Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 18/7 vừa qua, ông Trần Bắc Hà – cựu Chủ tịch BIDV tử vong sau 7 tháng bị khởi tố. Được biết, ông Hà chính thức dính vòng lao lý khi Bộ Công an khởi tố, bắt giam (cuối tháng 11/2018).
Dự án nghìn tỷ “đoản mệnh” liên quan đến ông Trần Bắc Hà
Trong đó, vụ án “nghìn tỷ” có liên quan tới ông Trần Bắc Hà phải kể đến đó là việc BIDV cấp tín dụng hàng nghìn tỷ đồng cho dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà. Đây cũng là một trong những dự án nổi bật được xác định có bàn tay “nhúng chàm” của bị can quá cố Trần Bắc Hà.
Theo đó, dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của công ty Bình Hà với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng, trên diện tích hơn 2.163ha thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh được triển khai từ năm 2005.
Dự án này được BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng, tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, đã xảy ra một số sai phạm liên quan tới việc sử dụng nguồn tiền 860 tỷ đồng của Công ty Bình Hà vay vốn dài hạn tại Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh. Sau đó, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã vào cuộc điều tra.
Từ dự án nuôi bò nghìn tỷ, công ty Bình Hà đang chuyển sang trồng chuối
Tại báo cáo số 157/BH ngày 19/9/2017, công ty Bình Hà cho biết đã đầu tư vào dự án này 2.000 tỷ đồng nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn và thua lỗ. Riêng năm 2016 công ty lỗ hơn 200 tỉ. Đến nay, chủ đầu tư dự án này không phát triển được như phương án kinh doanh, nhiều diện tích trồng cỏ, hay làm chuồng trại được thay thế bằng việc… trồng chuối.
Dự án này đã khiến nhiều cán bộ ngân hàng BIDV và công ty Bình Hà bị khởi tố, trong đó có cha con ông Trần Bắc Hà.
Hơn một tháng sau ngày bị bắt, ngày 8/1/2019, ông Trần Bắc Hà tiếp tục bị khởi tố bổ sung tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, theo khoản 4 điều 206 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Việc khởi tố thêm tội danh do có hành vi sai phạm này liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng, trong khi công ty này không đủ điều kiện cấp tín dụng, vay vốn, với các điều kiện ưu đãi sai quy định, đến nay gây thiệt hại cho BIDV hàng trăm tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý II/2019 của Gang thép Thái Nguyên
Trong báo cáo tài chính quý II/2019 của Gang thép Thái Nguyên, công ty này đang có hơn 252 tỷ đồng nợ khó đòi của Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng tín đến hết 30/6/2019. Điều này cũng phần nào cho thấy tình hình tài chính khó khăn của Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.
Ngoài hai thương vụ cấp tín dụng nghìn tỷ nêu trên, cá nhân ông Trần Bắc Hà liên quan mật thiết đến đại án Phạm Công Danh. Cụ thể, ông Trần Bắc Hà bị cơ quan có thẩm quyền xác định đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Ông Trần Bắc Hà vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự?
Liên quan câu hỏi việc Cựu chủ tịch BIDV tử vong ảnh hưởng thế nào đến vụ án đang trong giai đoạn điều tra, các luật sư đều cho rằng, việc một bị can bất ngờ qua đời trong giai đoạn điều tra, chắc chắn vụ án sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhất là việc mở rộng điều tra nhiều vụ liên quan khác.
“Thật ra cũng khó khăn. Nếu như cơ quan điều tra đã thực hiện đối chất trước khi ông Trần Bắc Hà mất thì bây giờ không cần đối chất lại. Nhưng nếu mà trong trường hợp có những vấn đề chưa làm sáng tỏ cần người đối chất thì sẽ gặp khó vì không còn người thực hiện đối chất”, một luật sư thuộc văn phòng luật sư Nam Hà Nội cho hay.
Ông Trần Bắc Hà sẽ không phải chịu trách nhiệm về mặt cá nhân và hình sự.
Ngoài ra, trong vụ án hình sự mà bị can chết phải đình chỉ điều tra với bị can đó. Tuy nhiên, tòa sẽ chỉ đình chỉ điều tra riêng đối với cá nhân ông Hà. Theo các luật sư, về bản chất, nếu ông Hà mất thì không phải chịu trách nhiệm về mặt cá nhân, mặt hình sự nhưng trong trường hợp ông Trần Bắc Hà còn tài sản thì vẫn phải giải quyết các nghĩa vụ dân sự như khi còn sống. Đối với các bị can khác vẫn phải chịu điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
“Nếu kết luận cuối cùng của tòa án xác định ông Trần Bắc Hà có tội, nhưng ông ấy chết nên không đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp quan điều tra chứng minh được tài sản của bị can trong vụ án thu lợi bất chính mà có thì tòa án có thể quyết định về phần dân sự, thu hồi những tài sản mà bị can làm sai, thu lợi bất chính trong vụ án”, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định.
Tất nhiên, nếu nghĩa vụ lớn hơn số tài sản ông Trần Bắc Hà đang có thì ông Hà chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản để lại.
Tài sản lớn nhà ông Trần Bắc Hà. (Ảnh Vietnamnet)
Tính đến tháng 6 năm 2018, tổng giá trị tài sản của gia đình Trần Bắc Hà tại Lào là gần 15,000 tỷ đồng. Tài sản đứng tên cá nhân hay doanh nghiệp ở thành phố Quy Nhơn liên quan đến gia đình ông Hà đã bị phong tỏa để phục vụ điều tra.
Cuối tháng 3/2019, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng, 34 tuổi, chủ tịch HĐQT Công ty CP An Phú, trụ sở tại TP Quy Nhơn, Bình Định, cũng bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn