ĐBQH đề xuất Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt: "Áp dụng mô hình ngay rất khó"

Thứ sáu - 16/08/2019 03:14
Theo bà Thủy, việc đề xuất mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy, cán bộ đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt ra với Bộ trưởng Bộ GTVT là để tư lệnh ngành giao thông có giải pháp, kiến nghị với Chính phủ.
ĐBQH đề xuất Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt: "Áp dụng mô hình ngay rất khó"
ĐBQH đề xuất Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt: 'Áp dụng mô hình ngay rất khó'

Chỉ áp dụng được khi kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ

Đề xuất nên xây dựng mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc Sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt để tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc mà ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đưa ra tại phiên chất vấn chiều 15/8 đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Giải thích về lý do đưa ra đề xuất này, trao đổi với PV, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, mô hình này không phải bà là người đề xuất đầu tiên mà lấy ý kiến từ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã được báo chí đưa trước đó.

"Do đó, tôi mới đưa mô hình này ra với Bộ trưởng để ông có giải pháp, kiến nghị với Chính phủ.

Tức là, để thực hiện mô hình này phải có kết cấu về hạ tầng giao thông phải đồng bộ còn hạ tầng giao thông hiện nay ở nhiều nơi còn yếu kém, không đồng bộ nên muốn thực hiện mô hình ngay cũng rất khó", bà Thủy nói.

Nữ đại biểu Quốc hội này chia sẻ, với mô hình trên, nếu áp dụng được rất tốt và không nhất thiết ở tỉnh lẻ hay các thành phố lớn.

"Dù ở đô thị lớn hay tỉnh lẻ nếu có ý thức về tiết kiệm, đường thông thoáng, hạ tầng giao thông tốt, trong đó, phân luồng, phân tuyến đầy đủ, an toàn, không ách tắc giao thông cho người tham gia giao thông, áp dụng mô hình này rất tốt

Tuy nhiên, ở đây phải làm rõ, nếu áp dụng đề xuất này phải đi gần, đi làm bình thường hàng ngày chứ còn đi họp xa vẫn cần xe đưa đón bởi, đi xe đạp sẽ không thể kịp thời gian", bà Thủy nêu.
Trả lời lại ý kiến của đại biểu Thủy, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, "nếu Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong, chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm" và sau này tốt sẽ nhân rộng chứ không thể nào áp dụng ngay được.

Chia sẻ về việc, liệu Hậu Giang có nhận làm thí điểm, đi đầu tiên phong trong đề xuất này không? Bà Thủy cho hay, không riêng Hậu Giang mà các tỉnh thành khác thực hiện được đề xuất này đều tốt.

"Nhưng điều kiện hiện nay khó có thể áp dụng được, vì đường tắc đâu phải chỉ vấn đề hạ tầng giao thông giải quyết được, vấn đề còn là quy hoạch xây dựng nữa mới giảm ách tắc được. 

Còn hiện nay, muốn đi xe buýt, đi xe công cộng như ở các thành phố lớn cũng không đi được. Vấn đề đặt ra là giải pháp của Bộ trưởng về hạ tầng giao thông như thế nào, để mô hình đó hay một mô hình nào khác có thể thực hiện được", bà Thủy nói thêm.

Đột phá nhưng không mang tính khả thi cao

Cũng trao đổi với PV vào sáng 16/8, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận (người từng bỏ xe công, đi xe ôm) cho biết, cá nhân ông thấy đề xuất của nữ ĐBQH tỉnh Hậu Giang mang tính đột phá nhưng để thực hiện không mang tính khả thi cao.

Theo ông Thuận, cách đây nhiều năm, chúng ta đã đặt vấn đề khuyến khích cán bộ, lãnh đạo nhận khoán xe công, chuyển sang sử dụng các loại hình phương tiện cá nhân, công cộng... Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thực hiện được nhiều.

Ông Thuận cho biết, khi còn đương nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bản thân đã đồng ý nhận tiền khoán xe công và chuyển sang sử dụng taxi, xe ôm nhưng đến nay, số lượng này cũng không nhiều.

"Theo tôi để tiết kiệm cho ngân sách nên có quy định cụ thể hơn, Nghị quyết về vấn đề khoán xe công đưa đón lãnh đạo. Nếu làm được sẽ có nhiều cái lợi, trong đó, giảm chi phí cho việc phải mua xe, trả lương cho lái xe, sửa xe, bảo trì, bảo dưỡng...

Ngoài ra, khoán xe công còn có rất nhiều lợi ích, từ việc đi lại thuận tiện, chủ động về thời gian cho đến việc lái xe không mất công chờ đợi lãnh đạo. Bên cạnh đó, hiện nay, taxi hay grab rất rẻ, nếu đi lại như vậy sẽ hơn cả việc tự đi xe máy, xe đạp...", ông Thuận nêu.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đề xuất trên của ĐB Thủy không khả thi, không giải quyết được những tồn tại đối với giao thông của chúng ta hiện nay.

Ông nêu rõ, việc đi lại bằng phương tiện nào là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Thêm vào đó, ở các địa phương, vấn đề ách tắc giao thông không phải quá bức xúc mà chỉ tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Do đó, đề xuất này không giải quyết được triệt để vấn đề ở các đô thị lớn.

 

theo Trí Thức Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây