Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Lo ngại nghề LS thui chột
Do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 còn nhiều ý kiến khác nhau nên sáng 27.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị để các ĐBQH góp ý thêm cho dự luật này. Liên quan đến quy định người bào chữa tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện đối với tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia, một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nêu vấn đề, điều tra, chứng minh tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng còn LS với trách nhiệm là người bào chữa nhưng bên cạnh đó là trách nhiệm công dân, LS phải ứng xử thế nào trước quy định liên quan đến việc không tố giác tội phạm mà dự luật quy định.
"Nếu LS tố giác thân chủ phạm tội thì thân chủ đó có mời LS nữa không, xã hội có tẩy chay nghề LS không? Nếu LS chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề này có điều kiện tồn tại hay không? Tôi khẳng định niềm tin của khách hàng và xã hội vào LS sẽ mất dần và nghề LS sẽ bị thui chột" - ĐB Thịnh nói.
Theo ĐB Thịnh, nếu LS biết thân chủ của mình chuẩn bị phạm tội, ví dụ như đặt bom ở nơi nào đó, LS với trách nhiệm công dân bắt buộc phải báo cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó, trong trường hợp này phải tố giác là phù hợp.
ĐB Thịnh đề nghị, hiện Bộ luật Hình sự năm 2015 đang liệt kê 83 tội danh nếu người bào chữa biết thân chủ mình phạm phải mà không tố giác sẽ chịu trách nhiệm hình sự nên khoanh lại còn khoảng 20-30 tội. Như thế hợp lý hơn, phù hợp thực tiễn phát triển nghề LS, còn quy định như trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể dễ dẫn đến thui chột nghề LS.
Chỉ tố giác thân chủ là tội phạm an ninh quốc gia...
Phát biểu tranh luận trên tinh thần chia sẻ, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, bản thân ông rất suy nghĩ về điều luật trên, bởi ông cũng có thời gian 8 năm hành nghề LS nên rất hiểu.
"Tôi rất ủng hộ khoản 3 Điều 19. Quy định như thế, luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của LS, cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa LS với thân chủ. Bố mẹ, anh chị em, vợ chồng còn có nghĩa vụ tố giác tội phạm là những người thân thích của mình thì bản thân LS với mối quan hệ đặc biệt với thân chủ cũng có trách nhiệm trong việc tố giác tội phạm. Luật ở đây đã giới hạn chỉ phải tố giác tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, như thế là phù hợp chứ không phải ràng buộc LS tố giác mọi tội phạm" - ĐB Học bày tỏ.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, đối với những tội phạm đã diễn ra thì nhiều nước không buộc LS phải tố giác thân chủ, nhưng chúng ta quy định tội phạm đã diễn ra người bào chữa biết vẫn phải tố giác.
ĐB Trương Trọng Nghĩa.
"Điểm nữa là chữ tố giác rất rộng, nguy hiểm. Một người nào đó đi tố giác hàng xóm, việc tố giác đã nguy hiểm. Còn một người LS đi tố giác chính người mình bào chữa, sau tòa xử họ không phạm tội, trong trường hợp này LS tố giác bậy thì làm sao" - ĐB Nghĩa nói.
Theo ĐB Nghĩa, sự phân công giữa công tố, LS trong vụ án hình sự là sự phân công theo nguyên lý của hệ thống tư pháp.
"Ví dụ LS bào chữa cho Năm Cam hay kẻ phản động đặt bom giết chết bao nhiêu người thì đừng có suy nghĩ người bào chữa trong những trường hợp này là người không có lương tâm, không yêu nước. Nghĩ vậy là sai" - ĐB Nghĩa nói.
Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, quy định như khoản 3 Điều 19 là không khả thi trong đời sống. Ông dẫn chứng, theo thống kê 80% tội phạm đều bị bắt tạm giam kể cả loại tội ít nghiêm trọng.
"Con số bị bắt tạm giam nhiều như vậy thì các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt nghiêm trọng thử hỏi xem có đối tượng nào được tại ngoại ở ngoài để mà tiếp tục thực hiện phạm tội hoặc nói với LS hành vi của mình" - ĐB Chiến nói.
Trước nhiều ý kiến tranh luận, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải ngồi lại với nhau thảo luận thấu tình đạt lý, có thể mời thêm LS, các nhà làm luật để tranh luận riêng.
|
Nguồn tin: Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn