Hạnh phúc thực sự đến từ nội tâm biết bằng lòng

Thứ hai - 15/07/2019 21:15
Cổ ngữ nói: “Thượng Đế sẽ không tập trung hết hạnh phúc lên thân một người”, hay “Thượng Đế không cho ai quá nhiều thứ bao giờ”. Một người có được tình yêu thì sẽ thiếu tiền bạc, một người có tiền bạc thì lại thiếu niềm hạnh phúc… Bởi vậy, biết đủ, biết thỏa mãn với những gì mình đang có là cách duy nhất để hạnh phúc thực sự. Đó cũng là đạo lý “thấy đủ thường vui” của người xưa.
Hạnh phúc thực sự đến từ nội tâm biết bằng lòng
Hạnh phúc
 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều người làm việc cật lực để mua sắm những thứ xa xỉ nhất, nhà lầu, xe hơi, v.v.. Ngay cả sau khi đat được điều đó bằng việc phải mang một khoản nợ lớn trong rất nhiều năm, họ vẫn có nhiều, rất nhiều ham muốn vật chất khác. Kết quả của việc truy cầu bất tận ấy là họ luôn mang áp lực và rất mệt mỏi, đôi khi không ngừng phàn nàn về việc không có đủ tiền để chi tiêu.

Người như vậy, họ không hiểu rằng sự thỏa mãn trong đời sống vật chất là ngắn ngủi và tạm bợ. Chính sự phong phú trong đời sống tinh thần và sự thanh thản trong nội tâm mới khiến con người vui vẻ mãi mãi. Một đời sống phong phú thực sự bắt nguồn từ một nội tâm biết bằng lòng, biết thỏa mãn với những gì mình đang có.

Có câu rằng: “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa cơm”. Chúng ta đều biết, khi đi ngủ vào ban đêm, chúng ta cũng không cần quá nhiều diện tích. Vào mỗi bữa ăn, chúng ta cũng không thể ăn nhiều hơn khẩu phần ăn của một người. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta đều mong muốn sở hữu nhiều hơn nữa, dù rất nhiều người sau khi giàu có rồi mới nhận ra rằng sở hữu nhiều không khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Đó là bởi vì dục vọng của con người là vô hạn, mà những thứ chúng ta thực sự cần chỉ là hữu hạn mà thôi.

Trong một tác phẩm của mình, Ralph Waldo Emerson – nhà văn nổi tiếng người Mỹ từng viết: “Người ta chỉ nghèo khi họ cảm thấy mình nghèo, và sự nghèo khó nằm trong cảm giác nghèo”. Chỉ khi chúng ta học được cách bằng lòng và trân quý, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự vui vẻ trong nội tâm, đồng thời lánh xa được những thất vọng và than phiền.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa có một ông lão tiều phu nghèo khó. Một ngày, khi lên rừng đốn củi, lúc đang uống nước bên bờ suối chảy từ trên núi xuống, ông nhìn thấy có thứ gì đó tỏa ra ánh vàng sáng lấp lánh giữa dòng nước.

Ông lão tiến đến và hớt nó trên tay, thì thật ngạc nhiên, đó là những hạt vàng. Vui mừng với phát hiện của mình, ông lão trèo lên suối cứ hai tuần một lần để đãi vàng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông ngày càng trở nên sung túc.

Lúc đầu, ông lão giữ kín bí mật này cho riêng mình. Nhưng một ngày nọ, ông đã lỡ nói nó với người con trai của mình. Người con trai của ông lão lập tức thúc giục cha mình bẩy những tảng đá ra để khiến nước suối chảy ra nhiều hơn. Anh ta cho rằng làm như vậy sẽ đãi được nhiều vàng hơn nữa và cuộc sống của họ sẽ giàu có sung túc hơn nữa.

Tuy nhiên, khi hai cha con họ thực sự bẩy được những tảng đá ấy ra, thì mặc dù nước suối chảy mạnh hơn, nhưng vàng lại không còn chảy ra nữa.

Khi một người bị chìm đắm bởi lòng tham thì vận may của người đó sẽ mất đi mãi mãi. Nếu một người nào đó không hài lòng và trân quý những gì mình đang có, người ấy sẽ vắt kiệt toàn bộ cuộc đời mình trong những truy cầu thế tục và sẽ không bao giờ trở thành một người giàu có thực sự. Người ấy cũng không thể hạnh phúc và vui vẻ thực sự.

 

Tác giả bài viết: An Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây