1. Trên sân Thống Nhất ngày ấy, các cầu thủ trẻ đến từ đất nước mặt trời mọc đã dạy cho U19 Việt Nam một bài học đắt giá về lối chơi bóng kỹ thuật, phối hợp ban bật nhỏ - đặc sản của lứa cầu thủ trẻ HAGL. Tương đồng về lối chơi, nhưng khoảng cách quá xa về mặt đẳng cấp khiến tất cả những gì khán giả thành phố Hồ Chí Minh được chứng kiến là một bi kịch thực sự.
Ở đấy, người hâm mộ Việt Nam được chứng kiến những pha đi bóng sát chân xuyên thủng, phá tung hàng phòng ngự U19 Việt Nam của các cầu thủ U19 Nhật Bản để ghi đến 7 bàn thắng dễ dàng "như trở bàn tay", bên cạnh đó là những pha khoan phá xuống biên để chuyền vào "dọn cỗ" cho các tiền đạo đệm bóng tung lưới.
Trận đấu ấy, các cầu thủ trẻ Nhật Bản đánh bại Công Phượng và các đồng đội đang là những thần tượng mới của bóng đá Việt Nam bằng những pha tấn công xé toạc hàng phòng ngự, "dí vào tận gôn" để kết thúc. Và ở trận đấu ấy, không ít khán giả đã phải ngậm ngùi rời sân trước khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, vì U19 Việt Nam "không có cửa" chống đỡ.
Gần một năm rưỡi sau trận thua kinh hoàng ấy, Toshiya Miura - HLV người Nhật Bản cầm ĐTQG Việt Nam đấy với Thái Lan trên đất khách ở trận đấu lượt đi vòng loại World Cup 2018. Đây là trận đấu vấp phải sự phản dối dữ đội của người hâm mộ nước nhà khi ông thầy người Nhật cho các cầu thủ Việt Nam chơi thứ bóng đá "phản bóng đá" hòng chặn đứng người Thái.
Chỉ thua với cách biệt 1 bàn tối thiểu, đến từ chiếc thẻ đỏ khiến Minh Châu phải rời sân ở phút 73, tuyển Việt Nam thực hiện lối đá rắn, chấp nhận phạm lỗi để phá lối chơi kỹ thuật y hệt U19 Nhật Bản ngày nào của Thái Lan.
Năm tháng sau, ĐTQG Việt Nam bước vào trận tái đấu với Thái Lan trên Mỹ Đình. Sức ép của dư luận khiến HLV Miura không thể áp dụng lại chiến thuật ngày nào, thay vào đó là lối chơi đôi công, chấp nhận "được ăn cả, ngã về không", và kết quả là Mỹ Đình lại thêm lần nữa chứng kiến một kết thúc buồn bằng tỷ số 0-3. Việt Nam thúc thủ toàn diện trước lối chơi "thêu hoa dệt gấm" của người Thái.
Thất bại này, cộng với kết quả kết bát ở VCK U23 châu Á 2016 khiến ông Miura nhận sự chỉ trích dữ dội, mạnh mẽ nhất đến từ bầu Đức khiến chiến lược gia người Nhật Bản bị cắt hợp đồng sớm, ngậm ngùi rời khỏi Việt Nam, mở ra một chương mới cho bóng đá Việt Nam với sự thống trị của những cầu thủ lứa U19 HAGL ngày nào ở cả U23 lẫn ĐTQG Việt Nam, dưới tay HLV Hữu Thắng.
2. Bốn năm sau bi kịch trên sân Thống Nhất, giờ đây U23 Việt Nam với nòng cốt vẫn là những cái tên sáng giá của U19 Việt Nam ngày ấy (ngoại trừ Tuấn Anh vắng mặt vì dính chấn thương) đang được định hướng theo lối chơi mang nặng phong cách Hàn Quốc, với tân HLV người Hàn Park Hang-seo.
Trận đấu đầu tiên của Công Phượng và các đồng đội tới đây ở VCK U23 châu Á là cuộc tái đấu với U23 Hàn Quốc. Hành trang bước vào trận đấu ấy là sự chuẩn bị của "tướng" Park định hướng đội tuyển theo phong cách Hàn Quốc đặc sệt, từ phong cách sinh hoạt cho đến lối chơi thiên về thể lực và sức mạnh tinh thần.
Kết quả "khả quan" trước Ulsan Hyundai liệu có giúp U23 Việt Nam "đủ lưng vốn" trước VCK U23 châu Á?
Còn quá sớm để đánh giá xem liệu lối chơi đẫm chất Hàn Quốc ấy có là lối thoát phù hợp cho bóng đá Việt Nam sau gần 2 năm trời đắm mình trong thất bại dưới thời HLV Hữu Thắng hay không, song có lẽ chưa cầu thủ nào từng đá ở Thống Nhất bốn năm về trước nhắc cho ông thầy người Hàn về bài học "tương đồng lối chơi, khác biệt đẳng cấp" ngày ấy.
Trước trận khai màn gặp Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo đã kịp "lên giây cót" cho các học trò và người hâm mộ bằng hàng loạt thông tin tích cực, nào là trận thua "coi được" trước CLB Hàn Quốc Ulsan Hyundai, nào là "có tay trong" điều nghiên đội bóng Hàn Quốc, nào là Hàn Quốc khá lo lắng cho trận đấu với Việt Nam.
Vậy sự thật là thế nào?
Dù có nói giời nói biển thế nào đi nữa, thì vẫn có một sự thật hiển nhiên là đẳng cấp của bóng đá Hàn Quốc vẫn hơn Việt Nam một tầm với, và U23 Việt Nam vẫn chỉ là đối thủ dễ dàng nhất trên con đường chinh phục chức vô địch U23 châu Á.
Những sai lầm ở hàng thủ vẫn là điểm yếu "chết người" ở U23 Việt Nam.
Mới hôm qua, HLV Park Hang-seo còn hào hứng "tiết lộ" với truyền thông rằng người Hàn Quốc đánh giá cao U23 Việt Nam đến nỗi có riêng một đội ngũ phóng viên chuyên theo dõi các tin bài về U23 Việt Nam hòng "bắt bài" lối chơi được U23 Việt Nam chuẩn bị để đối phó với họ.
Thêm nữa, người hâm mộ Việt Nam càng được phen phấn khởi với phát biểu của HLV U23 Hàn Quốc Kim Bong Gil: "U23 Việt Nam có những cầu thủ tấn công rất tốt, nhỏ và nhanh".
Với những người có chuyên môn, cái sự hào hứng tiết lộ ấy nói thẳng ra là hơi nực cười, bởi nếu giới truyền thông Hàn Quốc có theo dõi tin bài về U23 Việt Nam, thì đấy thuần túy chỉ là truyền thông, bởi dù sao thầy trò HLV Park Hang-seo cũng là đối thủ khai màn của U23 Hàn Quốc, chứ thầy trò HLV Kim Bong Gil mà trông vào báo chí để "bắt mạch" đối thủ, thì "đổ thóc giống ra mà ăn".
HLV Park Hang-seo tự tin thực sự, hay chỉ là "lên giây cót tinh thần" cho các học trò?
Bên cạnh đó, ở phát biểu của HLV U23 Hàn Quốc có một vế sau, là: "Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo thì không thể đá chậm". Nghe như một lời khen, song thực tế nó chỉ thể hiện sự tự tin của ông Kim Bong Gil, bởi chênh lệch về mặt đẳng cấp mà đá nhanh, thì đội có đẳng cấp cao hơn rõ ràng có lợi, chẳng khác với trận đấu 4 năm về trước trên sân Thống Nhất cả.
Lối chơi mang đậm phong cách Hàn Quốc mà HLV Park Hang-seo đang định hướng cho U23 Việt Nam cần hai yếu tố tiên quyết là thể lực và sức mạnh tinh thần. Đáng tiếc, đấy cũng chính là hai điểm yếu lớn nhất của các cầu thủ Việt Nam. Điểm yếu về thể lực của các cầu thủ lò HAGL là điều không phải bàn cãi, trong khi đó điểm yếu về tâm lý vẫn là mối lo triền miên của bóng đá Việt Nam.
Không có được một "chiến dịch cải thiện thể lực" như cách HLV Hoàng Anh Tuấn từng làm trước thềm VCK U20 World Cup năm ngoái, điểm tựa duy nhất mà ông Park Hang-seo có thể vin vào U23 Hàn Quốc "đóng cửa" không thi đấu giao hữu, mà chỉ đấu tập với các đội bóng của các trường đại học.
Liệu Công Phượng và các đồng đội có "thêm một lần đau"?
Tuy nhiên, các đội bóng đại học của Hàn Quốc không hề là "quân xanh" yếu, điều này người hâm mộ Việt Nam vốn chẳng lạ lẫm, vả lại chắc hẳn họ cũng không thi đấu "nửa đù, nửa thật" kiểu Ulsan Hyundai, quan trọng nhất là mục tiêu của U23 Hàn Quốc cao hơn nhiều, và thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ là "viên đá nhỏ" trên con đường chinh phục châu Á của họ.
VCK U23 châu Á không phải là đấu trường vừa sức của Công Phượng và các đồng đội, cũng như 4 năm về trước U19 Nhật Bản là đối thủ quá tầm, và nếu cách tiếp cận đối thủ của HLV Park Hang-seo sắp tới cũng "ngây thơ" như ông thầy Giôm Graechen ngày nào, thì cái viễn cảnh thêm một bi kịch nữa đổ ập xuống đầu các cầu thủ trẻ ắt chẳng còn xa.
Nguồn tin: Tri Thức Trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn