Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) đã công bố Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ, thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Thay đổi cơ cấu sở hữu
Theo đó, BIDV dự kiến phát hành hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành (tương đương tỷ lệ 17,65% vốn điều lệ hiện tại). Thời điểm phát hành dự kiến năm 2018-2019.
Số cổ phiếu này sẽ không được chuyển nhượng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư lần đầu tiên trở thành cổ đông của BIDV.
Sau phát hành, BIDV dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 34.187 tỷ đồng lên hơn 40.220 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại BIDV sẽ giảm xuống còn 80,99% từ 95,28% hiện nay. Tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược là 15%. Còn lại 4,01% thuộc sở hữu của các nhà đầu tư khác.
Nghị quyết cũng nêu rõ, mục tiêu của việc chào bán cổ phần riêng lẻ lần này dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung toàn bộ vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông. Tiến độ sử dụng vốn điều lệ tăng thêm phù hợp với kế hoạch kinh doanh và tình hình thị trường, do Hội đồng quản trị xem xét và quyết định.
Hiện vẫn chưa xác định mức giá phát hành cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành thì giá phát hành sẽ không được thấp hơn giá định giá của tổ chức tư vấn định giá. Không được thấp hơn giá thị trường.
Nội dung Nghị Quyết BIDV
Điều này đồng nghĩa, giá bán sẽ không thấp hơn giá bình quân của BID đóng cửa trên sàn giao dịch theo số phiên xác định tại thời điểm nhà đầu tư chào mua (thường là giá bình quân 10 phiên trong vòng 6 tháng kể từ ngày có phương án chấp thuận bán cổ phần)
Nghị quyết tăng vốn này được thông qua sau một ngày BIDV tổ chức công bố quyết định nhân sự cấp cao của BIDV vào ngày 15.11. Theo đó, ông Phan Đức Tú trở thành Chủ tịch HĐQT BIDV sau 2 năm bỏ trống ghế nóng.
Nợ xấu và lợi nhuận cùng tăng
Báo cáo tài chính quý III.2018 của BIDV cho thấy, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm của BIDV đạt 32.865 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mảng hoạt động đều đạt kết quả tích cực.
Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt 25.616 tỷ đồng, tăng 11,31% so với cùng kỳ năm trước; Thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ đạt 2.541 tỷ đồng, tăng trưởng 18,74 %; Thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 797 tỷ đồng, tăng 55%; Thu từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt gần 682 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; Thu từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 221 tỷ đồng; Thu từ hoạt động khác đạt 2.866 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý III.2018 BIDV
Kết quả là lợi nhuận trước thuế tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.254 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý trong hoạt động của BIDV trong 9 tháng đầu năm lại chính là vấn đề nợ xấu. Tại thời điểm 30.9, tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng song lại ghi nhận mức tăng 21% so với đầu năm nếu tính về con số tuyệt đối, lên hơn 17.041 tỷ đồng (tức tăng thêm gần 3 nghìn tỷ). Nợ xấu của BIDV tăng lên trong bối cảnh nợ xấu của các ngân hàng cùng tăng.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn