Siết chặt quy trình làm đề thi THPT quốc gia

Chủ nhật - 26/03/2017 19:50
(PL News) - Còn khoảng ba tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đang gấp rút thực hiện quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa. Ngoài việc mời các chuyên gia viết câu hỏi thô, biên tập, lựa chọn, thẩm định, Bộ GD và ÐT tiến hành các bước thử nghiệm câu hỏi thi và đề thi. Ðề thi chính thức được sử dụng từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa nhờ vào phần mềm máy tính; các chuyên gia sẽ thẩm định, rà soát kỹ trước khi chuyển đến các hội đồng thi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các địa phương cũng lên các phương án bố trí địa điểm thi, tập huấn giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi. Sở GD và ÐT Hà Nội đã hoàn tất đợt kiểm tra khảo sát (thi thử) đối với tất cả học sinh lớp 12 trên địa bàn. Không chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức đợt "thi thử" THPT quốc gia trong thời gian tới.

Ðiểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là có thêm các bài thi tổ hợp, phần lớn theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Ngữ văn thi tự luận. Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra khảo sát tại Hà Nội cho thấy, công tác ra đề thi trắc nghiệm đã gặp một số sai sót. Theo đó, tại buổi thi môn Toán (chiều 20-3), ở câu số 37, mã đề 015 không có đáp án nào đúng trong cả bốn đáp án được đưa ra khiến không ít thí sinh lo lắng. Trong khi đó, buổi thi môn Hóa học vào sáng 21-3 (tổ hợp bài kiểm tra Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học), trong đề 3, câu 62 không có nội dung ở đáp án C. Theo lý giải của Sở GD và ÐT Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới sự cố đề thi môn Hóa học không có nội dung ở đáp án C là do "lỗi kỹ thuật" (bị in đè khi đảo đề). Theo thống kê, mỗi phòng thi có 24 mã đề, trong đó có một thí sinh gặp phải đề bị lỗi. Ngoài ra, với đề thi môn Toán, nguyên nhân cũng được xác định là do "lỗi kỹ thuật" (đánh thừa dấu trừ (-) trước số 1) tại một đáp án, dẫn đến không có đáp án đúng. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế về đề thi, đợt kiểm tra khảo sát ở Hà Nội đã giúp học sinh làm quen cách thi mới, có thêm kỹ năng làm bài. Thông qua đó, trong quy trình làm đề thi chính thức, Bộ GD và ÐT sẽ rút kinh nghiệm, tránh sự cố nói trên.

Theo các chuyên gia giáo dục, để kỳ thi THPT quốc gia đạt kết quả cao, trước hết đề thi phải bảo đảm chất lượng, không có sai sót. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần huy động nhiều chuyên gia giỏi làm đề thi; rà soát kỹ, thử nghiệm nhiều lần, nhất là đối với đề thi trắc nghiệm; việc rà soát kỹ trước và sau khi in đề sẽ hạn chế, tránh sai sót không đáng có. Ðề thi THPT quốc gia không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mà còn làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Do vậy, việc siết chặt quy trình làm đề thi THPT quốc gia là rất quan trọng.

 

Tác giả bài viết: QUÝ TÙNG

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây