Trước việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới thị sát tại Sơn Trà và đồng ý chưa triển khai quy hoạch này. Trong thời gian 3 tháng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội nghị, làm việc, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, môi trường về Quy hoạch này.
Sáng 31/5, bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có những chia sẻ về vấn đề này.
- Thưa Đại biểu, trong những ngày qua thông tin liên quan đến Quy hoạch Sơn Trà được dư luận rất quan tâm. Ông có quan điểm gì về bản quy hoạch này?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng:
Rõ ràng, khi mà chúng ta đã có những bài học lớn về môi trường thì việc Quy hoạch tổng thể phát triển bán đảo Sơn Trà để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phục vụ quốc phòng an ninh là một vấn đề hết sức quan trọng.
Mục tiêu của quy hoạch cũng như quan điểm đều xác định rõ phải phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội; phù hợp với toàn bộ tổng thể quy hoạch quốc gia và quy hoạch phát tiển thành phố Đà Nẵng; đảm bảo cảnh quan môi trường bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường hiện có; bảo đảm an ninh quốc phòng. Đặc biệt, vai trò của Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nêu rất rõ.
Tôi cũng biết rằng, trước đây Đà Nẵng định quy hoạch Sơn Trà vượt quá 5.000 phòng nghỉ. Nhưng sau đó, cơ quan Trung ương và Chính phủ đã kiên quyết hạ xuống chỉ còn khoảng 1.600 phòng. Quy hoạch nêu rõ, Ban quản lý dự án do Đà Nẵng thành lập và kiện toàn phải tiếp tục xem xét và báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh tăng giảm vấn đề này.
Nói như vậy để thấy rằng, quy hoạch trên cơ sở Quyết định 2163 của Thủ tướng Chính phủ là hết sức quan trọng, nhằm bảo vệ Sơn Trà.
- Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này…?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng:
Thứ hai, xây dựng khu du lịch trên các phạm vi đặt trạm nghỉ, lưu trú, những nơi tham quan ở độ cao nhất định và phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng trước khi tiến hành dự án. Thông qua du lịch, để du khách hiểu về cảnh quan thiên nhiên, về gần 900 loài thực vật, gần 300 loài động vật trong đó có những loài rất quý hiếm như voọc chân nâu nằm trong sách đỏ.
Điều này làm du khách hiểu được đây là khu đặc hữu cần được bảo tồn và điều này cũng giống như chúng ta quy hoạch cần Giờ, Tràm Chim, các khu rừng đặc dụng cũng như chúng ta quy hoạch sử dụng khu du lịch Đầm Long để cho các đàn khỉ thân thiện con người. Vậy thì du lịch ở đây là du lịch sinh thái, du lịch bảo vệ môi trường chứ không phải là du lịch tàn phá môi trường. Người ta càng gần gũi với môi trường thì càng hiểu về môi trường và bảo vệ môi trường tốt hơn.
Tôi cho rằng vấn đề quan trọng là khi tiến hành triển khai dự án phải dựa trên cơ sở nền tảng quy hoạch, không được tiến hành hành vi vi phạm pháp luật, vượt quá tầm của các dự án, đặc biệt chống lợi ích nhóm.
Trong Quyết định cũng nêu rất rõ là nguồn vốn để phát triển Sơn Trà sẽ chỉ sử dụng các nguồn vốn trong nước. Điều này có nghĩa là chúng ta đã nghĩ tới một vấn đề đi rất xa là đảm bảo người dân có ý thức và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là vấn đề tôi hoàn toàn đồng tình.
- Như ông đã nói, đây là quy hoạch quan trọng và có tính toán kỹ đảm bảo hài hòa lợi ích. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến khác nhau, đích thân lãnh đạo Chính phủ đã khảo sát trực tiếp, tạm lùi hiệu lực của Quy hoạch và tiếp tục lắng nghe ý kiến để có những quyết định phù hợp. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới thị sát ở Sơn Trà, tạm dừng chưa triển khai quy hoạch, tổ chức tọa đàm với nhà quản lý, nhà khoa học… là một trong những động thái kịp thời và nhanh chóng của Chính phủ trước những vấn đề mà dư luận đặt ra.
Tôi hoan nghênh quan điểm của Chính phủ là phải xem xét các vấn đề có tính chất tổng thể, hài hòa đồng thời hết sức thận trọng với vấn đề thực hiện triển khai các dự án liên quan tới quy hoạch này.
Theo như tôi biết, hầu hết các ý kiến trong tọa đàm đều đồng tình với bản Quy hoạch Sơn Trà và đề nghị rà soát những vấn đề liên quan, nếu có sai phạm sẽ xử lý.
- Để tránh tình trạng như của Sơn Trà với các nơi khác có yếu tố tương tự, chúng ta phải làm gì, thưa ông?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Trước đây bán đảo Sơn Trà là khu vực hoang dã và thuộc địa phương quản lý. Tôi nghiên cứu và biết địa phương có cấp phép vượt quá tầm, có lúc định cho phép 10.000 phòng nghỉ, sau đó rút xuống còn 5.000 phòng và cuộc họp cuối vẫn đề nghị 3.000 phòng nhưng các cơ quan Trung ương và Chính phủ chỉ cho phép quy hoạch 1.600. Như vậy, Chính phủ đã có tầm nhìn xa về việc bảo vệ cảnh quan môi trường.
Đối với các khu vực tương tự, tôi cho rằng chúng ta phải nghiên cứu thận trọng, lấy ý kiến của bộ ngành, địa phương, nhà khoa học, nhà quản lý để quy hoạch, bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ được môi trường sinh thái và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Theo VietnamPlus:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn