Chiều ngày 7/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, Luật KTNN đã phát sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết như: phạm vi, đối tượng kiểm toán (ĐTKT); đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa bảo đảm sự tương thích với các luật khác có liên quan; vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra… Vì vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật KTNN; đồng thời các đại biểu cho ý kiến về nhiều nội dung của dự thảo Luật như: Quy định về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; việc bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp; về bổ sung quy định KTNN thực hiện xử phạt vi phạm hành chính…
Về quy định quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán, đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) cho biết, thực tiễn hiện nay nổi lên 3 vấn đề vướng mắc mà việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN lần này cần giải quyết. Đó là, chưa có quy định về việc theo đuổi đến cùng quyền khiếu nại, tố cáo của người nộp thuế. Hai là, kết luận của KTNN không giống với bản án đã có hiệu lực của tòa án là có giá trị bắt buộc thi hành nhưng hiện nay kết luận của KTNN lại có giá trị bắt buộc thực hiện và không có cơ chế tố tụng. Ba là, Tổng KTNN không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính cho nên gặp khó khăn trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về kết luận kiểm toán.
Do đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật quy định về tố tụng kiểm toán theo hai hướng là tố tụng trong nội bộ hoạt động kiểm toán ở cấp khiếu nại tố cáo đối với hoạt động kiểm toán ban đầu, khiếu nại lên Tổng KTNN, khiếu nại lên Hội đồng Kiểm toán và tố tụng tại tòa án. Đồng thời, Luật quản lý thuế ghi nhận quyền người nộp thuế trong trường hợp không thỏa mãn với kết luận kiểm toán thì có quyền khởi kiện.
Về việc bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Hòa Bình) phân tích, trên thực tế các vụ án tham nhũng không nhiều và khó chứng minh được yếu tố vụ lợi nên ngoài việc tham gia các vụ án tham nhũng cần quy định kiểm toán có thẩm quyền tham gia vào các vụ án kinh tế.
Ghi nhận vai trò và hoạt động của KTNN, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, nếu kết quả kiểm toán của KTNN được thực hiện nghiêm sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng và tăng cường công tác khai báo cáo kết quả kiểm toán cần bổ sung các quy định về chế tài chấp hành kết quả kiểm toán để hoạt động của KTNN hiệu quả hơn.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cho hay, dự thảo Luật đã được KTNN chuẩn bị công phu, có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và học tập kinh nghiệm nước ngoài. Các nội dung đề xuất sửa đổi được thiết kế khoa học và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao. Đại biểu đánh giá cao việc bổ sung quyền khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân về báo cáo kiểm toán, sửa đổi quy định về trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán nếu để xảy ra sai phạm…thể hiện tính minh bạch, nghiêm minh của KTNN.
Liên quan đến việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp đối với KTNN, đại biểu Nguyễn Quang Vũ (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua có nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng mà nguyên nhân nằm ở khâu giám định tư pháp.
Khi giám định lĩnh vực tài chính, kinh tế chủ yếu do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, nhưng thực tiễn số lượng công việc rất nhiều và phức tạp. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm cơ quan KTNN tham gia giám định, thậm chí không chỉ tham gia giám định tư pháp tài chính công, tài sản công mà còn thực hiện giám định về thuế, cũng không chỉ giới hạn ở các vụ án tham nhũng mà cả các vụ án kinh tế nói chung. Hơn nữa, quy định như vậy không mâu thuẫn về thẩm quyền so với hệ thống luật hiện hành.
Về nội dung có cho phép KTNN xử phạt hành chính hay không, đa số ý kiến đại biểu cho rằng cần cân nhắc. Tuy nhiên, có thể nghiên cứu thêm ý kiến cho phép KTNN xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong Điều 8 của Luật KTNN quy định như: Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước; cản trở công việc của KTNN. Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc khi nghiên cứu nội dung này./.
Tác giả bài viết: Bích Liên
Nguồn tin: cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn