Đề thi Ngữ văn có làm mất sự trong sáng của tiếng Việt?

Thứ năm - 22/06/2017 03:19
(PL News) - Theo giáo viên Trịnh Quỳnh, đề thi Ngữ văn làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Thầy Đỗ Đức Anh cho rằng đọc đề thi như mặc lại chiếc áo cũ.
Đề thi Ngữ văn có làm mất sự trong sáng của tiếng Việt?

Sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn sáng 22/6, nhiều thí sinh nhận xét đề dễ. Một số giáo viên cho rằng đề thi năm nay cũ và không hay. 

Nên chọn văn bản thuần Việt

Nhận xét chung về đề thi THPT quốc gia, thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn dạy online nêu quan điểm đề thi cơ bản, thí sinh làm bài thoải mái. Đề thi có hướng mở, học sinh được đưa ra những quan điểm nhận xét của bản thân về vấn đề đặt ra trong văn bản nghị luận.

Tuy nhiên, thầy Quỳnh chỉ ra một số "điểm chưa hay" trong đề thi năm nay. Đó là sự trùng lặp các ý ở câu 2, câu 4 phần đọc hiểu với phần nghị luận xã hội. Đề ra một số từ ngữ Hán Việt ít sử dụng như “trắc ẩn”, “thấu cảm”, “mẫn cảm”. Học sinh cần phân biệt được giữa khái niệm trắc ẩn: Thương xót một cách kín đáo ở trong lòng với tình yêu thương có nhiều biểu hiện khác nhau như gắn bó, quan tâm, chia sẻ…

De thi Ngu van co lam mat su trong sang cua tieng Viet? hinh anh 1
Thí sinh cười tươi sau môn thi Ngữ văn. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo giáo viên này, một hạn chế trong đề thi là sử dụng từ ngữ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt khi lạm dụng các từ ngữ nước ngoài. Đề thi nên sử dụng các từ ngữ tiếng Việt tương ứng như fan (người hâm mộ), Smartphone (điện thoại thông minh).

Thầy Quỳnh dẫn ra ví dụ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, tập 1, trang 32 định hướng cho học sinh: Việc lạm dụng tiếng nước ngoài làm tổn hại sự trong sáng của tiếng Việt. Sau đó, sách trích một ví dụ tương tự về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: “Các superstar thích dùng mobile phone loại xịn”. Thế nhưng, chính trong đề thi THPT quốc gia lặp lại ví dụ tương tự như trên. 

Sách giáo khoa viết: "Sự trong sáng không dung nạp tạp chất. Do đó, sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, nghĩa là không cho phép sử dụng tùy tiện, không cần thiết những yếu tố ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, nếu trong tiếng Việt không có yếu tố nào đó để biểu hiện thì có thể vay mượn từ tiếng nước ngoài. Sự vay mượn như thế thường diễn ra ở mọi nguôn ngữ và là cần thiết vì nó làm phong phú cho từng ngôn ngữ".

Đồng thời, sách giáo khoa chỉ ra rằng trên sách báo tiếng Việt hiện nay có nhiều trường hợp lạm dụng tiếng nước ngoài trong khi tiếng Việt có từ ngữ tương ứng. Có những người thích dùng các từ như computer (máy vi tính), producer (nhà sản xuất), manager (người quản lý), paparazzie (thợ săn ảnh), mobile phone (điện thoại di động)…

Đồng tình với ý kiến của thầy Trịnh Quỳnh, cô Nguyễn Hải Anh (giáo viên Ngữ văn, Hà Nội) chia sẻ, ở học kỳ I năm lớp 12, sách giáo khoa có hai bài đều nói về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

De thi Ngu van co lam mat su trong sang cua tieng Viet? hinh anh 2
Trích dẫn trong sách giáo khoa lớp 12 nói về sự trong sáng của tiếng Việt.  

Theo cô Hải Anh, các ví dụ như fan, smarphone nên hạn chế trong những hoàn cảnh chính thống, trang trọng. Đặc biệt, ngữ liệu của đề thi mang tính chất quốc gia càng không nên sử dụng. Bộ GD&ĐT nên lựa chọn một văn bản khác có nội dung tương tự, thuần Việt. Nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc giáo dục ý thức sử dụng sự trong sáng của tiếng Việt là điều cần thiết.

Bàn luận về ý kiến này, TS Văn học Phạm Hữu Cường cho rằng việc sử dụng các từ fan, Smartphone không làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên, với kỳ thi cấp quốc gia, đề thi dùng cho học sinh toàn quốc, kể cả vùng sâu vùng xa, việc dùng những từ này chưa hợp lý và không nên.

Đọc đề thi như mặc lại chiếc áo cũ

Theo TS Văn học Phạm Hữu Cường, đề thi THPT quốc gia có khả năng đánh giá được năng lực người học, thông qua yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Tuy nhiên, tính thời sự của đề thi không cao mà nghiêng về truyền thống, hầu như không đề cập các vấn đề thời sự hiện nay.

Trong đề thi, các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Các em chỉ cần đọc kỹ văn bản, vận dụng kỹ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt câu hỏi này.

Câu nghị luận xã hội cũng không khó. Học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài.

Các câu trong đề thi đều có “chất văn”, câu nghị luận xã hội (câu 1, phần II) và ý 2 trong câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) có thể khơi gợi được ít nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kỹ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành phần lớn yêu cầu của đề.

Thầy Đỗ Đức Anh nêu quan điểm đọc đề thi cảm giác tiếc nuối khi hỏi về sự thấu cảm trong cuộc sống. Bởi sự thấu cảm không có gì mới, chỉ là trái ngược với sự vô cảm - vấn đề được hỏi nhiều trong các đề thi trước.

Thầy giáo này cũng cho rằng câu hỏi về bài Đất Nước có phần an toàn, chưa có tính phân hóa cao. Trong khi đó, đoạn thơ này của tác giả Nguyễn Khoa Điềm cũng từng ra nhiều ở các đề thi trước.

“Đọc đề thi có cảm giác như mặc một chiếc áo cũ”, thầy Đức Anh nói.

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây