10 giờ căng thẳng của ca ghép phổi từ người sống đầu tiên ở VN

Thứ sáu - 24/02/2017 09:22
(PL News)  - Sau hơn 2 ngày ca ghép phổi được các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y thực hiện thành công, tình hình sức khỏe của cháu Ly Chương Bình, bệnh nhân trong ca ghép phổi, đang hồi phục tốt.
10 giờ căng thẳng của ca ghép phổi từ người sống đầu tiên ở VN
 
học viện quan y, ca ghép phổi đầu tiên, bệnh viện 103, ghép phổi từ người cho sống
Bệnh nhân trong ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên của Việt Nam đang phục hồi tích cực. Ảnh: HVQY.

TS Hoàng Văn Chương, Bộ Môn Khoa Gây mê, BV Quân y 103, Học viện Quân y, người trực tiếp có mặt trong kíp mổ của cháu Bình cho biết, ca ghép phổi của cháu Bình là "trận đánh" thứ 5 của các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103.

Năm 1992, lần đầu tiên ghép thận, tới năm 2004 là ghép gan, năm 2010 ghép tim, năm 2014 ghép tụy thận và tới nay lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi.

"Chúng tôi đã trải qua nhiều ca ghép nhưng cuộc ghép phổi này khá đặc biệt. Đặc biệt bởi ca này có tới 2 người cho trong khi các ca khác chỉ cần 1 người" - bác sĩ Chương nói.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho còn sống.

Bên cạnh đó, cháu bé mắc bệnh từ khi sơ sinh, phổi bị viêm đã ảnh hưởng tới chức năng của tim. Cháu Bình đã bắt đầu có dấu hiệu suy tim nhẹ. Nếu không ghép sớm, cháu sẽ khó sống sót chứ không nói đến việc phát triển. Chưa kể, cháu còn bị suy dinh dưỡng, đến nay tuy đã 7 tuổi nhưng chỉ nặng có 14kg.

Ngoài ra, việc ghép phổi cũng gặp nhiều khó khăn vì nguy cơ nhiễm khuẩn trong ca ghép này rất cao. Công tác khử khuẩn phòng mổ và công tác hậu phẫu không đảm bảo vô trùng thì ca ghép sẽ thất bại.

Tập thể cán bộ y bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103 đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn cơ sở vật chất.

Nhắc lại nhiều lần rằng, thành công của ca mổ là thành công của cả 1 tập thể chứ không chỉ của một cá nhân hay một khoa, bộ môn nào, bác sĩ Chương cho rằng, công tác tổ chức của lãnh đạo Học viện đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công này.

Học viện đã cử 3 bác sĩ sang Nhật học kinh nghiệm ghép phổi, từ khâu gây mê, phẫu thuật tới chạy máy để đảm bảo ca ghép thành công. Bệnh viên Quân y cũng huy động toàn khoa bố trí mổ cấp cứu sang Viện Bỏng Quốc gia trong thời gian 5 ngày để tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực cho ca ghép này.

Bác sĩ Chương nhớ lại, do đặc thù của ca ghép phổi nên việc khử khuẩn phòng mổ được đặc biệt coi trọng. Để có một phòng mổ đảm bảo tiêu chuẩn của ngành, các bác sĩ đã phải thực hiện việc cấy trùng nhiều lần. "Rất may, đến ngày quyết định thực hiện ca ghép là ngày 21/2 thì các vấn đề môi trường đã rất tốt".

"10 tiếng nhưng chúng tôi không thấy đói"

Vào 7h30 sáng ngày 21/2, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đón bệnh nhân đầu tiên, là người cho thứ nhất - bố của cháu Bình. 30 phút sau, người cho thứ 2 là bác ruột của cháu Bình cũng được đưa vào phòng. Tới 8h30, cháu Bình được đưa vào phòng mổ.

"Ca ghép được tiến hành rất thuận lợi. Tôi cũng không nghĩ là suôn sẻ được tới như vậy" - bác sĩ Chương nhớ lại.

Tất cả các khâu đều thực hiện một cách ăn khớp, hoàn hảo. Ca mổ đã kết thúc sớm hơn dự kiến. "Ban đầu chúng tôi dự kiến là 19h sẽ kết thúc nhưng nhờ thuận lợi ở tất cả các khâu nên tới 17h30 bệnh nhân đã được chuyển về phòng cách ly" - bác sĩ Chương cho hay.

"Điều khiến chúng tôi rất hạnh phúc là sau khi mổ xong khoảng 30 phút thì 2 bệnh nhân cho phổi rút ống tự thở, trả về cuộc sống bình thường".

Clip bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Khoa Gây mê, thành viên kíp phẫu thuật nói về ca ghép phổi từ người sống đầu tiên của Việt Nam:

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm Bộ môn gây mê, Bệnh viện Quân y 103, bác sĩ phụ trách gây mê cho cháu Bình kể rằng, đây là ca mổ mà Học viện và Bệnh viện xác định là phải thành công 100% nên bản thân anh và các bác sĩ của kíp mổ đã chuẩn bị chu đáo và nỗ lực hết sức mình.

"Ca mổ dù kéo dài nhưng chúng tôi không hề có cảm giác đói. Để góp phần cho ca ghép thành công chúng tôi vẫn đứng bám sát cuộc mổ mà không hề có cảm giác mệt mỏi. Các thành viên khác và các chuyên gia từ Nhật cũng như vậy" - bác sĩ Kiên nhớ lại.

"Khi biết ca mổ thành công, cảm giác lúc đó đó là sự hạnh phúc như vỡ òa. Chúng tôi đã cùng chuyên gia nhật và đồng nghiệp ôm chặt lấy nhau để chúc mừng. Đây là bước ngoặt trong bước tiến của nên y học để cứu giúp bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn cuối" - bác sĩ Kiên nói.

"Quả thực câu đầu tiên khi gặp nhau chúng tôi đều hỏi đồng nghiệp có mệt không, nhưng ai cũng đáp lại bằng một nụ cười tươi trên khuôn mặt. Ai cũng đều mệt mỏi vì thức cả ngày nhưng niềm vui đã lần át hết".

"Em chỉ nghĩ đặt hết niềm tin vào bác sĩ"

Sau khi ca mổ kết thúc, việc theo dõi tình hình tiến triển sức khỏe của cháu Bình cũng là một đều lo lắng của các bác sĩ nơi đây. Hơn 30 y bác sĩ tại bệnh viện đã túc trực ngày đêm. Tới sáng ngày hôm nay, cháu Bình tỉnh lại và tự thở được với các thông số bình thường.

 "Chúng tôi hồi hộp chờ đợi và hy vọng không có gì xảy ra đến với cháu" - bác sĩ Kiên nói.

Trong khi đó, GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sáng nay, khi các lãnh đạo vào thăm, cháu Bình đã hồi phục, thậm chí còn giơ tay bắt. Khi được các bác sĩ nói là cảm ơn bác đi, cháu còn nói "Cảm ơn bác" rất dõng dạc.

"Sau khi rút ống nội khi quản, khi bệnh nhân nói được bình thường là chúng tôi mừng lắm. Bởi vì sau khi mổ, dịch tiết vẫn còn ở trong. Vì vậy khi bệnh nhân nói, thậm chí còn ho được là rất quý. Cháu không ho được ra thì dịch đọng ở trong sẽ gây nhiễm trùng" - GS Quyết cho biết.

Theo GS Quyết, với tình hình của cháu Bình như hiện nay thì có thể nói là ca mổ đã rất thành công.

Clip mẹ cháu Ly Chương Bình trả lời phỏng vấn về ca phẫu thuật ghép phổi của con:

 Trao đổi với chúng tôi ở hành lang bệnh viện, chị Phan Thị Tâm, mẹ của cháu Ly Chương Bình, không kìm được sự xúc động và hạnh phúc. Nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt của người mẹ trẻ khi các phóng viên hỏi lúc ấy chị có sợ ca mổ bất thành và chị mất đi đứa con của mình hay không.

"Lúc nhỏ con em sinh ra cháu không được như những đứa trẻ bình thường khác, nó rất ốm yếu. Vì vậy, lúc đó em chỉ nghĩ đặt hết niềm tin vào các bác sĩ, còn nếu ca mổ không thành công thì em chấp nhận số phận của cháu" - chị Tâm nói.

Chị Tâm chỉ mong ước con mình nhanh chóng bình phục để đi học.

"Năm 2016 cháu đã đến tuổi vào lớp 1 rồi nhưng do ốm yếu nên cháu không đi học được" - chị Tâm gạt nước mắt. "Giờ đây, cháu đang bình phục rồi, em cảm thấy rất hạnh phúc. Em chỉ muốn cảm ơn các bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho con em".

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây