Từ ngày QH tổ chức chất vấn các thành viên Chính phủ, nghị trường trở nên rất sôi động. Đông đảo cử tri theo dõi các phiên chất vấn qua các buổi truyền hình trực tiếp.
Tuy nhiên, do thời gian của mỗi phiên chất vấn có hạn, không phải tất cả các chất vấn của ĐBQH đều được thành viên Chính phủ trả lời tại nghị trường.
ĐBQH có 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ, từ hôm nay đến 16/6. Ảnh: Hoàng Anh |
Vì thế, ĐBQH phải gửi các câu hỏi chất vấn đến các bộ ngành và yêu cầu trả lời cho cử tri được biết.
Câu hỏi gửi đến bộ ngành có thể một bộ phận cử tri tại nơi ĐB ứng cử được biết nhưng đa số cử tri lại chưa chắc đã biết ĐB của mình chất vấn gì trên bình diện cả nước.
Cử tri thường theo dõi, nguyện vọng của mình có được biết các ĐBQH chất vấn các cơ quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề bức xúc của cử tri mang tầm quốc gia hay không.
Một số ĐB qua các phiên chất vấn hoặc qua các văn bản chất vấn cho thấy cái tầm chất vấn ở "quốc kế dân sinh", đòi hỏi thành viên Chính phủ phải trả lời tường minh, cụ thể, lộ trình thực hiện theo lời hứa để các ĐBQH còn giám sát.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là không ít ĐB chất vấn những vấn đề chưa đúng tầm. Đôi khi trách nhiệm xử lý vấn đề đó thuộc ngay trách nhiệm của chính quyền địa phương hoặc chất vấn không đúng địa chỉ...
Những vấn đề lớn như an toàn thực phẩm, hay phát triển giáo dục ĐH trong những năm qua hoặc con số cử nhân chưa có việc làm rất lớn.
Lấy ví dụ phát triển giáo dục ĐH địa phương, hầu hết trong các đề án thành lập mới ĐH địa phương đều có sự nhất trí của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong khi nhu cầu nhân lực trong 5-10 năm chưa rõ... đã tạo sức ép lên các cơ quan của Chính phủ.
Nhưng một số ĐBQH quy hết trách nhiệm đó cho Bộ GD-ĐT, cơ quan tham mưu cho Chính phủ, điều này là chưa công bằng mà lẽ ra phải chất vấn ngay tại địa phương về nhu cầu nhân lực hiện tại, tương lai tại địa phương trong mối quan hệ với vùng và quốc gia... để tham mưu cho chính quyền địa phương.
Vì thế các ĐBQH phải gắn kết rất chặt chẽ với sở ngành và UBND để nắm vững thông tin, nội dung nào thuộc trách nhiệm Thủ tướng, nội dung nào thuộc trách nhiệm Chính phủ hoặc của bộ ngành cụ thể.
Có ĐB chất vấn về vấn đề chất lượng giáo dục ĐH hay phân luồng học sinh, chỉ quy về cho trách nhiệm chính của Bộ GD-ĐT cũng chưa hợp lý mà đòi hỏi phải chất vấn theo kiểu "liên bộ" để thấy rõ trách nhiệm từng bộ trưởng liên quan ở từng chủ trương, chính sách và cơ chế.
Đặt một câu hỏi hay, có tầm cũng như trả lời một vấn đề có tầm và khả thi là việc làm đòi hỏi ĐBQH rất cần kỹ năng chất vấn và người được chất vấn phải dự báo được, hiểu được vấn đề một cách sâu sắc giúp nâng cao hiệu quả chất vấn, tiết kiệm thời gian.
Muốn đặt ra câu hỏi đúng trọng tâm, ĐBQH phải có trăn trở, suy tư, đọc nhiều, tổng hợp nhiều các nguồn thông tin từ cử tri phản ánh, từ phương tiện truyền thông và từ các ý kiến tham vấn của các chuyên gia.
Thời gian ở QH được tính từng phút, nhưng vẫn còn ĐB chất vấn mang tính diễn giải, dài dòng khiến cho Chủ tịch đoàn phải nhắc ĐB đi thẳng vào vấn đề.
Việc công khai câu chất vấn của ĐB và câu trả lời của các thành viên Chính phủ để cử tri cả nước theo dõi (nếu chất vấn không liên quan đến bí mật an ninh quốc gia) và giám sát trách nhiệm của cả ĐB và thành viên Chính phủ.
Thông qua việc theo dõi cách và nội dung chất vấn của ĐB, cử tri sẽ thấy được trách nhiệm, dũng khí, trí tuệ của ĐB cũng như đòi hỏi ĐB phải có trách nhiệm hơn khi đặt các câu hỏi chất vấn thành viên Chính phủ.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn