Thí điểm bỏ công chức giáo viên và lo ngại nảy sinh từ quy luật đào thải

Thứ hai - 22/05/2017 05:23
(PL news) - Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên, chỉ còn hợp đồng, không ít người ủng hộ chủ trương này nhưng kèm theo đó vẫn có lo ngại về chế độ đãi ngộ.
Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng
Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng

Với đội ngũ cả triệu giáo viên trên cả nước, chủ trương bỏ biên chế sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư, đời sống của thầy cô. Tuy nhiên, nếu thực sự có những chế độ chính sách đãi ngộ đúng mức, tăng thu nhập theo hướng hưởng theo năng lực với đội ngũ giáo viên thì đây lại là yếu tố quyết định cho chất lượng giáo dục cả nước. Chính vì vậy, không ít ý kiến ủng hộ chủ trương này.

Phát triển theo hướng thị trường

Mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri ngành giáo dục tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Hiện nay giáo viên đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình”.

Theo đó, việc tinh giản sẽ được thực hiện trước tiên với đội ngũ cán bộ không giảng dạy trực tiếp như kế toán, cán bộ y tế... Theo Bộ GD-ĐT, hiện nhu cầu định biên với đội ngũ này trên cả nước vào khoảng 80.000 cán bộ. Thay vì xét tuyển viên chức, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai theo kiểu 1 kế toán phục vụ 3-4 trường, thậm chí có trường chỉ cần thuê kế toán. “Tiến tới chúng tôi tinh giản kế toán, hoặc kiêm nhiệm. Còn y tế trường học đã có trạm y tế xã, những trường ở xa trạm xá thì sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Bà Nguyễn Thị Minh, nguyên giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi, Hải Dương cho rằng đây là một chủ trương tiến bộ. “Áp lực nhân sự sẽ khiến các trường, các thầy cô tập trung vào chất lượng giảng dạy. Bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên thì các giáo viên giỏi, có tâm huyết có trách nhiệm sẽ được các trường mời về dạy, cơ hội ký hợp đồng với mức lương cao sẽ đến với các giáo viên này, ngược lại các giáo viên kém sẽ thất nghiệp. Điều này phù hợp với sự tiến bộ của xã hội” - bà Nguyễn Thị Minh khẳng định.

Trao đổi với hiệu trưởng một trường công lập tự chủ tài chính ở Hà Nội, cô giáo này cho biết, quá trình xây dựng và hoạt động theo mô hình này, nhà trường đã gặp rào cản không nhỏ từ chính đội ngũ giáo viên viên chức. Sở dĩ, chế độ công chức làm chậm phát triển chất lượng giáo dục là do một số giáo viên được biên chế rồi thì có tâm lý an toàn, làm việc cầm chừng…

Điều này ảnh hưởng xấu đến đội ngũ giáo viên trẻ chỉ được ký hợp đồng khi họ bỏ nhiều công sức hơn nhưng lại không được hưởng chế độ đãi ngộ ngang bằng với giáo viên biên chế. Xóa bỏ công chức đòi hỏi giáo viên phải làm thật, tuân theo quy luật đào thải để phát triển.

Phải bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo

Vấn đề tiêu cực trong thi công chức, viên chức lâu nay bị coi là rào cản lớn trong việc tuyển được những giáo viên thực sự có tài, có tâm huyết. Nhiều sinh viên giỏi ngành sư phạm thất nghiệp, không xin được một suất vào biên chế bởi giá “mua” suất này leo thang hàng năm và được truyền tai ở mức 300-400 triệu đồng. Vấn đề này cũng khiến nhiều sinh viên giỏi không dám theo đuổi ngành sư phạm với nỗi lo không có đủ tiền “chạy” viên chức.

Chủ trương bỏ công chức, viên chức được đánh giá là cơ hội cho những người tài có cơ hội được lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại, với trường công, việc giao quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng mà không có cách kiểm soát thì tiêu cực chắc chắn vẫn sẽ xảy ra. Bởi vậy, nhiều giáo viên cho rằng muốn công bằng thực sự thì việc áp dụng bỏ công chức, viên chức phải bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo, đảm bảo họ là những người có thực lực, tâm huyết. Bên cạnh đó là việc xây dựng chế độ chính sách phù hợp, tương xứng với công sức của nhà giáo để giáo viên yên tâm công tác.

Có thể thấy mô hình giáo viên hợp đồng thành công đối với nhiều trường ngoài công lập. Việc tìm kiếm những giáo viên trình độ giỏi, say mê công việc đi kèm với trả lương phù hợp khiến những trường này ngày càng thu hút nhiều học sinh vào trường dù học phí cao. Giáo viên những trường này cũng yên tâm đầu tư sức lực cho công việc khi vẫn được đóng bảo hiểm, thu nhập tương đối và không phải lo sử dụng mánh khóe ép học sinh học thêm để tăng thu nhập.

Tuy nhiên chủ trương này sẽ không hoàn toàn phù hợp với tất cả địa phương. Với giáo viên vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn thì Nhà nước vẫn có chế độ đặc thù để đảm bảo các vùng phát triển hơn. Việc duy trì biên chế với các trường đặc thù sẽ gia tăng sức hút với các vùng miền còn khó khăn như biên giới, hải đảo.

Nguồn tin: ANTĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây