“Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nên đề xuất Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành giới thiệu các trường hợp có liên quan đến tham nhũng, lãng phí do Mặt trận kiến nghị và được xử lý có kết quả để tổng hợp thành sách về 63 giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Điều này tạo được niềm tin trong nhân dân và khẳng định rõ hơn vai trò của Mặt trận đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo “MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam sáng 6-8.
Kiểm soát quyền lực
Theo ông Nhân, tại TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy có quy định xử lý các thông tin liên quan đến suy thoái, tham nhũng. Dựa trên bốn nguồn thông tin, Mặt trận và HĐND sẽ tập hợp, chuyển sang Ban Thường vụ Thành ủy để phân công xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết: Trong sáu tháng qua, Mặt trận đã tiếp nhận và xử lý bảy đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức, cá nhân có những hành vi vi phạm. “Mặt trận đã đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời, tổ chức giám sát sau kiến nghị đối với ba vụ việc, có hai vụ việc đã có kết luận của cấp ủy và thông báo kết quả xử lý về MTTQ TP” - bà Châu nói.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng để công cuộc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, vai trò giám sát của các đoàn thể rất quan trọng, đặc biệt là Mặt trận.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng bản chất tham nhũng là do những người có chức vụ và quyền hạn lạm dụng quyền lực để trục lợi, do đó phải kiểm soát được quyền lực. Tham nhũng kìm hãm sự phát triển xã hội, tạo nên sự méo mó, cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM
Để có cơ chế giám sát quyền lực, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đề nghị Mặt trận tiếp tục kiến nghị có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ hoặc mỗi năm một lần đối với những người do HĐND bầu ra. “Lấy phiếu tín nhiệm mới có cơ sở đánh giá một cách chính xác cán bộ, tôi có niềm tin như vậy chứ nói chung chung không bao giờ có hiệu quả” - ông Đảm nói và cho rằng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận phải đủ bản lĩnh mới giám sát được.
GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm góp phần vào công cuộc chống tham nhũng. Bởi vì cơ chế này chưa được xây dựng đầy đủ, nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước còn rất hạn chế và hình thức.
Xây dựng “thế lực” chống “thế lực”
Ông Đường cũng cho rằng cần đổi mới tư duy, nhận thức đầy đủ và đúng đắn về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. “Tuy không có các chế tài cụ thể nhưng sức mạnh của giám sát, phản biện xã hội lại rất sâu rộng. Đó là sự đồng tình hay lên án của dư luận xã hội và nhiều khi dư luận xã hội lên án còn nặng nề hơn là một chế tài pháp lý cụ thể” - ông Đường nói và cho rằng luật cũng cần phải bổ sung các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội.
PGS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng chống tham nhũng phải là sự nghiệp của một hoặc nhiều tập thể, thậm chí phải là trào lưu xã hội thì mới có cơ may thành công chứ một cá nhân khó có thể làm được. “Muốn chống tham nhũng thì phải xây dựng được một hoặc nhiều thế lực đủ mạnh để có thể đối diện với thế lực tham nhũng mới hiệu quả. Một cá nhân thì không chống được tham nhũng” - ông nói.
Kinh nghiệm các nước cho thấy để có thể tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì bản thân tổ chức xã hội phải thực sự là tổ chức đại diện của tầng lớp xã hội hoặc giới nghề nghiệp có liên quan. “Bản thân tổ chức xã hội phải bảo đảm sự minh bạch và trong sạch trong tổ chức và hoạt động. Về phần mình, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng cả trong giai đoạn xây dựng cũng như trong quá trình thực hiện chính sách, luật pháp” - ông Điện nói.
Tác giả bài viết: TÁ LÂM
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn