Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Căng mình ôn tập với phương án thi mới

Thứ tư - 01/03/2017 20:22
(PL News) - Còn hơn 4 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia mới chính thức bắt đầu, nhưng thời điểm này, học sinh và giáo viên ở nhiều trường đã phải căng mình ôn luyện để đối phó với phương án thi trắc nghiệm mới.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Căng mình ôn tập với phương án thi mới

Lên “gân cốt” tập dượt thi

Ngày học ở trường, tối về học thêm cùng gia sư, các ngày cuối tuần lại đến lò luyện để ôn tập và luyện các đề thi thử… là lịch học kín mít của em Nguyễn Thu Hà, học sinh  Trường THPT Đống Đa (Hà Nội). Chia sẻ với phóng viên, Hà cho biết, em thi vào đúng năm Bộ GDĐT có nhiều thay đổi về phương án thi nên việc ôn tập cũng gặp nhiều khó khăn.

“Để làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, ngoài việc phải tập trung học trên lớp, chú ý đến các bài kiểm tra định kỳ, em còn phải tìm tòi nhiều tài liệu tham khảo. Những môn tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh… đã quen với kiểu thi trắc nghiệm, tài liệu cũng sẵn, còn với những môn xã hội như sử, địa, công dân lần đầu thi trắc nghiệm, tài liệu tham khảo ít hơn, khó khăn hơn” - em Hà cho biết.

 

ky thi thpt quoc gia 2017: cang minh on tap voi phuong an thi moi hinh anh 1

    Học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cùng nhau ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Tùng Anh

Chia sẻ những khó khăn trong việc ôn tập, em Nguyễn Thùy Dung, học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, lúc đầu chưa quen với việc học và thi trắc nghiệm, rất nhiều bạn bối rối trong việc học và ôn tập, tuy nhiên sau vài tháng, dưới sự hướng dẫn của thầy cô giờ đã ổn. “Môn văn thời gian thi giảm hơn nên dễ thở. Tuy nhiên, môn toán căng hơn. Nhiều câu phải mất 5 phút mới có thể hiểu được đề nên khá lo lắng” – Dung nói.

Em Nguyễn Thị Thúy, học sinh Trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, vì có sức học trung bình khá nên em đã chọn tổ hợp môn xã hội sử, địa, công dân để lấy điểm xét tốt nghiệp. “Năm nay các môn xã hội thi trắc nghiệm, vì vậy không cần thiết học thuộc nhiều như các năm trước, chỉ cần hiểu ý là đủ, không yêu cầu trình bày. Khi thi, các môn này có thể suy luận mà không cần  tính toán để ra kết quả chính xác như các môn tự nhiên” – Thúy nói.

Để hỗ trợ học sinh làm quen với cách thi mới, cô Tống Thị Thoa – giáo viên địa lý của Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, các thầy cô trong tổ, nhóm đã phải liên tục họp, tìm kiếm tài liệu và tổ chức phương pháp để đưa ra các tình huống cho đề thi. Cô Thoa cho biết thêm: “Điều ngạc nhiên là năm nay tỷ lệ học sinh trong trường chọn thi các môn xã hội ngang bằng các môn tự nhiên, điều mà trước đây hiếm thấy. Trước đây, các em thường coi các môn xã hội là môn phụ và học không tập trung, nhưng bây giờ các em đã rất hào hứng”.

Ráo riết chỉ đạo ôn tập

“Trong quá trình ôn tập các trường phải thống nhất với học sinh và cha mẹ để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Việc học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện đúng quy định; đặc biệt đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học”.

Thứ trưởng Bộ GDĐT
Nguyễn Thị Nghĩa

 

 Sở GDĐT Hà Nội cũng vừa có văn bản yêu cầu các trường THPT sử dụng kỳ thi kiểm tra khảo sát học kỳ 2 của lớp 12 để học sinh làm quen với phương thức thi mới như kỳ thi THPT quốc gia ở tất cả các khâu như: Phân chia phòng thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi…

Dự kiến, thời gian thi khảo sát tại các trường là 2,5 ngày, từ ngày 20.3 đến hết sáng ngày 23.3. Chậm nhất là ngày 31.3, Hà Nội sẽ tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố, hình thức thi như thi THPT quốc gia nhưng không lấy kết quả làm điểm kiểm tra học kỳ 2.

Ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở cũng yêu cầu các trường tổ chức ôn tập cho học sinh cần căn cứ vào môn thi và tổ hợp môn thi để các em đạt được kết quả cao nhất. “Các trường làm đề tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các môn tự luận, trắc nghiệm môn thi, riêng toán, ngoại ngữ soạn y như kiểu thi tốt nghiệp để các em làm quen; đồng thời để các thầy cô biết cách trông thi theo hình thức mới, đảm bảo đúng quy chế, không tốn nhiều thời giờ, không tốn kinh phí” – ông Đại nói.

Tại các địa phương khác, việc ôn tập cho học sinh cũng được chỉ đạo ráo riết. Sở GDĐT Nghệ An thông tin, từ đầu năm học, Sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn cho các trường tổ chức dạy và học cho học sinh lớp 12. Cụ thể, Sở này yêu cầu việc dạy và ôn tập phải phù hợp đối tượng, mục đích thi của học sinh, chú trọng phương pháp học và rèn luyện kỹ năng làm bài theo đặc thù của từng môn thi. Lãnh đạo Sở cũng cho biết, Sở cũng lưu ý các trường tăng cường biên soạn câu hỏi, bài tập có nội dùng phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia để sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra, thi thử. Đặc biệt, trong quá trình triển khai không được tạo ra áp lực, căng thẳng, tốn kém cho phụ huynh và học sinh. /.


 

Tác giả bài viết: Tùng Anh

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây