Lễ hội té nước Songkran của người Thái là một trong những ngày lễ được chờ đợi nhất trong năm. Năm 2017, ước tính ngày lễ thu hút tới nửa triệu du khách từ khắp thế giới về tham dự. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, mặt trái của ngày lễ luôn là điều các quan chức địa phương đau đầu. Vào thời điểm diễn ra lễ hội hàng năm luôn chứng kiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương do tình trạng bạo lực, đánh nhau, thậm chí cả xâm hại tình dục diễn ra. Và năm 2017 cũng không là ngoại lệ.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Chỉ đạo An toàn Đường bộ Thái Lan, tính đến thời điểm ngày 18/4, tổng cộng có 390 người chết và 3808 người bị thương trong 3690 vụ tai nạn suốt “7 ngày nguy hiểm suốt dịp lễ hội”. Dù số người chết giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ tai nạn giao thông lại gia tăng. Các số liệu này so sánh với 442 ca tử vong vào năm 2016 (tăng so với con số 364 người vào năm 2015), 3565 người bị thương (tăng so với con số 3559 người vào năm 2015) và 3447 vụ tai nạn trong cùng kỳ năm ngoái (tăng so với con số 3373 người vào năm 2015).
Ông Krissada Boonrat, Bộ trưởng bộ Nội vụ Thái Lan nói thêm, trong hôm 22/4 tiếp tục xảy ra 307 vụ tai nạn đường bộ khiến 40 người thiệt mạng và 323 người khác bị thương. “3 nguyên nhân chính gây tai nạn chết người đó là lái xe vượt quá tốc độ, uống rượu khi lái xe và tầm nhìn kém. Hành vi xấu dẫn tới tử vong và chấn thương bao gồm không đội mũ bảo hiểm, say rượu khi lái xe và lái vượt quá tốc độ. Thời điểm xảy ra tai nạn chủ yếu từ 4 giờ chiều tới 8 giờ tối. Trong đó, đa phần các nạn nhân từ 50 tuổi trở lên”, ông nói.
Chính phủ Thái liên tục triển khai các biện pháp an toàn nhằm hạn chế con số thương vong với người dân và du khách tham gia lễ hội, tuy nhiên vẫn nhiều vụ việc đau thương xảy ra. Năm 2016, nhóm thanh niên Thái Lan tấn công rất nhiều khách nước ngoài khiến họ phải nhập viện. Song hành cùng các tai nạn là số lượng các vụ tấn công lạm dụng tình dục gia tăng. Tuy nhiên phần nhiều các nạn nhân khó lòng cung cấp hình ảnh của vụ việc.
Songkran là ngày lễ cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan, tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch, tương ứng với 13-15/4 dương lịch. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc thi được tổ chức. Người ta còn nấu các món ăn truyền thống, mặc trang phục sặc sỡ rồi dùng xô, súng nước, bóng, té nước lên người nhau. Ai được té nước lên người càng nhiều càng gặp may mắn. Ngày lễ Songkran có nét giống Lào và Campuchia, tuy nhiên mỗi nước lại có những nghi lễ khác nhau.
Người Thái quan niệm rằng, té nước vào người khác mang ý nghĩa giúp họ gột rửa những điều chưa tốt của năm cũ, đón nhận may mắn trong năm mới. Ngày xưa, nước dùng để té phải có mùi thơm và chỉ té vào người các thành viên trong gia đình hay bạn bè.
Còn ngày nay, hoạt động té nước mở rộng thành lễ hội cho du khách từ khắp nơi. Vào ngày hội Songkran, du khách thường tìm tới những thành phố lớn như Bangkok, Ayutthaya, Khon Kaen, Phuket, Chiang Mai... Du khách còn được khuyên nên tới Chiang Mai bởi nơi này còn lưu giữ nhiều tập tục xưa như lễ rước và tắm tượng Phật Phra Buddha Sihing.
Nguồn tin: Theo Huy Hoàng (Dân trí)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn