(PhapluatNews) - Thử hình dung, một người đã từng được xem là một trong những doanh nhân giàu nhất nước, một sớm mai thức dậy, lại thấy mình đang nằm trong khám Chí Hòa, nơi dành cho người tử tù. Cảm giác ấy, rợn người đến thế nào?
1.
Thật ngạc nhiên, trời, trước mắt tôi vẫn là Liên Khui Thìn của những ngày tôi mới vào nghề báo, đã hơn hai mươi năm rồi còn gì. Ngày đó, được “tiếp cận” với anh là điều không dễ dàng. Lúc ấy, tăm tiếng nổi như cồn, đang ăn nên làm ra nên nhiều người chầu chực, nhờ cậy anh là lẽ thường tình.
Gặp lại Liên Khui Thìn, vẫn nụ cười ấy, cặp kính cận và cách nói chuyện nhẹ nhàng. Tôi có cảm giác, anh đã hòa nhập thật sự vào cuộc sống bận rộn của mỗi ngày. Và trong câu chuyện, thỉnh thoảng, anh lại cười, nụ cười của người không còn vướng bận.
Thử hình dung, một người đã từng được xem là một trong những doanh nhân giàu nhất nước, một sớm mai thức dậy, lại thấy mình đang nằm trong khám Chí Hòa, nơi dành cho người tử tù. Cảm giác ấy, rợn người đến thế nào? Ngày định mệnh đó với Liên Khui Thìn là ngày 24/3/1997.
Tôi nhớ trong Luận ngữ có câu: “Điểu chi tương tử, kì minh dã ai; nhân chi tương tử, kì ngôn dã thiện (Con chim sắp chết, tiếng kêu bi ai; người ta sắp chết, lời nói tốt lành). Trong đời người có nhiều sự cần trải nghiệm, nhưng chắc chắn chẳng một ai muốn trải qua cảm giác ghê rợn khi chạm tay vào cửa tử.
Thời điểm ấy, tôi còn nhớ, anh em báo chí hầu như ngày nào cũng bàn tán về vụ án của Liên Khui Thìn và Tăng Minh Phụng. Tất nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng có một việc làm của anh, mọi người đều khen “phải đạo”: anh chủ động viết đơn ly hôn vợ. Lỗi tại ai?.
Trong hồi ký Hơn nửa đời hư, nhà sưu tập cổ ngoạn lừng danh Vương Hồng Sển, tự nhận: “Lỗi về người đàn ông ham mua sách và mê đọc sách đến quên người vợ trẻ kề bên”. Trường hợp Liên Khui Thìn cũng tương tự. Anh rất say mê làm ăn kinh tế, ngay cả lúc ngủ, nằm mơ, cũng mơ về chuyện kinh tế.
Rồi mọi thứ nhung lụa, chỉ trong phút chốc: “Bừng con dậy thấy mình tay không” (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều). Trong những ngày ấy, có những đêm dài dằng dặc anh đã mở mắt trân trân nhìn lên trần nhà để nhận biết, tự nhủ vẫn đang còn đây, đang tận hưởng cảm giác của một con người đang sống.
Và cuối cùng, anh “ngộ” ra rằng, nếu còn được sống, còn được làm việc vì hạnh phúc, niềm vui của người khác mới là ý nghĩa sống đích thực nhất. Sự thay đổi trong nhận thức ấy, tự nó đến dần dần trong những ngày tháng đơn độc mà anh chiêm nghiệm về lẽ được/mất ở đời. Từ đó, lạ thay, như một phép màu và anh tự nhủ rằng, mình vẫn còn có ích cho cộng đồng, vì thế, không việc gì phải buông xuôi.
Rồi có một sự kiện mà anh không ngờ đến: Sáng 8/9/2003, khóa cửa buồng giam lách cách mở. Liên Khui Thìn giật thót. Thế là hết. Chấm dứt một số phận, một đời người. Trời xanh lắm. Nắng xanh lắm. Máu còn nóng, lòng yêu đời còn đầy, vậy mà đã sắp bước chân ra pháp trường. Vào giây phút nghẹt thở khi đối diện với cái chết, điều kỳ diệu lại xuất hiện: anh được lệnh ân xá và chuyển về trại Xuân Lộc.
2.
“Đây là một con người “rắc rối” nhất, “làm phiền” nhất đến cán bộ quản giáo”. Câu nói này, tôi đã nghe nhiều phạm nhân, và ngay cả cán bộ của trại giam Xuân Lộc (Z30A) cũng “nhận định” về Liên Khui Thìn như thế. Bởi lẽ, những ngày ấy, từ sự thay đổi trong nhận thức lúc nằm phòng giam dành cho tử tù, anh luôn nghĩ phải làm “một cái gì đó” để thay đổi chất lượng sống cho những phạm nhân.
Nhận ra một trong những nguyên nhân khiến phạm nhân dễ bị bệnh đường ruột, sỏi thận nhất là do nguồn nước ngầm chứa nhiều chất vôi, anh lại tự đặt bài toán cho mình: Làm sao để thay đổi, cải thiện?
Với một người có học thức, sau khi đậu tú tài toàn phần rồi sau năm 1975 là Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật NVH Thanh Niên - câu hỏi ấy, không khó trả lời. Nhưng trước hết, cần phải có kiến thức cụ thể. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo nên mọi điều kiện “cần” của anh được đáp ứng, anh đã lập dự án cải tạo nguồn nước để anh em trong trại được sử dụng nguồn nước sạch.
Do “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, sau hai năm mày mò, thử nghiệm và cuối cùng dự án của anh đã thực hiện mỹ mãn. Lúc ấy, không phạm nhân nào có thể tưởng tượng đến một ngày: nguồn nước tinh khiết được đưa vào tận phòng giam.
Trong trại Xuân Lộc, Liên Khui Thìn còn có thêm một sáng kiến khác, mô hình này, nói như các phạm nhân là rất “tình người”. Bấy giờ, anh em trong trại nếu bị bệnh khó có thể được chăm sóc chu đáo, bởi vừa thiếu thuốc men vừa thiếu bác sĩ, do đường sá vận chuyển xa xôi.
Nhận thấy gần Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa còn có mảnh đất lớn, chưa sử dụng đến, anh lập dự án: Trại giam Xuân Lộc cùng bệnh viện phối hợp xây dựng ở đó một khu bệnh xá dành cho người tù. Nếu việc này thực hiện được, phạm nhân không còn phải chuyển đi xa như trước, và các bác sĩ đa khoa cũng có thêm “đất dụng võ”.
Mà việc xây dựng thêm một bệnh viện, bấy giờ nhiều người cũng cho là… hoang tưởng. Thế nhưng, Liên Khui Thìn vẫn không nản chí. Bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả mối quan hệ cá nhân, Liên Khui Thìn được ban lãnh đạo cho phép kêu gọi các tấm lòng hảo tâm cùng đóng góp kinh phí thực hiện công trình. Và khu bệnh xá của Z30A đã đi vào hoạt động.
Chỉ với hai công trình đó, tấm lòng và uy tín của Liên Khui Thìn ngày càng được mọi người yêu mến, khâm phục. Nhưng rồi, với bản tính của một người say mê hoạt động, suy nghĩ thực tiễn nên anh lại có thêm một “cú đột phá” cũng không kém phần ngoạn mục.
Chuyện rằng, ngày nọ được thong thả đi chung quanh trại, nhìn cảnh vật trời trăng mây nước, bỗng dưng, anh lại bồi hồi nhớ về năm tháng hoa niên lúc còn ở thị trấn Ninh Hòa. Ngày đó, thầy giáo có giảng dạy câu ca dao: “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”.
Liên tưởng cuộc sống tại trại giam Xuân Lộc, anh càng nung nấu phải thực hiện cho bằng được ý tưởng: “tấc đất tấc vàng”. Thế là, ít lâu sau, mô hình V.A.C đã ra đời với sự góp sức của mọi người, góp phần quan trọng cải thiện đời sống của tù nhân ở trại giam.
Những việc làm hữu ích này, chính là một trong những nhân tố giúp Liên Khui Thìn được giảm án và ra tù trước thời hạn. Ngày Quốc khánh 2/9/2009, với anh, ngày “tái sinh” lần thứ hai trong đời.
3.
Ngày trở về, anh lại trở thành “tâm điểm” của giới báo chí, như chưa hề có những tháng năm biệt tích trong nhà giam. Vì sao? Chính là người đã từng “ăn cơm tù đến mòn răng”, anh luôn đau đáu với câu hỏi: “Vì sao phạm nhân tù dễ dàng tái phạm?”. Câu trả lời của anh, muốn thay đổi hiện trạng đáng buồn đó, cần phải có: Nhiều hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân từ mọi người, từ các ban ngành đoàn thể địa phương, qua đó, tạo điều kiện cho họ có điều kiện hòa nhập.
Trong khả năng của mình, anh đã tìm đến bạn bè, người thân vận động, thuyết phục họ cùng tham gia thành lập quỹ Hoàn lương, sau đó, ngày 23/11/2011 UBND TP.HCM cho phép đổi tên thành “Quỹ Hòa nhập và phát triển cộng đồng”.
Để có được hoạt động nhân văn này, anh kể: “May mắn tôi đã gặp được luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM. Tuy mới quen nhưng ông Tạo rất nhiệt tình giúp đỡ tôi trong mọi hoạt động.
Có ba yếu tố tạo nên thành công ban đầu, thứ nhất là sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội. Thứ hai là hình thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, thu nạp, phân phối đúng đối tượng, rõ ràng, minh bạch. Thứ ba là phải làm sao để cơ quan nhà nước và nhất là tổ chức kinh tế tham gia hỗ trợ cho quỹ thực sự”.
Ai đó đã nói câu chí lý: “Giúp cần câu, chứ không giúp con cá”. Mô hình này thiết thực ở chỗ đã tư vấn, trợ giúp pháp miễn phí cho đối tượng Quỹ; kết hợp với ban ngành của Công an TP.HCM tuyên truyền, tọa đàm về hoạt động tái hòa nhập cộng đồng. “Hơn nữa, từng phải ngồi tù nên tôi hiểu hơn ai hết công ăn, việc làm đối với người mãn hạn tù rất quan trọng”, anh cho biết.
Từ đó, trên đường phố TP.HCM nhiều người ngạc nhiên, thích thú khi nhìn thấy xe Bánh mì cộng đồng. Đây là hành động hào hiệp, trợ vốn có hiệu quả mà quỹ đã trao cho đối tượng người hoàn lương, hộ nghèo, cận nghèo thuộc các huyện nội, ngoại thành. Với việc làm nghĩa hiệp này, quỹ Hòa nhập và phát triển cộng đồng đã được UBND TP.HCM, Bộ Công an tặng bằng khen.
Chia tay anh, tôi tò mò đặt thêm câu hỏi: “Hiện nay, Công ty Epco của anh đang hoạt động những gì?”. Anh mỉm cười: “Chúng tôi mở cửa hàng bán trái cây sạch, các loại hạt dinh dưỡng nhập khẩu khẩu từ Úc, New Zealand và Mỹ. Đến nay, đã có 5 cửa hàng ECO FRUITS trên địa bàn TP.HCM”. Tôi gặng thêm: “Vậy đời sống của anh sung túc chứ?”.
Anh cười khà khà trước câu hỏi và nói một câu mà tôi cứ ngỡ nghe nhầm: “Tôi vẫn còn đang ở nhà thuê”. Thì ra, tiếng cười của một người đã từng là tổng giám đốc của công ty thời điểm kim ngạch xuất nhập khẩu 150 triệu USD/năm, đến nay, cũng là một.
Thiết nghĩ, đây là bản lĩnh sống của một con người đã từng là tử tù và tôi biết, để có được điều đó, sau năm tháng thăng trầm nhưng không ngã quỵ, anh đã đứng lên với một nhận thức mới: “Yêu thương chính nguồn năng lượng sống”.
Nguồn tin: Theo Phụ nữ TP.HCM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn