Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt: Đừng chạy theo kiểu “hòa tan”

Thứ hai - 27/11/2017 20:23
Những đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội về việc cải tiến chữ viết đang nhận những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt: Đừng chạy theo kiểu “hòa tan”

Không khả thi, không thực tế

PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, chữ quốc ngữ hiện đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng. Ông Hiền kiến nghị phương án cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình Nhà nước.

Cụ thể, cần bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái Tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Đồng thời thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên. Ngoài ra sẽ giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31. Người dân sẽ không cần phải phân biệt “ch” với “tr”, hay “r” với “gi” và “d”…

Đồng thời sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc, vì số ký tự khi soạn thảo văn bản sẽ ít đi, in ấn đỡ tốn tiền giấy mực. Cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt. Ngôn ngữ cải tiến này sẽ biến cách viết từ “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ”, “nước ngoài” thành “nướk qoài”...

Không đồng tình với đề xuất trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì chúng ta sẽ phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động; các học giả cũng sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả và sẽ phải đi học lại từ đầu.

Cải tiến như vậy sẽ làm đảo lộn và làm phức tạp hóa thêm vấn đề, chứ không hề tạo ra tiện lợi hơn trong việc sử dụng. Đó là chưa kể, làm như vậy, chúng ta sẽ tạo ra một kiểu chữ La tinh theo bản sao, rất xa lạ với tư duy truyền thống của người Việt.

Chia sẻ về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều trong những năm qua chứ không riêng gì đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền.

“Tuy nhiên, không thể thay đổi được và cũng không nên thay đổi, vì chữ viết liên quan đến văn hóa, lịch sử và rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến có nhiều chữ đọc và viết bất hợp lý mà cũng không ai nghĩ đến việc cải tiến. Có một số bất hợp lý, chẳng hạn ký tự q lại thay thế cho chữ ng, z thay gi, c thay tr, ch… Chưa kể làm vậy sẽ mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc và phát âm của tiếng Việt. Từ lúc hình thành cho đến nay, tiếng Việt có nhiều âm thay đổi nhưng chữ viết vẫn giữ nguyên. Đó chính là sự bền vững cần có, chỉ những gì bất hợp lý mới mất đi”, PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành nhìn nhận.

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, dư luận không nên có những lời lẽ mạt sát, xúc phạm đến cá nhân, danh dự của nhà khoa học.

Theo đánh giá của ông Nhĩ, đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền có nhiều điểm không hợp lý và khó khả thi. Vì hiện nay chữ Quốc ngữ đã sử dụng từ rất lâu, tạo thành thói quen.

Những bất hợp lý của nó cũng được nhiều người chấp nhận, trở thành chuẩn mực chính tả phổ thông... Nếu bây giờ thay đổi sẽ phải in lại sách vở, rồi cả sách giáo khoa, như vậy sẽ rất mất thời gian, công sức và tiền bạc và gây xáo trộn lớn cho cả xã hội.

Một số giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Phan Đình Phùng cũng cho rằng, nên giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu thay đổi như đề xuất thì nhiều từ trong tiếng Việt sẽ khó giải nghĩa từ hơn trước.

Đó là chưa kể đến sự tinh tế trong tiếng Việt, vốn là niềm tự hào bao đời nay của người Việt Nam cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Chúng ta nên giữ đúng bản sắc của ông cha, đừng chạy theo những thứ ngoại lai mà tự làm mất đi những giá trị mà dân tộc mình đã được thử thách qua nhiều thế hệ.

de xuat cai tien chu viet tieng viet dung chay theo kieu hoa tan
Trang bìa cuốn kỷ yếu Hội thảo ngữ học toàn quốc có đăng ý kiến đề xuất cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền. ẢNH TƯ LIỆU

Nên dừng lại để tham khảo!

Bên cạnh những ý kiến “ném đá” đề xuất này, cũng có người cho rằng nó dễ nhớ, dễ sử dụng. Cái gì mới cũng thường bị đả phá, thậm chí giễu cợt nhưng nếu có nghiên cứu khoa học, tiếp tục xây dựng phương án hoàn hảo hơn thì không phải là không nên bắt đầu cải tiến tiếng Việt. Một số ý kiến của các bạn trẻ cho rằng, nhiều từ viết tắt, đọc 1 âm nhưng viết thành 2 chữ cái đã được “cư dân mạng” cải biến từ lâu, nên cách viết mới cũng không đến nỗi “không chấp nhận được”.

Ngoài ra, vấn đề gặp phải hiện nay là ngày càng nhiều học sinh viết sai chính tả vì không nắm được quy luật sử dụng những từ đồng âm nhưng lại khác nhau về phụ âm, các chữ như r, d, gi hay ch, tr, x,s... luôn gây khó cho người sử dụng bởi chỉ có thể nhớ chứ không thể đặt ra một quy luật cụ thể chung cho việc sử dụng những chữ này trong ngôn ngữ tiếng Việt.

Một giáo viên dạy Văn ở Hà Nội cho biết, học sinh vẫn nhầm lẫn rất nhiều về chính tả khi viết văn. Nhiều em đã không thích môn này lại gặp rắc rối vì không phân biệt được các chữ nói trên trong khi giáo viên lại không thể giải thích vì sao lại dùng chữ này mà không dùng chữ kia. Việc điều chỉnh chữ tiếng Việt làm sao để người sử dụng hiểu và dùng đúng cũng là điều cần thiết.

Chia sẻ về những băn khoăn của dư luận, PGS-TS Bùi Hiền cho biết những đề xuất của ông chỉ nằm trong phạm vi của một đề tài nghiên cứu, đã được ông bắt tay vào thực hiện từ 20 trước. Những gì đăng tải trên báo chí là một phần của công trình nghiên cứu.

Lý do để ông nghĩ đến việc cần cải tiếng chữ viết, vì sau hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, viết sách, biên soạn từ điển, ông thấy chữ Quốc ngữ có nhiều ký âm rắc rối. Rất nhiều người cho đến lúc già vẫn chưa viết đúng chính tả. Từ đó, PGS Hiền đưa ra phương án làm cơ sở để cải tiến chữ viết.

“Ngay trong giới ngôn ngữ học, có nhiều người ủng hộ nhưng có không ít người phản đối. Có người còn nói ý tưởng này là điên rồ. Họ thấy tiếng Việt như thế là tốt lắm rồi, không nên cải tiến gì nữa” - PGS Bùi Hiền chia sẻ.

Ông cũng nói thêm: “Thực ra tôi chưa muốn báo chí đưa nghiên cứu của mình ra trước công luận vào lúc này vì chưa có sự chuẩn bị kỹ, như vậy có thể gây xáo trộn xã hội. Hiện tại đề án vẫn chưa hoàn thiện, tức là mới có một phần về phụ âm, còn nguyên âm tôi chưa đưa ra. Việc độc giả chỉ đọc những tóm tắt công trình trên báo chí sẽ không hiểu hết được vấn đề, dễ có những phản ứng tiêu cực”.

 

Tác giả bài viết: Việt Khuê

Nguồn tin: phapluatxahoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây