Bộ trưởng buồn thì ai vui?

Chủ nhật - 27/08/2017 10:07
(Phapluat News) - Mỗi khi nói về bất cập, tồn tại hoặc bị phanh phui tiêu cực trong ngành mình phụ trách, không ít bộ trưởng thường thốt lên: “Tôi rất buồn!”.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa

 

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trước khi giải trình tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15-8 về công tác giám sát các dự án BOT đã trút bầu tâm sự về chuyện ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang): “Chỉ có 7 doanh nghiệp ở nơi khác phản ứng nhưng cách thức làm chúng tôi thấy rất buồn. Buồn ở chỗ khi xảy ra sự việc ở đây có chính quyền nhưng lại dàn 3 cái xe dừng ở đó để cản trở”.

Bộ trưởng “rất buồn”, rồi sao nữa? Bao nhiêu dự án BOT và BT sai phạm mà Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra, cả xã hội phải gánh chịu; Bộ chủ quản và người dân – ai buồn hơn? Bộ trưởng buồn một, người dân buồn mười, buồn trăm, thưa Bộ trưởng!

Sau vụ nữ bác sĩ bị ông doanh nhân “xuất sắc” tát tới tấp ở Nghệ An vừa rồi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có bài đăng báo, trong đó cũng trải lòng: “Cứ mỗi lần nghe tin một bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên y tế bị hành hung là tôi lại cảm thấy đau đớn như chính mình bị xúc phạm. Cảm giác phẫn nộ, buồn bực, thất vọng xâm chiếm tôi”.

Rất dễ chia sẻ với cảm xúc của nữ bộ trưởng về việc này. Cả xã hội lên án hành vi côn đồ của doanh nhân kia và không quên đặt thêm câu hỏi là sau khi buồn, bộ trưởng làm gì để môi trường làm việc của y – bác sĩ được an toàn? Bao nhiêu đời bộ trưởng mà chẳng thể nào giúp được người thầy thuốc an tâm khi xử lý cấp cứu. Nơi này, chỗ kia, nhà này, người nọ đều sẵn sàng lao vào thượng cẳng chân – hạ cẳng tay với “từ mẫu” của mình. Làm gì đi chứ?!

Còn Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, trước sự “lên đồng” của công chúng về cơn khủng khoảng sư phạm, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm mới đây, ông nói tỉnh bơ:

“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được”. Nghe mà cứng họng!

Cốt lõi của vấn đề là thừa cả đầu ra lẫn đầu vào, đời sống người thầy không được đãi ngộ tương xứng. Về điều này, chia sẻ bên hành lang Quốc hội hôm 25-5-2017, Bộ trưởng Nhạ tâm sự buồn:

“Lâu nay, dư luận vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống giáo viên khó khăn. Đó là sự thật và cũng là món nợ mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được”.

Chưa biết bao giờ trả lời được câu hỏi tức là bản thân bộ trưởng và nhiều đời bộ trưởng nữa cũng sẽ còn “rất buồn” dài dài, kéo theo hàng triệu giáo viên cũng “rất, rất buồn”.

Và nhiều bộ trưởng khác cũng từng thốt lên “rất buồn” như thế!

Người dân nộp thuế nuôi bộ máy nhà nước, nuôi quan chức, nuôi công chức. Đổi lại, lẽ nào để họ nghe 2 tiếng “rất buồn” mãi sao?

Nguồn tin: Pháp lý Online/ PLO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây