Phạm pháp hình sự giảm
Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng BCĐ 138/CP cho biết, năm 2017, phạm pháp hình sự xảy ra 52.947 vụ, giảm 3,02% so với năm 2016; trong đó 35/63 địa phương tội phạm hình sự giảm; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; phát hiện và điều tra án buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, môi trường nhiều hơn so với năm 2016.
Cũng trong năm qua, các ngành chức năng đã khởi tố, đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Công tác truyền thông, phòng chống tội phạm được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp, tăng cả tần suất thời lượng, nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền..., nên đã tạo được lòng tin và sự tham gia tích cực của nhân dân.
Tuy nhiên, theo Thượng tướng Lê Quý Vương, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên là tội phạm xâm phạm trật tự xã hội; tội phạm kinh tế, tham nhũng; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy; môi trường... Trong đó, hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp, các băng nhóm tội phạm ở một số địa phương có biểu hiện “lộng hành”, tính chất lưu manh, côn đồ, liều lĩnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp.
Tội phạm chống người thi hành công vụ tính chất, mức độ ngày càng liều lĩnh, manh động, thách thức, coi thường pháp luật. Tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất, cấp phép các dự án vốn đầu tư nước ngoài trọng điểm... Sai phạm, tiêu cực dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông tiếp tục được xác minh, làm rõ...
Còn theo Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia, năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 226 ngàn vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với năm 2016), thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 23,1 ngàn tỷ đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ 2016), khởi tố 1.637 vụ án (tăng 4,87% so với cùng kỳ) và khởi tố 2.118 đối tượng vi phạm (tăng 13,69% so với cùng kỳ).
Cũng theo BCĐ 389, tuy kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phần nào giúp ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với tình hình, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở các thành phố và đô thị lớn.
Một số cơ quan, địa phương còn chưa nghiêm túc
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 trong năm qua rất nặng nề, nhất là trong việc phát hiện, phòng ngừa, xử lý tội phạm, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả. Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của BCĐ 138 và BCĐ 389 ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trong chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó góp phần bảo đảm tốt tình hình ANCT, TTATXH, thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp cùng Chính phủ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ lớn đề ra.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên là một số cơ quan, địa phương còn chưa nghiêm túc, còn mang tính hình thức; công tác nắm tình hình trong một số trường hợp còn bị động, chưa sát với thực tiễn; các lực lượng, các địa phương chưa chủ động trong việc phối hợp cung cấp thông tin, hợp đồng tác chiến; kỷ cương, kỷ luật hành chính nhiều nơi chưa nghiêm; bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức còn hạn chế... Các loại tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp.
Để chủ động phòng ngừa, đối phó với diễn biến tình hình nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị thời gian tới, các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc quán triệt công tác phòng ngừa tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài và cần huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, toàn dân tham gia.
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chuyển biến mạnh mẽ hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt và có chương trình hành động cụ thể. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, kế hoạch của BCĐ 138 và BCĐ 389 quốc gia về công tác này; các bộ, ngành, địa phương phải có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Thực hiện thanh tra, kiểm soát, xem đấu tranh chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, trước mắt là tập trung cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, chống buôn lâu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018...
D.HÙNG
Theo số liệu từ BCĐ 389 TP Đà Nẵng, năm 2017, đã tiến hành kiểm tra gần 12 ngàn vụ, qua đó phát hiện và xử lý hơn 10 ngàn vụ (tăng 1,3% số lượt và 2,9% số vụ bị xử lý so với năm 2016); tổng số tiền thu xử phạt gần 301 tỷ đồng. |
Nguồn tin: cadn.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn