Xây dựng lại danh mục thuốc BHYT, người bệnh có thiệt?

Thứ tư - 27/12/2017 03:06
Theo dự thảo thông tư mới về thay đổi danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Bộ Y tế dự thảo lấy ý kiến được nhiều người bệnh quan tâm. Họ không khỏi lo lắng về chi phí điều trị cũng như hiệu quả quá trình điều trị một số bệnh nguy hiểm.
Xây dựng lại danh mục thuốc BHYT, người bệnh có thiệt?

Chưa biết bỏ thuốc nào, thêm thuốc nào

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng Ban Dược và Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết: Liên quan đến sửa đổi thông tư 40, danh mục thuốc đã ban hành, chủ trì là Bộ Y tế và cơ quan BHXH tham gia, quá trình triển khai Bộ Y tế đã làm cực kỳ thận trọng.

Hiện nay về cơ bản hoàn thành nguyên tắc và đã xin ý kiến chuyên gia đầu ngành, chuyên gia về lâm sàng, về bào chế và điều trị.

Đại diện Ban Dược BHXH Việt Nam cho biết dự thảo thay đổi danh mục thuốc lần này cũng loại ra khỏi danh mục thuốc mà tác dụng chưa rõ ràng để tiết kiệm ngân sách, bệnh nhân có thể tiếp cận các thuốc khác chi phí có thể cao hơn nhưng tác dụng cao hơn.

Hiện nay, dự thảo thông tư vẫn đang treo, lấy ý kiến của các chuyên gia.

Bà Yến khẳng định cho đến thời điểm này danh mục loại thuốc gì, thêm thuốc gì vẫn chưa có ý kiến chính thức mà vẫn đang chờ ý kiến góp ý. Thay đổi thông tư 40, không chỉ với thuốc điều trị với thuốc hỗ trợ cũng tương tự sẽ có thuốc đề xuất bị loại ra khỏi danh mục.

Bà Yến cho biết qua theo dõi chi phí thuốc, có một số thuốc hỗ trợ điều trị không rõ ràng, BHXH đang đề xuất siết chặt chỉ định điều trị để hợp lý hơn, siết tỷ lệ thanh toán, đang rà soát và sẽ xin ý kiến chuyên gia xem thế nào là hỗ trợ.

Đến nay, BHXH chưa chốt được bao nhiêu thuốc hỗ trợ. Trong quá trình tham gia xây dựng kế hoạch cùng cơ quan BHXH về việc giảm số lượng thuốc hỗ trợ bà Yến thông tin các cơ quan khám chữa bệnh cũng đồng thuận với việc này.

Tăng thuốc cho bệnh mãn tính

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết tiêu chí đó là việc sử dụng thuốc phải an toàn, kinh tế, hiệu quả và phù hợp với chi trả của BHYT, túi tiền của người dân.

Thông tư 40/2014 ban hành hơn 3 năm và qua thời gian đánh giá, nghiên cứu đưa ra lựa chọn mới cho sự thay đổi lần này.

Có những thay đổi như vitamin, thuốc hỗ trợ vì chúng ta đã cập nhật thông tin khoa học của thuốc này từ các công ty sản xuất và chuyên gia nên cân nhắc loại bỏ.

Ông Khảm cũng cho biết thêm hiện nay mô hình bệnh tật thay đổi nhanh chóng, các bệnh mãn tính không lây đang chiếm tỷ lệ mắc gia tăng nên chính sách phải đáp ứng với thay đổi này.

Các thuốc bổ sung trong đợt này sẽ ưu tiên phần nhiều bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, ung thư và một số thuốc có lây như viêm gan C cũng được tính toán.

Theo ông Khảm, để xây dựng danh mục thuốc BHYT chi trả, Bộ Y tế đã mời các hội đồng chuyên môn, tiểu ban chuyên môn để có thể xây dựng ban hành thông tư danh mục thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị, đảm bảo tính hợp lý an toàn, hiệu quả sử dụng thuốc và BHYT.

Quá trình này vẫn đang diễn ra trong thời gian tới.

Bộ Y tế sẽ tổ chức các diễn đàn của hội đồng chuyên môn để thảo luận, công bố trên website của Bộ Y tế để xin ý kiến các nhà chuyên môn, chính sách, người dân thậm chí doanh nghiệp. Trong thời gian sớm nhất hi vọng sẽ ban hành được thông tư.

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết việc thay đổi thông tư 40/2014 danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả BHYT vẫn phải hướng tới Nghị quyết 06 để củng cố nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, cố gắng quản lý bệnh mãn tính ở y tế cơ sở.

Để thực hiện được điều này, cá nhân ông Sơn cho rằng cần đưa danh mục thuốc về y tế cơ sở phải mở rộng hơn để chất lượng chăm sóc bệnh đó, không để người bệnh không phải lên tuyến trên.

Quá trình làm phải qua nhiều quy trình, cần có đánh giá về kinh tế y tế và kinh tế dược. Đưa thuốc này vào bỏ thuốc này ra phải dựa trên chuyên môn và kinh tế và hướng tới y tế cơ sở.

Nguồn tin: Theo Infonet:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây