Ngày 28/2, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cùng đoàn công tác của lãnh đạo thành phố đến thăm, làm việc và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Tại buổi làm việc, ông Thăng đề nghị trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM cần phải kiện toàn bộ máy của nhà trường khi đang khó khăn. Những điều đặc thù thì đề xuất xin thí điểm, không thể để tình trạng thiếu trưởng khoa, phó khoa. Với các môn khoa học cần tiến sĩ, nhưng có nhất thiết nghệ thuật cũng cần tiến sĩ, từng khoa một phải có tiến sĩ.
“Hát cải lương có nhất thiết phải là tiến sĩ hát cải lương không? Tôi thấy người ta giới thiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hát cải lương, chứ không thấy ai giới thiệu một ông tiến sĩ lên hát cải lương ”- ông Thăng ví von.
Người đứng đầu Thành ủy TPHCM cho rằng, thành phố phải có được một nền văn hóa nghệ thuật mang đặc trưng của đất Phương Nam. Đó là sự hào sảng, nghĩa khí nghĩa hiệp, vì nếu chỉ tập trung vào kinh tế thì không còn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
“Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM phải có gì khác biệt so với các trường Sân khấu-Điện ảnh khác trên cả nước. Sản phẩm tiêu biểu của trường là gì. Làm thế nào để nguồn nhân lực đào tạo khi ra trường đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội?. Trường phải đổi mới giáo trình, không thể mang giáo trình mấy chục năm ra giảng dạy”, ông Thăng nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM trình bày trường có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trang thiết bị để đào tạo nghệ thuật, thiếu phim trường, các phòng chức năng, chuyên dụng, phòng chiếu phim đạt chuẩn tối thiểu.
Về nhân sự đội ngũ nhân sự các cấp, nhất là cấp phòng, khoa, đơn vị trực thuộc còn mỏng, thiếu như nhiều đơn vị không có cấp trưởng, nhiều đơn vị không có cấp phó.
NSƯT Ca Lê Hồng, Nguyên Hiệu trưởng trường cho hay, trường đào tạo ngày càng teo tóp. Sinh viên khoa đạo diễn dạy, học chay từ đầu chí cuối vì các sân khấu quá nghèo nàn. Các sinh viên các khoa khác cuối năm tốt nghiệp mới được “leo” trên sân khấu.
“Đặc trưng của phương Nam là cải lương, nhưng hiện nay, Khoa Cải lương của trường vô cùng khó khăn. Chúng tôi chỉ mong có dự án đào tạo kỹ càng, cải lương cho ra cải lương” – NSƯT Ca Lê Hồng cho biết.
Ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM rất chia sẻ với khó khăn nhà trường và thừa nhận, những loại hình nghệ thuật như cải lương, hát bội rất ít được quan tâm. Và chỉ có thể, có cơ chế vừa học vừa có lương mới giữ chân được sinh viên.
Nguồn tin: tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn