Thành công mới chỉ tạm là bước đầu.
Trong phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là BCĐ) để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019, những thông tin ấn tượng đã được chính thức đưa ra. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng BCĐ đã nêu lên 4 kết quả nổi bật của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), trong đó phải kể đến nửa nhiệm kỳ qua và trong năm 2018, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN.
Phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế đồng bộ, hiệu quả; có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Theo Tổng bí thư, những việc đó cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”...
Cũng từ tinh thần đó, kết quả đạt được quả là to lớn.
Trong năm 2018, theo như báo cáo, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên diện Trung ương quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Cũng trong năm qua, qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108.000 tỷ đồng, hơn 1.000ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 2.080 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 101 vụ với 151 đối tượng.
Nếu tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã kiến nghị thu hồi, xử lý về tài chính gần 319.000 tỷ đồng, hơn 7.200ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 5.900 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 311 vụ với 481 đối tượng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 36 vụ/498 bị cáo.
Riêng năm 2018 đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017); đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần số vụ so với năm 2017), với các mức án nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình...
Đặc biệt, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên. Có những vụ tưởng như rất khó, như vụ một vài lãnh đạo cao cấp ở Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm bảo kê cho tổ chức đánh bạc qua mạng, đã thu về cả chục ngàn tỷ đồng, cũng là một ví dụ hết sức sống động cho tinh thần quyết tâm chống tham nhũng và không có vùng cấm cho bất kỳ ai.
Năm 2018 đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi trên 33.000 tỷ đồng; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 30%. Tôi nghĩ, đây có thể sẽ là con số “khủng”, khó “cán mốc” này cho những năm sau nếu không tiếp tục quyết liệt, không làm đến cùng đúng như tinh thần vừa qua...
Để có thể tiếp tục vững bước trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng này và phát huy những thành công bước đầu đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong năm 2019, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đạt được, mà vẫn phải kiên trì, tiếp tục làm và làm với một quyết tâm cao hơn, đẩy mạnh hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn muôn vàn khó khăn.
Theo Tổng bí thư, chúng ta sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ sẽ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, định hướng lớn về công tác PCTN nhằm phục vụ cho việc xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
Song, với tôi, mừng thì có mừng trước những gì sau 1-2 năm gần đây chúng ta làm được và làm khá tốt. Thế nhưng tôi vẫn không khỏi âu lo khi luật pháp của chúng ta chưa đủ mạnh và đủ chế tài để nghiêm trị tội tham nhũng. Do sự tinh vi của nó, luật pháp thì lại "trọng chứng hơn trọng cung", nên có những vụ việc, nếu nhìn vào, không mấy ai có thể nghĩ khác được rằng nếu không có tiêu cực, không có chung chi thì dễ gì các lãnh đạo cấp trên ký văn bản "Tuyệt mật", "Tối mật" nhiều đến thế cho doanh nghiệp bình phong làm ăn, lợi cho ngành tình báo chả thấy đâu mà chỉ thấy lợi ích cá nhân rõ mười mươi qua vụ Vũ "nhôm" thôn tính đất công sản ở Đà Nẵng và TP.HCM vào tay cá nhân lại êm đến thế.
Bằng những thứ “mệnh lệnh” bất thành văn, thử hỏi có tỉnh, thành nào, bộ nào lại dám trái ý ngành tình báo công an cho được? Tôi nghĩ rất khó và ít nhiều cũng phải thừa nhận điều này thật khó cưỡng. Người ta chỉ cưỡng lại không làm theo đề nghị của Bộ Công an, của Tổng cục Tình báo khi nào vị quan chức đó thanh liêm tuyệt đối, sẵn sàng trả ghế về nhà nhẹ tựa lông hồng.
Thực tế ở nước ta cách đây vài nhiệm kỳ Đại hội, chuyện này đã từng xảy ra ở ngành tình báo quân đội (Tổng cục 2) mà điển hình là câu chuyện buồn về cố Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng bị vu oan.
Bà là người phụ nữ Việt Nam kiên cường trong chiến tranh và rất nổi tiếng trong lịch sử bởi nụ cười bất diệt năm xưa. Khi bị kết án 20 năm tù, bà Võ Thị Thắng đã nở nụ cười khinh mạn quân địch rồi nói đại ý rằng, tôi nghĩ chế độ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu này liệu có còn tồn tại từng đó năm nữa hay không để mà giam giữ tôi?
Nụ cười Võ Thị Thắng ngày đó đã được chúng ta tôn vinh là “Nụ cười Chiến thắng”.
Thế nhưng, chỉ do mâu thuẫn quan hệ nội bộ rất vụn vặt, người ta đã đặt điều vu khống bà, sau đó bà bỗng dưng trở thành “người của cơ quan tình báo CIA”.
Tài liệu ngụy tạo nói trên đã được một nhóm người của Tổng cục Tình báo Quân đội mất phẩm chất tạo dựng. Một hồ sơ oan trái vô tình đã khiến sự nghiệp chính trị của bà Thắng bỗng chốc gặp trắc trở, thật đáng tiếc.
Vụ án vu khống, dựng chuyện này cuối cùng đã bị lộ. Đã có cả quan chức cấp thứ trưởng (ngoài ngành) cấu kết cùng vài cán bộ cấp cao trong ngành tình báo quân đội đã vướng vòng lao lý. Cũng có thể do có thế lực phía sau "bật đèn xanh" cho họ làm chuyện xấu, vu oan giá hoạ mà bà phải ra nông nỗi đó. Tiếc rằng vụ án chỉ xử đến vậy mà không đi tới cùng, bởi lúc này, nói đúng ra thì đây chính là vụ án chính trị, nếu để nhằm triệt hạ người khác thì tội danh này sẽ nặng vô cùng.
Tôi đã được nghe trực tiếp câu chuyện này qua lời kể của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại chính văn phòng của ông. Bữa đó, sau đoạn ông kể cho chúng tôi nghe chuyện bà Võ Thị Thắng được minh oan thế nào và sau đó vắt sang cả chuyện chính ông, khi đương kim là Tổng bí thư, cũng còn bị ai đó tạo dựng hồ sơ giả với “bằng chứng” cũng là người của CIA cài vào tổ chức. Chúng tôi nghe mà không khỏi bất ngờ. Do tế nhị, tôi xin miễn đi quá sâu việc này.
Nhiều cán bộ, cả Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương, bị kỷ luật, cách chức hoặc vướng vòng lao lý. Ảnh: Ngọc Diệp.
Tôi kể hơi kỹ câu chuyện xa xưa để muốn nói rằng, thật không dễ cho các cơ quan ngoài ngành công an, khi nhận văn bản của ngành này đặt vấn đề được mua đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá thì làm sao có thể chống lại nổi. Đó là chưa kể, biết đâu ngoài đòn “doạ” bằng nghiệp vụ, Vũ "nhôm" còn mang kèm cả “viên đạn bọc đường” đến nhà. Vậy nên rất dễ bị sa ngã. Tuy nhiên, khi điều tra, nếu không truy ra chứng cứ tham nhũng, chung chi thì làm sao có thể nghiêm trị họ bằng tội danh khác nhẹ hều “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” kia được!
Từ đó, tôi nghĩ, đã đến lúc những vụ việc tày đình, gây thất thoát công sản từ công biến thành tư, nếu không tìm ra bằng chứng tham nhũng thì cũng nên quy tội khác, chẳng hạn như đó là tội trợ sức phá hoại nền kinh tế quốc gia (theo từng cấp độ bị thiệt hại) thì tội trạng cũng khác; hoặc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn lừa đảo tổ chức để người của đơn vị mình chiếm đoạt tài sản nhà nước... Chỉ có cách quy tội như vậy, khung hình phạt mới có thể tăng nặng và mang tính răn đe kẻ vi phạm khi đã quá tinh vi, thủ đoạn, lách luật. Chỉ có như vậy thì những người có quyền mới biết sợ tham nhũng và không dám tham nhũng...
Một năm 2018 với cả hệ thống chính trị cùng mạnh mẽ vào cuộc và thành quả mang lại cũng thật đáng ghi nhận. Để có được thành công bước đầu này, vai trò của người đứng đầu bộ máy Đảng, Nhà nước là hết sức quan trọng, tuy cũng biết còn vô vàn khó khăn phía trước. Cũng từ thành công nói trên, chúng ta có cơ sở để tự tin rồi đây sẽ còn tiếp tục đạt nhiều dấu ấn hơn nữa trong năm 2019 cũng như những năm tiếp theo - một thời điểm quan trọng để hoàn thiện bộ máy trong quy hoạch chiến lược về công tác cán bộ, chuẩn bị đội ngũ kế cận cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng khoá XIII.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn