Tối 1/10, đêm cuối của sự kiện "Thu vọng nguyệt" tại khu di tích Văn Miếu thu hút rất đông du khách. |
|
Đây là hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực được dàn dựng mang nhiều màu sắc của hoài niệm xưa kết hợp với sự hiện đại của ngày nay. |
|
Tuy nhiên, do nhiều người tưởng chương trình miễn phí hoặc cho rằng giá vé như tham quan bình thường đã đến rồi quay về và tỏ ra thất vọng. |
|
Lối ra vào bên ngoài cũng bị thu hẹp chỉ vừa đủ cho một người lách. |
|
Để vào được bên trong tham dự chương trình, du khách phải mua vé với giá ít nhất 390.000 đồng/người loại VIP... |
|
... còn vé loại rất VIP (VVIP) là 2 triệu đồng/người. |
|
Đó là lý do quầy vé không có hiện tượng xếp hàng, nhiều thời gian còn khá vắng. |
|
Phương Anh (trái) và Hoài vừa vào qua lớp cổng sắt ngó bảng giá rồi lắc đầu quay ra. Hai cô gái cho biết không có tiền mua vé và về luôn. |
|
Kim, một cô gái người Hàn Quốc đi du lịch Hà Nội dịp Trung thu đã phải quay video bằng gậy điện thoại từ bên ngoài bờ tường khu di tích. Khi được hỏi vì sao cô cho biết bận nên không đủ thời gian mua vé vào trong. |
|
Thực tế, nhóm bạn của cô gái đến từ xứ Kim Chi cho biết nếu vào chơi sẽ phải chi phí khoảng 2,4 triệu đồng. Mọi người đành phải loanh quanh bên ngoài chụp ảnh với số ít đèn lồng treo trên cao. |
|
Bé Phúc (nhà ở Quán Thánh) được công kênh lên cổ nhiều phút để ngó vào xem người ta chơi Trung thu. Bố bé cho biết đi cùng vợ con, cả nhà mất ít nhất 800.000 đồng vào chỉ để chụp ảnh với đèn lồng cũng lãng phí nên quyết định không vào. |
|
Bà Tứ (nhà ở Định Công) đi 4 người lớn, 1 trẻ em, tính ra mất 1,2 triệu đồng. Bà kêu đắt và chỉ chụp vài tấm bên ngoài hàng rào rồi đi về. |
|
Bạn trẻ Huyền Trang biết Văn Miếu trang trí đẹp đã diện áo dài đến chụp một bộ ảnh lưu niệm. Tuy nhiên sau khi biết giá vé cao đành chụp bên ngoài. |
|
Tương tự là chị Ngọc Anh (ở tập thể Nghĩa Tân) và con trai cũng bị lỡ buổi đi chơi tưởng nơi đây sẽ rất hấp dẫn. "Chẳng biết cho trẻ nhỏ chơi Trung thu ở đâu, lên phố cổ thì chen bẹp người, ở đây thì giá vé cao quá", chị Ngọc Anh nói. |
|
Nhiều gia đình đi từ 4-6 người cả ông bà, cháu nhỏ, để vào trong họ phải mất tiền triệu nên có rất nhiều cảnh trẻ em, phụ nữ chụp nhanh vài tấm với tấm biển rồi ra về. |
|
Nhiều người đã phải loay hoay bên ngoài. |
|
Khách Tây khi đến nơi cũng bị bất ngờ với giá vé. Trong ba ngày diễn ra sự kiện, Văn Miếu thông báo dừng đón tiếp khách tham quan khu di tích. |
|
Lực lượng an ninh luôn túc trực ở cổng. |
|
Những gia đình "có điều kiện" sẵn sàng bỏ ra vài triệu mua vé vào xem Trung thu vọng nguyệt Văn Miếu. Và họ được chiện một con dấu vào tay để BTC và lực lượng an ninh dễ kiểm soát. |
|
Chương trình Thu vọng nguyệt do một doanh nghiệp tư nhân phối hợp tổ chức cùng Ban quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Theo họ khuôn viên chỉ đón tiếp được khoảng 500 người nên giá vé cao là nhằm hạn chế số lượng khách vào bên trong. |
“Thu vọng nguyệt” là chương trình văn hóa, nghệ thuật kết hợp với ẩm thực, được cho là hấp dẫn nhất trong dịp Tết Trung thu 2017 khi quy tụ hơn 500 nghệ sĩ, họa sĩ, nghệ nhân dân gian, nhà thiết kế, các nhà nghiên cứu văn hóa… Những tên tuổi hàng đầu Việt Nam chung tay trong sự kiện này là Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, họa sĩ Lê Thiết Cương (Giám đốc mỹ thuật), nhạc sĩ Quốc Trung (Giám đốc âm nhạc), nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long, diễn viên Chiều Xuân, NTK Đức Hùng, NTK Hà Linh Thư, NTK Anh Thư… cùng nhiều nghệ nhân ẩm thực - làng nghề từ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, các nhà văn hóa Hà Nội góp mặt trò truyện về lịch sử, không khí ngày Tết Trung thu xưa. Đây là cách để khơi gợi tâm hồn trẻ nhỏ lòng tự hào và phát huy tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc một cách tự nhiên.
Thu vọng nguyệt diễn ra các ngày 29, 30/9 và 1/10 có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, là một sự giao thoa hoàn hảo giữa không gian Tết Trung thu xưa với cách thể hiện mới lạ, đặc sắc. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Nu na nu nống, ô ăn quan, bắn bi, rồng rắn lên mây, nhảy dây... cùng những hoạt động văn hóa dân gian tương tác với các nghệ nhân như: Làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm giỏ thiên nga bông hay giỏ thị…