50% tử vong do methanol
Tại hội thảo về tác hại của lạm dụng rượu bia, xử trí và điều trị ngộ độc rượu có methanol hôm nay, Bộ Y tế cung cấp con số giật mình khi có tới 50% số ca tử vong do rượu là uống phải methanol (cồn công nghiệp).
Chỉ tính từ sau Tết nguyên đán 2017 đến nay, tại Hà Nội và Lai Châu đã có hàng trăm người ngộ độc rượu methanol, trong đó ít nhất 19 người tử vong trên tổng số hơn 100 trường hợp nhập viện.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến xót xa khi chứng kiến nhiều trường hợp tử vong vì rượu methanol |
BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, ngộ độc methanol không ngừng tăng, trước trung bình mỗi năm trung tâm chỉ tiếp nhận 20-30 ca thì giờ tăng lên hơn 60 ca/năm.
Nếu tính từ 2007, cả nước có 58 vụ ngộ độc rượu lớn khiến 382 người ngộ độc, 98 người chết.
Có những vụ ngộ độc methanol cực lớn như tại Ninh Thuận (2010), 31 người ngộ độc, 5 tử vong, vụ Gia Lai (2010) 21 người nhập viện, 9 tử vong, vụ rượu nếp 29 Hà Nội tại Quảng Ninh (2013) khiến 6 người chết, 15 người nhập viện...
Trong đó ngộ độc rượu trắng là 12 vụ, rượu trắng có hàm lượng methanol cao là 18 vụ, còn lại ngộ độc rượu ngâm các loại củ, rễ cây…
“Rượu methanol gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt thậm chí gây ra những cái chết tức tưởi. Rất đau lòng khi phải chứng kiến những nạn nhân ngộ độc methanol tử vong, tàn phế dù đã huy động mọi phương tiện, thuốc men cứu chữa”, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến xót xa.
Không có rượu pha cồn methanol?
TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, kết quả xét nghiệm đối với những bệnh nhân ngộ độc rượu thời gian gần đây cho thấy, nồng độ cồn methanol trong máu đều cao gấp hàng chục, hàng trăm lần mức cho phép.
Bệnh nhân có nồng độ methanol trong máu cao nhất là 687 mg/dl, trong khi ở mức 20mg/dl đã nguy hiểm đến tính mạng.
“Kết quả xét nghiệm mẫu rượu tại Lai Châu vừa qua cũng cho thấy lượng methanol cao kỷ lục, lên tới 556.000 mg/l cồn 100 độ, tức có tới một nửa là cồn công nghiệp”, ông Long nêu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng nhấn mạnh, từ cách đây vài năm, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo, phát hiện tại Nghệ An bán rượu trong thùng phuy, bao nhiêu cũng có.
Ông Cường cho rằng khó có rượu pha cồn methanol do cồn này phải nhập khẩu, rất đắt |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ, Bộ Công thương lại cho rằng những vụ độc vừa qua là do nạn nhân uống quá nhiều rượu nên methanol tích tụ lại chứ không có rượu pha cồn công nghiệp, bởi trong rượu tự nấu vẫn có hàm lượng methanol nhất định.
“Không ai pha rượu methanol cả vì methanol công nghiệp rất đắt, phải nhập khẩu, các doanh nghiệp nhập methanol phải khai báo đầy đủ”, ông Cường nói.
Đó là theo đường chính ngạch còn số lượng cồn methanol qua đường không chính ngạch là bao nhiêu thì đến nay chưa thể thống kê.
Trong khi đó việc quản lý các cơ sở nấu rượu thủ công hiện nay vẫn còn rất lỏng lẻo. Theo đúng quy định, các cơ sở này phải được cấp giấy phép, có nhãn mác, nhưng thực tế mới chỉ có 15% cơ sở rượu thủ công được cấp giấy phép.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia, nước giải khát Việt Nam dẫn chứng, ngay tại Ninh Bình – địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất rượu thủ công cũng chỉ cấp được 6/2.500 cơ sở (chiếm 0,4%).
Thứ trưởng Tiến cho biết, trước đây việc pha cồn công nghiệp bắt buộc phải được đánh dấu bằng chất xanhmethylen (tạo màu xanh) để phân biệt với rượu nấu. Nhưng nhiều năm nay việc này không được thực hiện, dẫn đến tình trạng nhập nhèm.
Ông kiến nghị Bộ Công thương cần quan tâm đến quy định này để người dân dễ phân biệt.
“Các bộ ngành, địa phương phải thực sự nhìn thấy trách nhiệm của mình trước cộng đồng chứ không thể bộ này làm còn bộ kia ngắm thôi thì quản lý, ngăn chặn rượu methanol mới hiệu quả”, ông Tiến nhấn mạnh.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn