Làm luật

Chủ nhật - 31/03/2019 03:08
Bạn từng nghe đến quy định, từ giờ trở đi, lợn không được ăn bèo, thỏ không được ăn cà rốt? Chuyện xảy ra liên quan đến Thông tư 02 ban hành ngày 11/2/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Làm luật

            Giáo sư Đặng Hùng Võ

Thông tư này ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn "được phép" lưu hành tại Việt Nam. Trong danh mục được phép rất dài này, không có các loại bèo mà chỉ gồm các loại củ có tên chung là "khoai".

Những người chăn nuôi ban đầu toát mồ hôi vì trước nay họ chỉ hay nghe tới "thức ăn bị cấm" chứ chưa nghe tới "thức ăn được phép". Thế rồi, một cán bộ của Cục Chăn nuôi giải thích trên báo rằng "không phải vậy, mà phải hiểu thông tư này chỉ hướng tới các doanh nghiệp chăn nuôi, còn hộ gia đình vẫn được cho vật nuôi ăn các thứ ngoài danh sách". Nông dân lúc đó mới ồ lên "may quá!". Nhưng vậy cũng đâu có ổn, nhỡ một cán bộ khác lại giải thích "cứ văn bản mà thực thi" thì nông dân lại toát mồ hôi.

Còn nhiều chuyện khác cũng dở khóc dở cười như vậy. Công luận gần đây bất bình vì hàng loạt hành vi trái đạo đức, mỗi người bị quy một tội khác nhau. Nhưng nhìn lại hệ thống pháp luật của ta, nếu mọi khái niệm được làm rõ sẽ không có tình trạng này.

Ví dụ, vụ thầy giáo sờ đùi, sờ mông nữ sinh lớp năm tại Bắc Giang, có người quy tội "dâm ô", có người gọi là "quấy rối tình dục", nhưng có người lại cho rằng đó là cách thể hiện bình thường của tình thầy trò.

Tôi tra trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì thấy, không có định nghĩa về cả hai hành vi "dâm ô" và "quấy rối tình dục". Bộ luật Dân sự 2015 không có cả hai khái niệm quan trọng này. Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng chỉ quy tội "dâm ô với người dưới 16 tuổi", nhưng lại không có định nghĩa thế nào hành vi "dâm ô".

Tôi truy tiếp nữa trong hệ thống pháp luật thì thấy: điều 4, 8, 37, 182 và 183 của Bộ luật Lao động 2012 có nội dung liên quan đến hành vi "quấy rối tình dục". Những điều này khẳng định về quyền của người lao động khi bị quấy rối tình dục và cấm người sử dụng lao động quấy rối tình dục. Thế nhưng rất tiếc, thắc mắc của tôi "thế nào là hành vi quấy rối tình dục" thì tìm mãi chẳng thấy. Luật Bình đẳng giới cũng không có chữ nào về các hành vi đặc trưng của giới đang đề cập.

Vậy là khó khi muốn quy tội "dâm ô", "dâm ô với trẻ em" và "quấy rối tình dục" mất rồi. Khái niệm pháp luật không có hoặc có mà bị mù mờ thì làm sao thực thi nổi.  

Luật sư Đặng Văn Cường và Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cương quyết quy hành vi của thầy giáo ở Bắc Giang vào tội "dâm ô". Chính quyền và cơ quan điều tra huyện Việt Yên lại cho rằng chưa đủ căn cứ để quy tội "dâm ô" trong khi thầy giáo tự kiểm điểm rằng "chỉ là chuyện thầy trò thường nhật". Đại diện nhiều tổ chức xã hội đề nghị phải đuổi thầy khỏi ngành vì vi phạm đạo đức. Tranh luận cứ thế diễn ra rồi lan sang các khái niệm mù mờ khác như "vùng kín" hay "vùng nhạy cảm"... Vấn đề là, có ghép tội nào cho thầy cũng chẳng có căn cứ pháp lý. Nguyên nhân chính là các nhà xây dựng pháp luật ở ta đã quên mất hoặc không chịu hiểu rằng: khái niệm pháp lý là cơ sở để thực thi pháp luật.

Vài ngày sau chuyện thầy giáo, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xử phạt 200 nghìn đồng với người đàn ông cưỡng ép, hôn cô gái trong thang máy. Nhiều người hỏi, ô thế ra một ai đó không cần giàu lắm, chỉ cần bỏ ra hai triệu đồng là có thể cưỡng ép 10 cô gái để hôn giữa ban ngày ban mặt. Thử tưởng tượng xã hội ta sẽ thế nào?

Căn cứ pháp lý để xử lý vụ này là  Nghị định 167/2013. Nó là Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Xử phạt hành vi này khó quy về "dâm ô" hay "quấy rối tình dục" vì có quy về thì cũng không có hình phạt nào để xử lý. Thế là đành phải xử lý theo tội danh "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác". Pháp luật ở ta, vì thế, vẫn chỉ ở bên lề cuộc sống.

Trong ngữ cảnh pháp lý này, người thực thi pháp luật có thể buộc tội theo tư duy chủ quan của mình. Sâu hơn, từ đây có thể lý giải được trong nhiều vụ án hình sự quan trọng, mặc dù không có tình tiết mới nhưng người buộc tội vẫn có thể dễ dàng thay đổi tội danh, mức án từ đó mà thay đổi theo.

Ở các nước phát triển, hành vi "quấy rối tình dục" được định nghĩa rất rõ ràng nhằm bảo vệ phụ nữ. Theo Liên minh châu Âu, hành vi "quấy rối tình dục" là: "một thái độ có liên quan đến giới tính thể hiện ở hình thức có từ ngữ, không từ ngữ hay bằng cơ thể có mục đích, hay có tác động làm tổn thương đến phẩm giá của một người, hay tạo nên một môi trường mang tính dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm hay bối rối".  Từ đó, họ có cả khung pháp lý chặt chẽ, khung đạo đức cụ thể để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng các hành vi này.

Tình trạng khái niệm mù mờ không chỉ xoay quanh vấn đề nam - nữ, ta hãy nhìn sang chuyện khác. Có thể lấy một ví dụ về vấn đề dễ tổn thương hơn: việc nhà nước thu hồi đất để giao cho các dự án đầu tư phát triển. Điều 62, Luật Đất đai 2013 quy định "nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn". Người dân rất muốn xác định rõ ràng phạm vi thực hiện của điều này bởi họ rất dễ bị lạm dụng.

Cũng trong luật này, điều 146 - đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn - định nghĩa "Đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị gồm đất chỉnh trang khu vực nội thành, nội thị hiện có; đất được quy hoạch để mở rộng đô thị hoặc phát triển đô thị mới". Người dân đang khát khao muốn biết thế nào là "chỉnh trang" và thế nào là "phát triển", thì luật giải thích rằng "chỉnh trang là chỉnh trang" và "phát triển là mở rộng và phát triển".

Năm 2011 đến 2013, Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Chương trình đánh giá các chỉ số quản trị đất đai ở Việt Nam cùng với nhiều nước khác. Có nhiều kết luận, nhưng đặc sắc nhất là kết quả so sánh chỉ số giữa các nước. Việt Nam đứng ở nhóm đầu thế giới về xây dựng pháp luật, nhưng lại đứng ở nhóm cuối về thực thi pháp luật.

Người thì nói "luật viết ở trên trời", người lại gán cho "luật viết trong phòng máy lạnh". Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân sâu xa là nhà lập pháp chưa đưa được cuộc sống vào luật, vì thế cũng khó đưa luật vào cuộc sống. Khi những khái niệm pháp lý không có, hoặc có song mù mờ thì văn bản luật yếu chất lượng, việc thực thi cũng thiếu minh bạch theo.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây