Kim Dung và cuộc đời làm báo ly kỳ không kém tiểu thuyết võ hiệp

Thứ hai - 05/11/2018 02:01
Là người sáng lập Minh Báo, một trong những tờ báo tiếng Trung uy tín ở Hong Kong, Kim Dung từng phải đối mặt với những lời dọa giết, bom thư nhưng ông chưa bao giờ bị khuất phục.
Kim Dung và cuộc đời làm báo ly kỳ không kém tiểu thuyết võ hiệp

 

Tra Lương Dung, người được biết đến nhiều hơn với bút danh Kim Dung, là một trong những nhà văn Trung Quốc được đọc nhiều nhất trong cộng đồng người nói tiếng Hoa. Song bên ngoài cộng đồng này, tương đối ít người từng nghe nói đến ông, từ đó mà truyền thông sử dụng tiếng Anh gọi ông là "Tolkien của Trung Quốc" (John Ronald Reuel Tolkien là nhà văn người Anh, nổi tiếng với các tác phẩm The Hobbit - Người Hobbit và The Lords of the Rings - Chúa Nhẫn).

Trong khi những lời tri ân hầu hết tập trung vào những thành tựu văn chương của Kim Dung, người vừa qua đời hôm 30/10 ở tuổi 94, những cống hiến trong lĩnh vực báo chí của ông cũng nổi bật không kém.

Kim Dung va cuoc doi lam bao ly ky khong kem tieu thuyet vo hiep hinh anh 1
Nhà văn Kim Dung qua đời hôm 30/10 tại Hong Kong ở tuổi 94. Ảnh: SCMP

Một ngày viết cả vạn chữ

Kim Dung bắt đầu nghề báo với tư cách phóng viên và là người đồng sáng lập Minh Báo, một trong những nhật báo tiếng Trung uy tín và có ảnh hưởng nhất tại Hong Kong, vào năm 1959. Ông đảm nhiệm vai trò tổng biên tập của tờ báo trong suốt nhiều năm.

Niềm đam mê văn học của ông đã giúp ích rất nhiều cho công việc báo chí khi ông bắt đầu xuất bản các tiểu thuyết của mình theo kỳ trên tờ báo và thu hút một lượng độc giả trung thành. Theo SCMP, với tư cách tổng biên tập, ông phải xoay sở để vừa viết xã luận vừa sáng tác tiểu thuyết cùng một lúc, một ngày viết đến 10.000 chữ.

Trong khi tài năng văn học và trí tưởng tượng của ông là vô song, ông cũng có hiểu biết uyên thâm và sắc sảo về những diễn biến chính trị ở Trung Quốc trong giai đoạn 1950-1970. Ví dụ, vào năm 1976 khi ông Đặng Tiểu Bình lại bị cách hết mọi chức vụ, các bài xã luận của Kim Dung dự đoán rằng họ Đặng sẽ sớm trở lại. Ông đã chứng minh đúng chỉ hơn một năm sau đó.

Hơn nữa, cuộc đời Kim Dung với tư cách nhà báo không kém phần ly kỳ so với những nhân vật được miêu tả trong tiểu thuyết của ông.

Kim Dung va cuoc doi lam bao ly ky khong kem tieu thuyet vo hiep hinh anh 2
Kim Dung (phải) gặp ông Đặng Tiểu Bình vào năm 1983. Ảnh: China News.

Danh sách ám sát

Năm 1966, chỉ 7 năm sau khi Minh Báo được thành lập, Cách mạng Văn hóa nổ ra khiến Trung Quốc rơi vào một thập kỷ hỗn loạn. Do sự gần gũi về địa lý, Hong Kong, khi đó vẫn là thuộc địa của Anh, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trải qua một giai đoạn đầy biến động.

Năm 1967, khi bạo loạn nổ ra giữa các thành phần cực tả và chính quyền thực dân tại Hong Kong, các bài xã luận sắc bén của Kim Dung lên án những kẻ bạo loạn và sự vô pháp của họ đã khiến ông trở thành nhân vật số 2 trong một danh sách ám sát. Nhân vật đầu tiên, một người dẫn chương trình phát thanh, trước đó đã bị thiêu sống.

Như Kim Dung nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn nhiều thập kỷ sau đó, tòa nhà nơi tờ Minh Báo đặt văn phòng từng nhận được một bưu kiện có chứa bom.

Khi được hỏi liệu ông có sợ không, ông trả lời "đương nhiên". Song vì khi đó ông đang viết một tiểu thuyết võ hiệp khác, ông muốn đương đầu với mối đe dọa giống như những anh hùng trong tiểu thuyết của ông.

"Làm sao tôi có thể là một người đàn ông nếu tôi từ bỏ chỉ vì sợ hãi?", ông nói.

Kim Dung va cuoc doi lam bao ly ky khong kem tieu thuyet vo hiep hinh anh 3
Minh Báo là một trong những tờ báo tiếng Trung có ảnh hưởng nhất. Ảnh: Hong Kong Free Press.

Ông cũng nói rằng khi đối mặt với những lời dọa giết, ông đã nhận được rất nhiều tiền để giảm bớt những lời chỉ trích của mình vào thời điểm ngân sách của ông rất hạn hẹp và đôi khi ông không còn tiền để mua giấy in báo. 

Tuy nhiên, ông từ chối mọi lời đề nghị, như ông khiêm tốn nói: "Dù tôi không có nhiều phẩm chất nghĩa hiệp... ít nhất tôi cũng sẽ không chịu sự ra lệnh của người khác vì khó khăn".

Phẩm chất nghĩa hiệp

Từ những năm 1950, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung với gốc rễ ăn sâu vào lịch sử Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho người dân ở Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc Đại lục và nhiều cộng đồng người Á, bất kể tuổi tác hay xuất thân.

Thông qua các tác phẩm hoành tráng của mình, Kim Dung đã hoàn thiện thể loại tiểu thuyết võ hiệp bằng cách tạo ra một thế giới tưởng tượng, nơi các nam nữ anh hùng vượt qua mọi khó khăn để giúp đỡ những người yếu thế và thực thi công đạo, nơi tình yêu hoàn toàn trong sáng và tinh thần trượng nghĩa chiến thắng sự gian ác.

Hơn 100 triệu bản tác phẩm của ông đã được bán ra trên toàn thế giới, chưa kể đến có thể là hàng trăm triệu bản in lậu. Tiểu thuyết của ông cũng được chuyển thể thành vô số phim điện ảnh, phim truyền hình và và truyện tranh.

Kim Dung va cuoc doi lam bao ly ky khong kem tieu thuyet vo hiep hinh anh 4
Các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã được chuyển thành thành phim với hàng loạt phiên bản. Ảnh chụp màn hình.

Những người hâm mộ cuồng nhiệt của ông có cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và những tài phiệt công nghệ cao thế hệ mới bao gồm Jack Ma, chủ tịch Tập đoàn Alibaba.

Trong số hàng triệu người hâm mộ bày tỏ lòng tri ân trước sự ra đi của nhà văn, hầu hết có thể liên hệ đến các nhân vật chính trong tiểu thuyết của Kim Dung và nhớ lại tác phẩm nào trong số 15 tiểu thuyết của ông có tác động nhiều nhất đến các giai đoạn cụ thể trong cuộc đời họ.

Bản thân Kim Dung cũng thể hiện và chia sẻ nhiều phẩm chất nghĩa hiệp ở các nhân vật khiến độc giả càng yêu quý ông.

Đầu những năm 1980, ông sẵn sàng dẹp bỏ mọi khúc mắc với chính phủ Trung Quốc, một hành động nghĩa hiệp thực thụ nếu xét đến việc cha ông bị bắt vì tội phản cách mạng và bị hành quyết vào thập niên 1950. Cha ông được phục hồi danh dự trong thập niên 1980.

Nguồn tin: Zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây