Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
|
Góp phần xây dựng niềm tin trong nhân dân
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò của Thanh tra chính phủ và Thanh tra các cấp đã góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước năm 2018.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự tiến bộ và phát triển của ngành Thanh tra, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin trong Nhân dân. Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp đã chú trọng triển khai kế hoạch thanh tra theo định hướng; biết rút kinh nghiệm, được triển khai các công việc với tinh thần quyết liệt, nghiêm túc và có chất lượng.
Qua đó, đã phát hiện xử lý được nhiều vi phạm, góp phần khắc phục sơ hở, còn bất hợp lý trong quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật. Cụ thể, đã phát hiện vi phạm về kinh tế 33.839 tỷ đồng và 33.972ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 29.769 tỷ đồng và 1.007ha đất.
Thanh tra đã đóng góp tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng. Trong đó có một số vụ được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như Thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nghìn Toàn cầu, công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm...
Phát huy các vai trò tham mưu, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, khiếu nại tố cáo. Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 394.224 lượt công dân với 271.249 vụ việc; giải quyết 23.573 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 83,7%). Hiện có 13 địa phương báo cáo không còn vụ việc phức tạp, kéo dài.
Thanh tra Chính phủ tham mưu cho các ngành các cấp các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Điển hình là xử lý 35 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người đã bị xử lý hình sự, 32 người bị xử lý kỷ luật hành chính; chuyển đổi vị trí công tác gần 10.000 cán bộ, công chức, viên chức.
“Niềm tin của người dân được củng cố thông qua việc giải quyết các vụ tham nhũng. Điều tiếng về đội ngũ cán bộ thanh tra được giảm thiểu đáng kể, chứng tỏ ngành thanh tra đã từng bước chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, nghiêm túc làm gương trong phòng chống tham nhũng” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị
|
Thủ tướng biểu dương những thành tích nổi bật mà toàn ngành Thanh tra đạt được trong năm 2018, đặc biệt đánh giá cao Tổng Thanh tra Chính phủ đã thể hiện tốt vai trò người đứng đầu.
Song, Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều vụ việc kéo dài, chậm kết luận; chất lượng thanh tra ở một số vụ việc chưa cao. Người đứng đầu nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định trong luật Tiếp công dân. Việc phối hợp giữa các bộ ngành trong việc tiếp công dân, khiếu nại tố cáo còn chậm, nhất là vẫn còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy. Công tác dân vận phối hợp với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đã được cải thiện song việc đối thoại giải thích, vận động người dân ở một số địa phương chưa phải lúc nào cũng tốt.
Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chưa được thực hiện tốt; tình trạng tham nhũng vặt chưa kịp thời giải quyết. Hệ thống thanh tra của bộ, ngành, sở rất đông nhưng chưa mạnh, chủ động, chưa kiên quyết bảo vệ lẽ phải trong nhiều trường hợp. Đạo đức, phong cách, kỹ năng của một bộ phận cán bộ thanh tra chưa chuyên nghiệp…
Triển khai thanh tra chuyên đề trong lĩnh vực đất đai
Để công tác thanh tra năm 2019 được triển khai có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Thanh tra cần tiếp tục xây dựng nội bộ toàn ngành mạnh mẽ; cán bộ thanh tra có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngành Thanh tra cần xây dựng uy tín, niềm tin với toàn xã hội.
Toàn ngành cần thực hiện tốt Luật Thanh tra, khắc phục yếu kém trong quản lý. Triển khai thanh tra chuyên đề nhất là trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu y tế và giáo dục. Bên cạnh đó, có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ và các cấp phải giữ vai trò nòng cốt. Trong đó, cần dành nhiều thời gian để trực tiếp giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo một cách hợp lý. Tập trung giải quyết các vụ việc nổi cộm, không hình thành “điểm nóng” tại các địa phương. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các công chức vi phạm, xử lý nghiêm kẻ cầm đầu xúi giục hình thành “điểm nóng”…