Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh, vừa rồi UB Kiểm tra TƯ kỷ luật một loạt cán bộ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, của cấp cao nhất của Đảng từ Tổng bí thư đến Bộ Chính trị. Chính điều này củng cố lòng tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Ông cho rằng, tham nhũng không phải sau 1 đêm mới có mà đã có 30-40 năm nay rồi, ít ra từ thời kỳ đổi mới 1986 và chúng ta cũng có gần 100 nghị quyết TƯ đụng đến tham nhũng và tha hóa. QH cũng có nghị quyết, Chính phủ có chương trình hành động về việc này.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
“Chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng rõ ràng nhất là sau Đại hội 12, quyết tâm này thể hiện rõ hơn nhiều. Chỉ trong vòng 1 năm đã xử lý hàng chục cán bộ cấp cao liên quan vụ Formosa, Trịnh Xuân Thanh, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và một loạt vụ khác như Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa… Tôi thấy cách làm như thế thể hiện sự nghiêm túc, nghiêm minh của Đảng”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Theo ông, cán bộ, đảng viên rất yên tâm, vui mừng trước quyết tâm chính trị của Đảng bằng mọi cách khắc phục, đẩy lùi tham nhũng, quan liêu, tha hóa và việc này được thực hiện có kết quả.
“Chưa bao giờ chúng ta làm mạnh và kết quả nhiều như vậy”, Tướng Cương khẳng định.
Còn sơ hở để nhiều người trốn bằng đường chữa bệnh
Nói về câu hỏi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng mới đây: “Nên chăng cần biện pháp chống hiện tượng sắp xử lại trốn ra nước ngoài, cứ chuẩn bị đưa ra tòa lại cáo ốm, huyết áp cao, rồi bệnh nọ bệnh kia, trì hoãn”, Tướng Cương cho rằng đó là thực tiễn có thật.
Trong 3 năm vừa qua, nhiều vụ án có những người chuẩn bị đưa ra xét xử thì vào viện. Có ốm thật, có ốm giả.
Yêu cầu của Tổng bí thư là đúng. Tổng bí thư nêu vấn đề và đặt vấn đề trước thực tế như vậy thì xử lý kiểu gì? Có lẽ cơ quan quản lý nhà nước phải tính khi ai bị khởi tố thì dứt khoát không cho ra nước ngoài, phải có biện pháp giám sát.
Vừa rồi chúng ta sơ hở quá, rất nhiều người trốn chạy bằng con đường đi chữa bệnh. Nhưng cũng không riêng gì ta mà Trung Quốc cũng vậy, 5.000 cán bộ trung cao cấp chạy ra nước ngoài có tội, trong 3 năm trở lại đây có khoảng 2.000 đầu thú chạy về.
Tổng bí thư nêu ra điều này là đặt ra hàng loạt vấn đề cho các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp phải có biện pháp khắc phục.
Thứ nhất, phải giám sát những người có vấn đề bị khởi tố. Thứ 2, cơ quan y tế phải khách quan, người ta khai đau ốm thì phải tổ chức hội đồng y khoa thẩm định.
Tự thực tiễn vừa qua, buộc lòng các cơ quan phải xem lại hoạt động của mình, kể cả bổ sung luật pháp, tổ chức lực lượng.
Nút thắt quan trọng được cởi bỏ
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng từ trước đến nay chúng ta có quy định và đã có thực hiện về công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là đối với tội phạm trốn đi nước ngoài.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Phạm Hải |
Tuy nhiên sau vụ Trịnh Xuân Thanh, có thể nói cũng có những sơ hở nhất định trong công tác quản lý cán bộ.
“Đã thấy có những dấu hiệu như thế thì đáng lẽ các cơ quan phải quản lý chặt chẽ hơn nhưng chúng ta lại chưa làm được việc này. Cần phải rút kinh nghiệm”, ĐB Nhưỡng lưu ý.
Nói về quy trình tố tụng trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng trước đây có liên quan đến vấn đề truy nã, và bây giờ liên quan đến vấn đề đầu thú.
“Về khía cạnh luật pháp, đầu thú là một trong những quy trình đã được luật tố tụng quy định rồi. Bây giờ người ta sẽ tiếp nhận việc đầu thú này để thực hiện quá trình điều tra theo đúng quy định của luật tố tụng. Và việc đầu thú được tính như một tình tiết giảm nhẹ theo quy định của luật tố tụng”, ĐB Nhưỡng nói.
Ông cho rằng với sự xuất hiện của Trịnh Xuân Thanh, nút thắt quan trọng nhất trong vụ án này sẽ được cởi bỏ.
“Việc đầu thú có thể sẽ là một trong những cơ sở để tháo gỡ một số các nút thắt liên quan đến quá trình điều tra cũng như bản chất vụ việc”, ĐB Nhưỡng nói.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn