Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định trả lời phỏng vấn
PV: Từ các vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây, trong đó có Bình Định, ông có cho rằng pháp luật về bảo vệ rừng hiện nay đang có vấn đề bất ổn ?
Ông Phan Trọng Hổ: Đến thời điểm này tôi cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ rừng là cơ bản đầy đủ. Cụ thể: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14. Dưới luật có Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm; Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng; và Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng CP về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng; nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, khẳng định vị trí pháp lý, thống nhất về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ chính sách để đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng của chủ rừng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ rừng…
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định: “Từ các mô hình BVR cộng đồng có hiệu quả rõ nét ở các thôn thuộc xã Tây Phú, Tây Giang (Tây Sơn), Sở NN&PTNT sẽ báo cáo và tham mưu UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp bàn chuyên đề về vấn đề này. Sau đó UBND tỉnh sẽ báo cáo Tỉnh ủy để xin chủ trương triển khai. Nghĩa là phải làm đồng bộ, tất cả các cấp các ngành cùng nhập cuộc thì mới có hiệu quả”
Về quy định định mức biên chế bình quân toàn quốc cứ 1.000 ha rừng/1 biên chế kiểm lâm (khoản 1 Điều 15 Nghị định 119/2016) và 500 ha rừng đặc dụng/ 1 biên chế công chức kiểm lâm (khoản 3, Điều 28 Nghị định 117/2010/NĐ-CP) đang có sự bất cập vì không phù hợp với thực tiễn đối với những địa phương có diện tích rừng lớn như ở Bình Định. Tuy nhiên hiện nay cả nước đang quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành TW khóa 6 nên nhu cầu về bổ sung biên chế là không khả thi. Vì vậy ngành Lâm nghiệp của Bình Định đang tính đến phương án chủ động quản lý bảo vệ rừng theo cách làm của mình.
PV: Có sự trùng hợp ngẫu nhiên vụ phá rừng ở xã An Hưng (An Lão) cũng được phát hiện vào khoảng thời gian cuối tháng 7 đầu tháng 8 cách đây vừa tròn 1 năm. Phạm vi, tính chất và mức độ của mỗi vụ khác nhau nhưng có thể nói đây là 2 vụ phá rừng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn Bình Định. Cả hai vụ phá rừng đều xảy ra thời gian khá dài (vụ An Hưng 7/2015 – 8/2017; vụ Vĩnh Sơn tuy chưa xác định chính xác nhưng hiện trường để lại được cho là tương đối lâu) và có tổ chức. Từ 2 vụ án nghiêm trọng và các vụ phá rừng khác trên địa bàn Bình Định, ông rút ra được điều gì tâm đắc trong công tác quản lý và bảo vệ rừng hiện nay ?
Ông Phan Trọng Hổ: Trước hết, có thể nói thủ đoạn khai thác gỗ của lâm tặc ngày càng hết sức tinh vi. Tại các tiểu khu 142, 145 ở Vĩnh Sơn vừa bị triệt hại 103 m3 gỗ dỗi, theo người dân cho biết, lâm tặc sử dụng cưa lốc để cắt gỗ có gắn pô giảm thanh nên dù có đứng cách 200m cũng không nghe được tiếng cưa… Thứ hai, người dân địa phương rất sợ lâm tặc trả thù. Người dân ở xã Vĩnh Sơn khi gặp tôi họ đã nói thẳng, rằng họ biết rất rõ lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trái phép nhưng không dám báo cơ quan có chức năng, thậm chí họ còn phải né tránh không cho lâm tặc thấy mặt. Lý do, nếu báo tin hoặc để thấy mặt, thì lâm tặc sẽ mò tới nhà trả thù, như trường hợp một thầy giáo ở Vĩnh Sơn đã từng là nạn nhân. Cho nên thường là để lâm tặc khai thác xong thì bà con mới dám báo tin.
Quyết định 686/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý về bảo vệ và phát triển rừng. Hoàn thiện hình thức giao khoán rừng, đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý chăm sóc bảo vệ, theo nguyên tắc cùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ phát triển rừng và cùng hưởng lợi. Đẩy mạnh việc giao khoán rừng, đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trên địa bàn”.
Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 142, 145 ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh
Trong khi đó lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách lại quá mỏng chỉ có thể tuần tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất chứ không thể thực hiện thường xuyên được. Toàn tỉnh Bình Định có hơn 218.000 ha rừng tự nhiên các loại nhưng chỉ có 220 kiểm lâm cộng với Ban QLRPH ở các huyện, bình quân mỗi đơn vị có khoảng 10 người, đảm nhiệm quản lý 45.000 ha, trong đó 25.000 ha tự nhiên. Nếu đi tuần tra hết diện tích thì phải hơn 2 tháng mới có thể quay trở lại điểm xuất phát. Vì vậy để góp phần bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả rất cần có sự nhập cuộc của người dân. Thế nhưng người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) sống ở gần rừng thì lo sợ lâm tặc trả thù. Nghịch lý là ở đó, nếu không giải quyết tốt sự bất cập này thì Nhà nước có giao rừng người dân không dám nhận hoặc đã nhận khoán bảo vệ rừng thì họ cũng không thể nào yên tâm giữ rừng. Từ đó cho thấy để làm tốt công tác quản lý và BVR không chỉ có xử lý cán bộ kiểm lâm, cán bộ Ban QLRPH và các cấp có thẩm quyền liên quan thiếu trách nhiệm; mà chúng ta cần phải tính đến phương án giao rừng hoặc giao khoán rừng cho dân như thế nào để người dân không sợ lâm tặc. Đồng thời cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan có chức năng xử lý thật nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật để tạo niềm tin cho người dân trong công tác BVR đầy cam go này.
PV:
Ông có thể cho biết cụ thể phương án giao rừng và giao khoán rừng sắp tới dây của Bình Định là gì, đặc biệt là làm cách nào để người dân không còn sợ lâm tặc?
Ông Phan Trọng Hổ: Thực hiện chủ trương của Nhà nước (Nghị định 01/CP của Chính phủ về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trong các doanh nghiệp Nhà nước; Nghị định 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, rừng sản xuất và mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông, lâm trường quốc doanh; Nghị định 186/2016/NĐ-CP; Quyết định 686/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), đến nay sau hơn 20 năm, tỉnh Bình Định đã giao khoán được 170.000 ha rừng các loại trong tổng diện tích 218.000 ha (chiếm 77%). Nhờ đó góp phần tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân và hạn chế được tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép ở địa phương. Song song với mô hình giao khoán rừng, tỉnh Bình Định cũng đã thử nghiệm thành công mô hình giao rừng trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại 3 địa phương: thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) hơn 1.500ha; thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú (Tây Sơn) 350ha; và thôn Hữu Giang, xã Tây Giang (Tây Sơn) 450ha. Qua khảo sát trên 95% diện tích rừng được bảo vệ, người dân gắn bó với rừng rất tốt.
Tôi muốn nhấn mạnh đến mô hình giao rừng trực tiếp cho cộng đồng, trước hết là vì khai thác yếu tố liên kết của tập thể, một khi bị lâm tặc tấn công họ sẽ không đơn độc chống trả. Thay vì giao khoán rừng đến hộ gia đình, cá nhân, rừng được giao cho cả cộng đồng dân cư (đứng đầu là trưởng thôn) cùng nhau quản lý, chăm sóc và cùng được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật. Rừng được giao cho cộng đồng, cả thôn ai cũng có trách nhiệm giám sát nên nhất cử nhất động của lâm tặc (nếu có) là họ phát hiện ra ngay, vì hàng ngày cả làng đều vào rừng để làm nương rẫy, khai thác lâm sản phụ…. Do quyền lợi từ rừng mang lại đảm bảo cuộc sống cho chính họ nên họ không ngại đối đầu với lâm tặc để rừng được bảo vệ và phát triển.
Điều 30 Luật BV&PTR năm 2004 quy định: “Cộng đồng dân cư thôn được giao rừng có các quyền sau đây: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng ổn định, lâu dài phù hợp với thời hạn giao rừng; Được khai thác, sử dụng lâm sản và các lợi ích khác của rừng vào mục đích công cộng và gia dụng cho thành viên trong cộng đồng; được sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp kết hợp theo quy định của Luật này và quy chế quản lý rừng; Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích rừng được giao; Được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về vốn theo chính sách của Nhà nước để bảo vệ và phát triển rừng và được hưởng lợi ích do các công trình công cộng bảo vệ, cải tạo rừng mang lại; Được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng”
PV: Như vậy để triển khai mô hình quản lý BVR cộng đồng có hiệu quả, theo ông cần phải bắt đầu từ đâu, điều gì làm ông quan ngại nhất ?
Ông Phan Trọng Hổ: Sự phối hợp của cơ quan có chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm lâm luật còn quá chậm trễ. Không nói các vụ vi phạm khác, trong số 8 vụ vi phạm lâm luật có liên quan đến chống người thi hành công vụ xảy ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn Bình Định (Hoài Ân 3 vụ, Vĩnh Thạnh 1 vụ, Vân Canh 1 vụ, Tây Sơn 1 vụ…) thì đến thời điểm này chưa có vụ nào được cơ quan có chức năng xử lý triệt để. Điển hình nhất là vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân khi làm nhiệm vụ bị lâm tặc chửi bới và lấy chai bia đập vào đầu gây thương tích, tôi đã làm việc với Phó Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND huyện để thúc đẩy nhưng gần 2 tháng nay vụ việc gần như dẫm chân tại chỗ. Hoặc như vụ thôn trưởng thôn Tây Phú (nơi có mô hình giao rừng cộng đồng có hiệu quả) bị lâm tặc đã mò đến tận nhà đe dọa, đích thân tôi đã gọi điện và có văn bản gửi Chủ tịch huyện đề nghị điều tra xử lý nhưng cùng chỉ mới có văn bản chỉ đạo Công an huyện vào cuộc...
Phải đổi mới công tác tuyên truyền. Lâu nay chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền BVR thông qua qua kênh báo chí, tổ chức hội đoàn thể… nhưng chỉ dừng lại ở một số đối tượng hạn hẹp chủ yếu là cán bộ, đảng viên. Trong khi đó các đối tượng cần nghe là lâm tặc và người dân sống ở gần rừng thì không được tiếp cận thông tin. Cần phải phân loại đối tượng để có kế hoạch tuyên truyền thích hợp. Phải tính đến phương án giải quyết công ăn việc làm khi vận động lâm tặc từ bỏ việc phá rừng để cùng tham gia BVR. Hoặc phải giải được bài toán chênh lệch giữa nguồn thu nhập từ chính sách giao khoán rừng hiện nay của Nhà nước với nguồn thu nhập từ lâm tặc cho tiền chi tiêu trước mắt thì mới thuyết phục được đồng bào dân tộc thiểu số quay lưng với lâm tặc. Mặc dù một năm số tiền nhận khoán được Nhà nước chi trả không lớn (bình quân từ 10 – 12 triệu) nhưng đồng bào dân tộc cũng đã quen rồi, bây giờ nếu chuyển sang mô hình quản lý cộng đồng chắc chắn sẽ không đơn giản. Phải tuyên truyền cho khéo nếu không sẽ bị tác dụng ngược, những chủ rừng sẽ quay trở lại liên kết với lâm tặc.
Ngoài mô hình giao rừng cho cộng đồng, hiện nay Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm rà soát, đánh giá lại các phương thức quản lý BVR khác để tổng kết và tổ chức học tập nhân rộng, nếu phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông !
Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng vừa phát hiện tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), nguồn tin riêng của PV Pháp lý, Cơ quan điều tra Công an đã thu được 1 điện thoại di động và sổ hộ khẩu của một người ở tỉnh Quảng Bình. Như vậy có nhiều khả năng, lâm tặc có sự tiếp tay của một số người dân địa phương.