmar, nhưng các doanh nghiệp của Bầu Đức đang ngụp lặn trong khoản nợ hàng chục ngàn tỷ. Dòng tiền mang về không đủ lớn để công ty bứt phá đi lên và trang trải nợ nần. 

Qua 1 năm buồn, người đàn ông quyền lực đứng sau Bầu Đức mất tất
Bầu Đức.

Việc “kết hôn” với Thaco được xem là một giải pháp giúp 2 bên cùng có lợi, và Việt Nam có thể có 1 đế chế nông nghiệp thực sự. Giấc mơ trở thành ông trùm nông nghiệp, thống trị Đông Nam Á của Bầu Đức vẫn có thể trở thành hiện thực, cho dù quyền lực có bị chia sẻ với Thaco của ông Trần Bá Dương.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn còn khá lớn, thanh khoản ở mức thấp. VN-Index rớt khỏi ngưỡng 900 điểm trong phiên cuối cùng của năm, mất tổng cộng 9,3% trong cả năm.

Áp lực bán còn lớn ở cả các cổ phiếu blue-chips  như Vingroup, Vinamilk, Masan, Bảo Việt… Phần lớn các cổ phiếu bất động sản, dầu khí, chứng khoán, xây dựng…. đều giảm điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị vẫn trong quá trình dò đáy, duy trì danh mục ở mức thấp trước biến động tiêu cực có thể xảy ra trong ngắn hạn. Diễn biến tiêu cực ngắn hạn đang đè nặng lên tâm lý NĐT, kỳ nghỉ Tết Dương lịch kéo dài 4 ngày sẽ giúp nhà đầu tư cân bằng và đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong những phiên giao dịch đầu năm 2019.

FPTS cho rằng, sự yếu kém của bên mua tiếp tục được chứng minh trong phiên cuối tuần trước khi những nỗ lực hồi phục của VN-Index không thể vượt qua được đường MA 9 phiên. Thay vào đó, thị trường giằng co trong suốt thời gian giao dịch và đảo chiều sụt giảm mạnh sau phiên ATC dưới tác động của các cố phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30. Đáng lưu ý là cổ phiếu VIC bất ngờ giảm sàn và là nhân tố tác động mạnh nhất tới điểm số của VN-Index. Kế tiếp là VNM do cổ phiếu này đánh mất hoàn toàn vai trò trụ đỡ thị trường trước đó. Mức giảm của chỉ số vì thế hơi “quá đà” so với tâm lý chung và khả năng hồi phục kỹ thuật sẽ được đề ngỏ trong phiên giao dịch kế tiếp. Tuy vậy, quan điểm về xu hướng tiêu cực vẫn bảo lưu cho các chu kỳ ngắn và trung hạn. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên tiếp tục quan sát và ưu tiên các quyên tắc quản trị rủi ro danh mục.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/12, VN-Index giảm 8,27 điểm xuống 892,54 điểm; HNX-Index tăng 0,25 điểm lên 104,23 điểm. Upcom-Index tăng 0,24 điểm lên 52,83 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 215 triệu đơn vị, trị giá 4,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây