Cụ thể, cử tri Triệu Minh Tư ở tổ 6, phường Trần Phú cho rằng: Hà Giang là tỉnh phát hiện tiêu cực đầu tiên trước cả Hòa Bình, Sơn La... nhưng đến giờ việc điều tra, xử lý vi phạm chưa có nhiều kết quả khiến bà con rất lăn tăn về nguyên nhân đằng sau sự chậm trễ trên. Nhiều người nghi ngại vụ việc sẽ "chìm xuồng".
Cũng theo cử tri Triệu Minh Tư, tại buổi tiếp xúc cử tri vào cuối năm 2018 vừa qua, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh có hứa sẽ đốc thúc cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra và sẽ xử lý vụ việc trên trước Tết Nguyên đán, nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả làm cho nhân dân rất tâm tư, lo lắng.
"Vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT năm 2018 vừa qua rất nghiêm trọng, trong đó các thí sinh được nâng điểm là các con, cháu của cán bộ, lãnh đạo đang đương chức tạo nên dư luận rất xấu trên cả nước, nhưng đến nay tỉnh vẫn chậm xử lý càng gây bức xúc trong nhân dân. Rất mong các đại biểu Quốc hội, HĐND giám sát và trả lời để dân được biết", cử tri Tư nói.
Trước những bức xúc, thắc mắc của các cử tri ở Hà Giang về việc chậm xử lý trong vụ gian lận thi cử của tỉnh trong năm 2018, ông Hầu Văn Lý - Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết, về vụ án này theo quy định của Luật Tố tụng hình sự thì thẩm quyền thuộc Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Giang thụ lý điều tra. Như các cử tri đã theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, hiện bước đầu (giai đoạn 1) của vụ án đã có kết quả.
"Cụ thể sau khi được Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh có kết luận điều tra chuyển sang Viện KSND tỉnh, ngày 5/6 vừa qua, Viện đã ra cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ gian lận thi cử tại tỉnh, trong đó có 4 bị can trong ngành giáo dục, 1 bị can là cán bộ công an. Hiện TAND tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận hồ sơ, cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án gian lận thi cử do Viện KSND tỉnh chuyển sang. Dự kiến phiên tòa xét xử vụ án này sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 7 tới", người đứng đầu Công an tỉnh Hà Giang nói.
Ông Hầu Văn Lý - Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 18/6.
Lý giải thêm về lý do chậm trễ, ông Lý cho hay: Theo thẩm quyền, vụ án do Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh thụ lý thì nằm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Công an; các ngành tư pháp của tỉnh cũng nằm dưới sự lãnh đạo về nghiệp vụ của các ngành tư pháp Trung ương nên có những nội dung về mặt tài liệu, chứng cứ có vấn đề chưa rõ thì các cơ quan của tỉnh phải xin ý kiến của liên ngành Trung ương dẫn đến việc xử lý vụ án lâu, chậm hơn.
"Vụ án có phần chậm trễ nhưng không phải là "chìm xuồng", quan điểm chỉ đạo của Trung ương và tỉnh đã rất rõ là sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không để chìm. Tất cả các trường hợp liên quan đến mức độ nào sẽ bị xử lý đến mức độ đó, ai vi phạm ở mức độ hình sự sẽ bị xử lý hình sự, ai vi phạm ở mức độ hành chính sẽ bị xử lý hành chính", ông Lý khẳng định.
Theo ông Lý, về xử lý hành chính trong vụ việc này cũng chậm, nhưng mong các cử tri hết sức chia sẻ. Bởi, thông thường trong quá trình giải quyết một vụ việc hình sự thì có mảng dân sự, mảng hành chính, có hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý hành chính. Tuy nhiên, thông thường chúng ta phải xử lý hình sự trước xong mới xử lý hành chính...
"Bên cạnh việc xử lý hình sự 5 bị can, thì việc xử lý hành chính vẫn còn một loạt các cán bộ đảng viên có con, cháu hoặc tham gia vào việc có người thân được nâng điểm. Giờ chỉ tập trung vào việc nâng điểm thôi, số không được nâng điểm thì không có căn cứ để làm. Trong vụ việc này thì Thường vụ Tỉnh ủy trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay đã chỉ đạo tất cả các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức Đảng tiến hành việc yêu cầu các đảng viên có liên quan tường trình về những nội dung mà mình có liên quan để cơ quan liên quan có cơ sở xử lý theo quy định", ông Lý chia sẻ.
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Giang ngày 18/6.
Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang thông tin: Đối với những cán bộ thuộc cấp Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì Ban đã có chủ trương và có giải quyết. Cụ thể ngày 17/6 đã biểu quyết về việc xử lý các trường hợp liên quan, thời gian tới Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ có thông tin chính thức tới cử tri, dư luận.
"Còn lại các trường hợp khác đều phải xử lý và hiện các tổ chức Đảng đang tiến hành xử lý. Trước mắt là kiểm điểm, trong đó có cả cán bộ, lãnh đạo, có cả lực lượng vũ trang, công chức trong ngành giáo dục và tỉnh sẽ sớm thông tin để bà con được biết", người đứng đầu Công an tỉnh Hà Giang thông tin thêm.
Như Dân Việt đã đưa tin, VKSND tỉnh Hà Giang đã hoàn tất hồ sơ truy tố 5 bị can liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh này về các tội danh: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Các bị can này gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương - nguyên Trưởng và Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự. Bị can Triệu Thị Chính - nguyên Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự. Bị can Phạm Văn Khuông - nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang và Lê Thị Dung - nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại Điều 366 Bộ luật Hình sự. Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị can nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn. |
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn