Phó đoàn ĐBQH Thanh Hoá nhận nhiều tin nhắn về việc bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn

Thứ ba - 02/04/2019 03:05
Việc bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn và ông Tất Thành Cang sau khi đã bị kỷ luật, dù là căn cứ vào luật nhưng khi dân không đồng tình thì luật cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Phó đoàn ĐBQH Thanh Hoá nhận nhiều tin nhắn về việc bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn

Trả lời báo VietNamNet về việc ông Ngô Văn Tuấn (người bị cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa 1 năm trước do có liên quan đến vụ "nâng đỡ không trong sáng" bà Trần Vũ Quỳnh Anh) vừa được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thanh Hoá Mai Sỹ Diến cho biết, ông nhận khá nhiều tin nhắn, lời chia sẻ của anh em cán bộ công chức trao đổi về việc này.

Phó đoàn ĐBQH Thanh Hoá nhận nhiều tin nhắn về việc bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn
Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thanh Hoá Mai Sỹ Diến

"Anh em có những tâm tư này kia nhưng về mặt nguyên tắc thì mình giải thích theo luật, không thể nói khác được", ông Diến chia sẻ.

Người dân không đồng tình thì luật cần phải điều chỉnh

Theo ông Diến, ông Ngô Văn Tuấn bị kỷ luật cách chức Phó chủ tịch tỉnh đã hết 1 năm rồi và hiện ông vẫn là đảng viên, là công chức, có chuyên môn thì ông ấy vẫn được cơ quan có thẩm quyền là UBND tỉnh bổ nhiệm. Theo luật Cán bộ công chức thì việc này không có gì sai.

Ông Diến dẫn thêm trường hợp ông Tất Thành Cang, bị Ban chấp hành TƯ kỷ luật cách một số chức vụ trong Đảng nhưng vẫn là thành ủy viên và cũng vừa được giữ chức Phó ban thường trực Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM.

Từ 2 trường hợp này cho thấy người có thẩm quyền căn cứ vào luật Cán bộ công chức, vào trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ công chức để bổ nhiệm. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm như vậy khiến người dân băn khoăn, không đồng tình thì tới đây khi sửa luật Cán bộ công chức thì phải xem xét đến thực tiễn này để điều chỉnh luật.

"Một khi người dân đã không đồng tình thì luật cần phải điều chỉnh", Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách tại kỳ họp QH tháng 5/2018, ông Diến đã giải đáp về việc Thanh Hóa bố trí công việc cho ông Ngô Văn Tuấn sau khi bị kỷ luật cách chức.

Ông Diến cho rằng, cá nhân ông Tuấn sau khi bị cách chức vẫn là đảng viên, công chức và có đơn xin bố trí công việc. 

“Anh Tuấn là cán bộ thuộc UBND nên khi có Ban chỉ đạo phát triển nhà ở của tỉnh thì anh Tuấn làm tổ tưởng tổ giúp việc, không phải quản lý mà ban này tham mưu cho Chủ tịch tỉnh, còn tổ là tham mưu cho ban. Việc bổ nhiệm không tăng thêm biên chế và các vị trí khác đều kiêm nhiệm. Việc phân công công việc là hoàn toàn đúng luật và thẩm quyền”, ông Diến khẳng định với các ĐBQH.
 

Không phải "dí một phát chết luôn"

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, theo quy định của luật Cán bộ công chức hiện nay, đối với những cán bộ công chức bị kỷ luật thì trong vòng 1 năm không được bổ nhiệm gì.

Còn khi hết thời hạn 1 năm thì họ vẫn được bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng bậc lương bình thường chứ không phải "dí một phát chết luôn".

Phó đoàn ĐBQH Thanh Hoá nhận nhiều tin nhắn về việc bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh

Theo ông Minh, vấn đề kỷ luật cán bộ công chức hiện nay luật pháp vẫn chưa hoàn thiện. Ngay vấn đề kỷ luật công chức xã nhiều khi còn không rõ theo văn bản nào do hệ thống thể chế về kỷ luật cán bộ công chức chưa đầy đủ. 

Trả lời câu hỏi có nên đặt vấn đề này khi sửa luật Cán bộ công chức mà hiện Bộ Nội vụ đang đưa ra lấy ý kiến để trình QH trong thời gian tới, ông Minh cho hay ngày 10/4 này UB Thường vụ QH họp cho ý kiến lần đầu để sửa dự luật này.

Tuy nhiên, việc có đưa vấn đề bổ nhiệm cán bộ bị kỷ luật vào nội dung sửa luật hay không thì chưa rõ và sẽ do UB Thường vụ QH quyết định.

Hiện nội dung sửa luật Cán bộ công chức, luật Viên chức lần này là bám vào tinh thần của nghị quyết TƯ 6, TƯ 7 trước mắt là những vấn đề còn bất cập để làm sao đồng bộ với các quy định của Đảng.

Luật Cán bộ công chức 2008

Điều 82. Các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật

1. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 6 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.

4. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây