Quà Tết là hình thức "hối lộ trá hình"?
Ngày 28/12, tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương diễn ra với sự tham gia của 63 lãnh đạo tỉnh, thành phố, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết năm 2018, trong đó có việc nghiêm cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung ương đưa ra chỉ thị về vấn đề trên, nhưng việc xóa lệ quà cáp biếu xén trong dịp tết thật không đơn giản, không thể cứ muốn là được.
Đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên?
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn. |
Bình luận về việc này, ngày 29/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc biếu xén, nhận quà có dấu hiệu vi phạm là biểu hiện của hành vi “hối lộ trá hình”.
“Theo truyền thống của ông cha, dịp Tết đến, xuân về là quãng thời gian người ta tri ân nhau, nhớ về công lao của những người đã dày công dạy dỗ, dưỡng dục...
Người ta đến với nhau chỉ bằng nải chuối, con cá chép, hay có khi đó chỉ là mớ khoai, củ sắn trong vườn, nhưng nó gửi gắm cả tấm lòng, sự chân tình của con người.
Nhưng hiện nay, người ta biếu xén nhau quà Tết hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn đô la Mỹ.
Đây gọi là quà Tết nhưng đã bị biến tướng và có thể gọi bằng cái tên "hối lộ trá hình".
Hay trong năm qua anh đã cho tôi dự án lớn, đem lại thu nhập nhiều tỷ đồng?Phải chăng tôi biếu anh hàng trăm triệu đồng vì trong thời gian vừa qua anh đã cho tôi chức (tước) nọ, chức kia?
Thậm chí, có người lợi dụng dịp biếu xén dịp Tết để “đón lỏng” dự án, hoặc để người khác quan tâm tới mình trong công việc sắp tới.
Bây giờ không còn hình thức biếu xén quà cáp theo kiểu "tay xách, nách mang" tới nhà lãnh đạo nữa mà họ sẽ tận dụng cơ hội làm việc với cấp trên vào dịp cuối năm để gặp gỡ và đưa phong bì với giá trị lớn.
Mục đích chính vẫn là quà cáp cho lãnh đạo dịp Tết.
Đây là hình thức "hối lộ trá hình" nhằm mục đích vụ lợi hoặc đó là thông điệp trả ơn.
Hay nói cách khác, thực chất đó là hình thức ăn miếng trả miếng”, ông Lê Như Tiến nhận định.
Phải xử lý nặng việc tặng quà Tết trái quy định
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, mặc dù đã có chỉ thị của Trung ương với nội dung các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương, nhưng tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt vì chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc vi phạm.
“Đây mới là chỉ thị của Ban Bí thư. Chỉ thị của Trung ương muốn phát huy hiệu quả rõ rệt thì phải được hiện thực hóa bằng quy định, nghị quyết.
Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có chế tài xử lý việc tặng, nhận quà Tết.
Bởi vậy, nếu phát hiện vi phạm trong việc tặng, nhận quà Tết xử lý với chế tài như thế nào? Cảnh cáo hay cách chức, miễn nhiệm nếu cán bộ vi phạm?”, ông Lê Như Tiến băn khoăn.
Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, nên luật hóa việc biếu xén, nhận quà dịp Tết.
“Nhân dịp sắp sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, tôi đề nghị bổ sung một số điều về việc nghiêm cấm biếu xén nhân dịp Tết đến, xuân theo kiểu hối lộ trá hình.
Phải coi việc biếu xén, nhận quà không lành mạnh, là hành vi đưa, nhận hối lộ.
Chúng ta cần luật hóa Chỉ thị này.
Đồng thời người có liên quan tới hành vi trên phải chịu trách nhiệm, chịu sự điều chỉnh của luật pháp.
Theo tôi, nếu quy định rõ ràng và có chế tài xử lý vi phạm trong việc tặng, nhận quà Tết thì có thể xem xét kỷ luật cán bộ vi phạm ở mức cách chức, miễn nhiệm hoặc cho thôi việc", ông Tiến nêu quan điểm.
Ông Tiến cũng cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần khuyến khích người dân tham gia vào việc tố giác hành vi tặng, nhận quà trái quy định.
“Cần phát huy vai trò giám sát của người dân nơi cư trú và nơi công tác trong việc thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư.
Trong trường hợp người dân phát hiện hiện tượng tặng, nhận quà quà trái quy định thì nên khen thưởng họ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng để người đi biếu sợ biếu quà Tết, người được biếu sợ nhận quà", ông Tiến đề nghị.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, cần phát huy tính gương mẫu của người đứng đầu trong thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư.
“Nếu cấp dưới tặng quà cấp trên, cấp trên không những không nhận mà còn xử lý trách nhiệm cán bộ cấp dưới một cách công khai thì không còn dám biếu xén nữa.
Vấn đề vẫn là người lãnh đạo phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.
Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được hiện tượng tiêu cực từ việc biếu xén quà cáp, nhưng vấn đề là có quyết tâm làm hay không thôi", ông Tiến nói.
Tác giả bài viết: XUÂN QUANG
Nguồn tin: GDVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn