Chiều ngày 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 48 điều về nội dung và 7 điều về kỹ thuật. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã thể hiện đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Điểm mới của luật lần này theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 (Điều 74, 75, 76, 77) theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Theo đó, cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vai trò của cơ quan thẩm tra là phối hợp với cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo trong việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết và trong việc tổng hợp ý kiến của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trường hợp cơ quan thẩm tra có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thì cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Báo cáo thẩm tra dự án luật này, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết vấn đề này hiện đang có 2 loại ý kiến. Theo đó, hầu hết ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến của nhiều Đoàn ĐBQH tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo luật với những lý do như được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số ít ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến ở một số Đoàn ĐBQH không tán thành việc “đổi vai” này mà đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay để bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án, đồng thời cũng tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện. Ý kiến này cho rằng, với cách thức và thời gian tổ chức kỳ họp Quốc hội như hiện nay sẽ không thể có đủ thời gian để vừa giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo ý kiến ĐBQH để Chính phủ cho ý kiến, cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra lại để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội.
Sửa đổi quan trọng này đã thu hút sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến tại phiên họp.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo độ “chín”. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ đề nghị sửa Luật theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra thực hiện như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án thực hiện, gọi là “đổi vai” so với hiện hành. Vậy tại sao lại cần có sự “đổi vai” này? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề hơn nữa.
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc “đổi vai”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đề nghị quy trình như vậy. “Cách đây mấy năm, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cũng đã nêu đề xuất này nhưng không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nhắc lại và nhấn mạnh, quy trình xây dựng luật phản ánh nguyên tắc tổ chức Nhà nước, trong đó có vai trò lập pháp của Quốc hội đã được Hiến pháp quy định.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đây là Dự luật rất quan trọng, việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đảm bảo sự hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn về quy trình chính sách đối với một số loại văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc các ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xin ý kiến Quốc hội./.
Tác giả bài viết: Tú Giang
Nguồn tin: cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn