- Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có ý kiến băn khoăn liệu Việt Nam có thể duy trì đà quan hệ và có vị trí nào trong chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Với những gì đã diễn ra, liệu những băn khoăn đó là có cơ sở?
Trước chuyến thăm, đúng là tình hình có một số diễn biến phức tạp. Thứ nhất, Chính quyền của ông Donald Trump mới lên nhậm chức và đang trong quá trình ổn định bộ máy nhân sự. Thứ hai, Mỹ vẫn đang trong quá trình định hình chính sách đối ngoại, nhất là với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ ba, trong chính trị nội bộ Mỹ có những diễn biến mới, do vậy đã xuất hiện một số băn khoăn như trên.
Tuy nhiên, những gì diễn ra từ đầu năm đến nay, đặc biệt là kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xua tan những băn khoăn đó. Chuyến thăm của Thủ tướng thực sự rất thành công. Kết quả chuyến đi cho thấy Mỹ thực sự coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là một đối tác ngày càng quan trọng trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực.
Chuyến thăm của Thủ tướng khẳng định, chứng minh thêm nhận định của phía Việt Nam từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống là dù Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, Việt Nam vẫn là một nhân tố ngày càng quan trọng đối với Mỹ, cả về song phương lẫn hợp tác khu vực và trên thế giới.
- Thủ tướng đã hoàn thành một chương trình nghị sự dày đặc, gồm nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc. Ông có thể phân tích rõ hơn về những thông điệp mà Thủ tướng muốn truyền đạt qua các hoạt động này?
Từ khi đặt chân tới Mỹ cho đến khi kết thúc chuyến thăm, Thủ tướng muốn truyền tải 5 thông điệp lớn.
Thứ nhất, với cá nhân Tổng thống Donald Trump và chính giới Mỹ, thông điệp của Thủ tướng là: Việt Nam là một đối tác ngày càng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, ngày càng phát triển năng động; mong muốn hai bên hợp tác, tiếp tục duy trì đà quan hệ, thúc đẩy hợp tác sâu rộng và xây dựng lòng tin.
Qua các hoạt động tiếp xúc với giới doanh nhân, Thủ tướng muốn khẳng định Việt Nam ngày càng đổi mới, mở cửa cùng với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì sự thành công của các nhà đầu tư; Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Thứ hai, liên quan đến quan hệ thương mại song phương, các con số về thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam mới là những biểu hiện bên ngoài của vấn đề. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp phân tích, chỉ rõ bản chất của thâm hụt thương mại với Việt Nam. Tôi cho rằng những phân tích đó là khách quan, khoa học và có cơ sở rõ ràng.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam muốn cùng Mỹ hình thành một khuôn khổ mới về hợp tác thương mại, đầu tư để thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực này lên tầm cao mới trên cơ sở công bằng, cùng có lợi.
Thứ ba, đối với học giả, trí thức và người dân Mỹ, Thủ tướng khẳng định rõ Việt Nam là điểm đến an toàn, con người Việt Nam thân thiện, đất nước Việt Nam cởi mở, năng động, mến khách. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi học thuật, góp phần ngày càng quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Thứ tư, Thủ tướng tái khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam; kêu gọi bà con cùng chung tay xây dựng quê hương phồn vinh.
Thứ năm, Việt Nam muốn chuyển đến cộng đồng quốc tế thông điệp rằng quan hệ Việt Nam-Mỹ ngày càng phát triển là có lợi cho cả hai bên, góp phần tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) và dự lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ đã khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế.
Đây cũng là thời điểm thích hợp để nhìn lại những đóng góp của Việt Nam cho LHQ trong 4 thập kỷ qua, hướng tới tương lai hợp tác tốt đẹp, đồng thời mong muốn LHQ đóng góp tích cực hơn nữa cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
- Theo ông đâu là những kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm?
Tôi cho rằng kết quả nổi bật nhất thể hiện ở 3 khía cạnh.
Về chính trị - ngoại giao, hai bên cam kết duy trì đà phát triển quan hệ, tăng cường xây dựng lòng tin, và tìm kiếm khuôn khổ, động lực mới cho hợp tác Việt Nam - Mỹ.
Về mặt kinh tế, hai bên đã ký được nhiều dự án hợp tác trị giá hàng tỷ USD. Nhưng quan trọng hơn hai bên đã đạt được nhận thức chung nhằm hướng tới một khuôn khổ mới cho hợp tác toàn diện trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư trên nguyên tắc công bằng, đôi bên cùng có lợi.
Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tuyên bố chung đã đề cập đến những điểm mới như hợp tác tình báo, tiếp tục hợp tác về xây dựng năng lực, cứu nạn, cứu hộ…
Tôi hy vọng qua những chuyến thăm và làm việc sắp tới của các quan chức hai nước, hai bên sẽ hình thành một khuôn khổ hợp tác mới trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
- Qua những hình ảnh trên truyền thông, đặc biệt là các cuộc gặp, tiếp xúc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với chính giới Mỹ, ông đánh giá thế nào về cách tiếp cận của hai bên?
Cách tiếp cận của hai bên là phù hợp, cho thấy sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; nội dung trao đổi thực chất; Tuyên bố chung cụ thể, có nhiều nét mới.
Tóm lại, cách tiếp cận đúng đắn của hai bên đã góp phần vào thành công chung của chuyến thăm.
- Còn lời văn của Tuyên bố chung giữa hai bên?
Qua theo dõi lời văn của Tuyên bố chung, tôi cho rằng lời văn của Tuyên bố chung có 3 điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, phản ánh đầy đủ nguyện vọng và mong muốn của cả hai bên.
Thứ hai, chi tiết và cân bằng, nhất là khi đề cập đến những lĩnh vực hợp tác.
Thứ ba, có nhiều nét mới như hợp tác tình báo, tội phạm an ninh mạng, hay quan hệ Mỹ - ASEAN…
- Với những gì đã diễn ra, ông có nhận xét gì về công tác chuẩn bị của cả hai bên cho chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Phía Việt Nam, đặc biệt là Bộ Ngoại giao đã chủ động tiếp cận rất sớm và đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng. Thông qua một loạt các chuyến thăm của lãnh đạo Bộ cùng với sự chủ động tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, hai bên đã xây dựng được lòng tin, nhanh chóng định hình những vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm và phía Việt Nam mong muốn.
Thành công của chuyến thăm còn do sự ủng hộ, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản của các bộ, ngành của Việt Nam, kể cả của cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó phản ánh nhu cầu hợp tác ngày càng mở rộng, nhất là từ sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015.
Nguồn tin: Theo VTC News:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn