Vào thời điểm này các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Đây là công việc đặc biệt quan trọng và nhiều người hy vọng trong nhiệm kỳ tới sẽ không có tình trạng cá nhân được giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương nhưng sau đó lại bị phát hiện vi phạm pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 3/12, tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành xây dựng Đảng, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, một nhiệm vụ quan trọng của Ban Tổ chức Trung ương là xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, tập trung tham mưu quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 trình hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) sẽ diễn ra trong tháng 12.
Ông Phạm Minh Chính còn cho rằng: “Phải chống chạy chức, chạy quyền, phiền hà, sách nhiễu trong công tác cán bộ, đảm bảo chất lượng, thực hiện các công việc liên quan đúng quy trình, dân chủ, công khai, khách quan.
Quy trình chặt chẽ rồi nhưng phải làm sao tránh những sai sót như vừa rồi chúng ta vấp phải".
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (ảnh quochoi.vn). |
Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao chất lượng người được giới thiệu, đề cử thì cần thiết ràng buộc trách nhiệm người giới thiệu.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.
Theo ông Vân: “Thực ra việc tiến cử cán bộ vào các vị trí lãnh đạo của Đảng và nhà nước từ trước đến nay chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiến cử cũng như của tập thể tiến cử, đề cử.
Gần đây, quy định của Đảng đã có nhưng mà nhìn chung chưa chặt chẽ, chưa cụ thể.
Tức là vẫn chưa ràng buộc trách nhiệm đến cùng đối với người có thẩm quyền giới thiệu cho Đảng, cho nhà nước những nhân sự vào vị trí lãnh đạo quản lý”.
|
Ông Lê Thanh Vân cho rằng: “Qua thực tiễn cho thấy do thiếu trách nhiệm trong việc đề cử, tiến cử, cho nên lọt lưới không ít trường hợp, sau này phát hiện ra không ít trường hợp không đủ tiêu chuẩn, nhân sự đó chất lượng không cao, có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng trước đó có những hành vi vi phạm pháp luật ở mức tội phạm”.
Ông Vân đánh giá: “Điều đó chứng tỏ, người mà giới thiệu, hoặc tập thể giới thiệu hoặc là vô trách nhiệm, không gắn với trách nhiệm của mình trong việc đề cử nhân sự cho Đảng, cho nhà nước.
Khả năng thứ hai là biết nhưng cố đưa người vào để sau này bảo vệ lợi ích cho mình, trục lợi quyền lợi cho mình nên cố tình đưa vào, mượn bàn tay tập thể để hợp thức hóa.
Cho dù khả năng nào thì cũng liên quan đến trách nhiệm người tiến cử. Trường hợp thứ nhất là thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử nhân sự cho Đảng và nhà nước. Trường hợp thứ 2 là cố ý.
Do đó, cần phải quy định trách nhiệm để ràng buộc cái trách nhiệm của cả cá nhân và tập thể đối với nhân sự mà họ tiến cử để chịu trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân”.
Trước ý kiến cho rằng cần công khai người giới thiệu để giám sát thì vị Ủy viên thường trực, ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội này cho rằng: “Công khai người giới thiệu vì không có gì bí mật cả. Người giới thiệu hoàn toàn có thể công khai.
Tiến cử nhân tài thời xưa cha ông ta đã làm mãi. Các triều đại hưng thịnh thì việc tiến cử nhân tài trở thành một cái lễ nghi có tính chất rất trang trọng.
Trách nhiệm người tiến cử hiền tài cho quốc gia nó vinh quang lắm, được trọng thưởng khi giới thiệu người hiền tài và bị trừng phạt khi tiến cử sai người”.
|
Cũng theo ông Lê Thanh Vân: “Vấn đề hiện nay, tha hóa cán bộ ở các cấp kể cả cấp cao báo động về chất lượng nhân sự cho nên phải ràng buộc trách nhiệm của tập thể, cá nhân để làm sao họ buộc phải biết rất kỹ về nhân sự mới giới thiệu và việc giới thiệu nhân sự đó phải chịu trách nhiệm.
Đừng có cho rằng, giới thiệu xong thì buông xuôi kể cả khi nghỉ hưu cũng phải truy cứu đến cùng nếu như nhân sự đó không xứng đáng, vô tích sự khi làm việc.
Rồi đặc biệt nếu vi phạm pháp luật tùy theo mức độ nặng nhẹ mà truy cứu người giới thiệu”.
Vị này nhấn mạnh: “Vi phạm trong pháp luật về kinh tế thì bị bồi thường thiệt hại kinh tế nhưng giới thiệu nhân sự đó phá hoại trật tự quản lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và nhà nước, lấy gì để đền bù đây khi niềm tin mất mát rất lớn”.
Do đó, theo ông Lê Thanh Vân: “Không trừng trị sẽ cẩu thả trong việc giới thiệu nhân sự rồi cố ý đưa vây cánh, ruột rà, bán chức, bán tước rồi đặc biệt đưa cả đệ tử điếu đóm vào. Như vậy chỉ có phá hoại thôi”.
Cuối cùng ông Vân khẳng định: “Phá hoại này nguy hiểm hơn phá hoại kinh tế, bởi vì tham nhũng về kinh tế là tham nhũng vật chất mà vật chất có thể sau này làm bằng biện pháp có thể khôi phục được tổn hại về kinh tế.
Nhưng mất mát niềm tin, phá hoại uy tín của Đảng và nhà nước là mất mát vô cùng lớn không đong đếm được cho nên phải ràng buộc trách nhiệm”.
Nguồn tin: Theo Giaoduc.vn::
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn