Thống đốc Lê Minh Hưng: Sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu

Thứ năm - 08/06/2017 03:30
(PL News) - Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm và chuyển các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây ra tổn thất và nợ xấu cho ngân hàng sang cơ quan điều tra xử lý.
Thống đốc Lê Minh Hưng
Thống đốc Lê Minh Hưng

 

Sáng ngày 7/6, Quốc hội thảo luận về vấn đề xử lý nợ xấu tại dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu mà Chính phủ trình lên, cùng với một số điều sửa đổi, bổ sung của Luật các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên câu chuyện nợ xấu lại được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Đến nỗi người điều khiển phiên họp là Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phải “nhắc khéo” rằng chúng ta hôm nay thảo luận hai vấn đề chứ không phải một.

“Bây giờ đã có 9 đại biểu phát biểu nhưng mới tập trung vào dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu mà chưa có ý kiến nào tham gia vào luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Nên tôi mong các đại biểu quan tâm, thảo luận thêm về nội dung này” – Phó chủ tịch nói.

Tuy nhiên sau đó, hàng chục các ý kiến thảo luận vẫn tập trung vào nội dung nợ xấu.

Điều đó cho thấy, vấn đề nợ xấu thực sự thu hút sự quan tâm của không chỉ ngoài xã hội mà còn làm bận lòng tất cả các vị đại biểu Quốc hội trong nghị trường. Nợ xấu dù đã được xử lý tích cực suốt 5 năm qua song vẫn là cục máu đông hiện hữu làm tắc nghẽn mạch máu lưu thông của nền kinh tế.

Trong các vấn đề được thảo luận không chỉ trong phiên hôm nay mà ở các phiên trước tại tổ về vấn đề xây dựng luật nói chung và dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu nói riêng, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu.

Phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cuối buổi sáng ngày 7/6, tư lênh ngành ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng thống kê rằng, trong phiên hôm nay có rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ví dụ đại biểu Mai Sỹ Diến đoàn Thanh Hóa, đại biểu Nguyễn Đức Sáu ở Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Đinh Duy Vượt ở Gia Lai, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh ở Hà Nội, đại biểu Phan Văn Trường ở Thái Nguyên và một số đại biểu có nói rất nhiều và nhấn mạnh đến việc phải xác định rõ thực trạng nợ xấu, nguyên nhân nợ xấu và việc xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc để gây ra nợ xấu.

Liên quan vấn đề xử lý trách nhiệm này, báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo nghị quyết Chính phủ đã bàn kỹ, không có một quy định nào trong dự thảo nghị quyết này có thể gây ra, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể trục lợi.

Còn các hành vi vi phạm pháp luật mà các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Thời gian qua, qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan thanh tra giám sát của ngân hàng đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cũng như trực tiếp Ngân hàng nhà nước đã chuyển các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây ra tổn thất và nợ xấu cho ngân hàng sang cơ quan điều tra” – thống đốc nói.

Để minh chứng cho những điều trên, người đứng đầu ngành ngân hàng dẫn số liệu thống kê của Bộ Công an, các cơ quan điều tra của Bộ Công an, không bao gồm công an các địa phương, cho thấy từ năm 2011 – 2016 đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng.

Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố điều tra, truy tố và xét xử khoảng 128 cán bộ ngân hàng trong đó có nhiều đối tượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh của các tổ chức tín dụng và có nhiều mức án đã được kết án rất nghiêm khắc kể cả án tử hình, chung thân và trên 20 năm tù.

Riêng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ năm 2013 đến nay đã xử lý trách nhiệm 352 cán bộ, đồng thời trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã điều tra xử lý 65 vụ án tại Ngân hàng Nông nghiệp, xử lý hình sự 122 cán bộ, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các lãnh đạo của Ngân hàng Nông nghiệp.

Nguồn tin: Tri Thức Trẻ/ Soha.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây