Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho các thành viên và nguyên thành viên Tổ công tác |
Góp phần hoàn thiện thể chế
|
Ngày 1/8/2016, trong phiên họp đầu tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ khóa mới ra mắt quốc dân đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu chỉ đạo mang tính định hướng cho cả nhiệm kỳ: “Ta đã “bắn chỉ thiên” quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải “bắn” có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Phải thành lập Tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu”.
Ngay sau đó, ngày 19/8/2016, Thủ tướng ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng. Tổ công tác hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong ba năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 1 cơ quan thuộc Chính phủ, 13 địa phương; 10 tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Trong 61 cuộc kiểm tra có 27 cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao và 34 cuộc kiểm tra chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế về chậm giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh (ĐKKD).
Tổ công tác đã hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trong công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Dẹp tư tưởng “cài cắm”, “tham nhũng chính sách”
Cũng từ hoạt động hiệu quả của Tổ công tác, đến nay tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật, pháp lệnh đã khắc phục cơ bản và có chuyển biến tích cực. Nếu năm 2017 có 51/60 văn bản quy định chi tiết được ban hành (đạt 85%) thì đến năm 2018 có 118/122 văn bản quy định chi tiết được ban hành, đạt 96,72% - tăng 11,72% so với năm 2017.
Tổ công tác cũng đã phát hiện nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật hiện hành và đã tham mưu, kiến nghị cho Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương và rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý nhà nước.
Đồng thời, Tổ công tác cũng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong chính sách và hoàn thiện thể chế, từ bỏ tư tưởng “cài cắm”, “tham nhũng chính sách”; rà soát, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, là giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp không phù hợp với quan điểm tư tưởng xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, kiến tạo, hướng tới người dân và doanh nghiệp.
Tổ công tác cũng kịp thời phát hiện “khoảng trống” của thể chế, chính sách, dễ tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực, những “lỗ hổng” pháp lý cần khẩn trương ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước. Như việc thay đổi chính sách thuế cho lượng vải dư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu trong định mức 3% tiết kiệm được của doanh nghiệp thuộc ngành Dệt may Việt Nam; kiến nghị, đề xuất phải xây dựng Nghị định xử lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tồn đọng kéo dài của doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản…
Từ các cuộc kiểm tra thực tế việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) tại các Trung tâm hành chính công đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các bộ, cơ quan, địa phương trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc ban hành và giải quyết TTHC ngày càng thống nhất, đơn giản, minh bạch và thuận lợi hơn. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã rà soát và trình Chính phủ phê duyệt phương án đơn giải hóa 1.066 TTHC, giấy tờ công dân không cần thiết.
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng phát biểu tại một cuộc kiểm tra |
“Bứt phá” để thực hiện phương châm công tác của Chính phủ
Để có được những kết quả trên, theo Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng, các thành viên trong Tổ công tác đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương khi phát hiện những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách. Khi có sự chậm chễ, trì trệ trong việc thực hiện nhiệm vụ giao, Tổ công tác đã khẩn trương báo cáo, tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý, giải quyết. Cùng với đó, Tổ công tác luôn làm việc quyết liệt, chủ động không né tránh, ngại va chạm cùng tinh thần cầu thị, khách quan, thận trọng nắm bắt, tiếp thu ý kiến của các cơ quan.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thời gian qua, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc kiểm tra của Tổ công tác mới chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, tiến độ giao phải báo cáo, giải trình mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra. Do đó, có tình trạng bộ, cơ quan thực hiện nhiệm vụ giao mang tính đối phó, nhất khi Tổ công tác chuẩn bị tiến hành kiểm tra.
Trước yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “Tổ công tác sẽ bứt phá thế nào để thực hiện phương châm công tác của Chính phủ ? ”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, trong năm 2019, các thành viên trong Tổ tiếp tục đề cao trách nhiệm cá nhân hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Tổ công tác cũng sẽ tham gia tích cực hơn và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình để tham mưu, đề xuất, kiến nghị được thiết thực, hiệu quả. “Xin hứa với Thủ tướng sẽ bứt phá hơn năm ngoái, nhất là kiểm tra đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ”, ông Dũng nói.
|
Nguồn tin: Theo PLVN:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn