Trò 'ảo thuật' góp vốn của nữ Giám đốc Dự án Đồi 79 Mùa xuân

Chủ nhật - 11/06/2017 21:55
(PL News) - Quá trình điều tra về vụ án Phan Thúy Mai (SN 1961), trú ở phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM - cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch An Phát, các cán bộ thuộc cơ quan tố tụng đã thực sự giật mình bởi cách thức thành lập doanh nghiệp cũng như kiểu làm dự án “giật gấu vá vai” của người phụ nữ này.
Trò 'ảo thuật' góp vốn của nữ Giám đốc Dự án Đồi 79 Mùa xuân

Viện KSND TP Hà Nội vừa có cáo trạng truy tố Phan Thúy Mai phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đây là vụ án từng gây chú ý của dư luận trong thời gian dài. Đặc biệt là những uẩn khúc, phức tạp trong nội tình hành vi tội phạm của cựu nữ Giám đốc này.

Cổng chào Dự án Đồi 79 Mùa xuân được xây dựng hoàng tráng.

Góp vốn hàng chục tỷ đồng bằng… tiền trên giấy
 
Dự án Đồi 79 Mùa xuân trên địa bàn xã Thanh Lâm và Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và nay thuộc Hà Nội), được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho phép đầu tư từ năm 2003. Khi đó, với tư cách là người đứng đầu Công ty TNHH Sản xuất thượng mại dịch vụ Toàn Thắng (trụ sở ở TP.HCM, gọi tắt là Công ty Toàn Thắng), Phan Thúy Mai đã xúc tiến việc xin phê duyệt dự án với tổng diện tích xấp xỉ 93ha.
 
Dù vậy, trong quá trình thực hiện các thủ tục, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy việc cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp ở tận TP.HCM sẽ không thuận tiện cho doanh nghiệp, đồng thời cũng gây khó khăn trong quản lý đối với các cơ quan Nhà nước. Chính vì lẽ đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu phía chủ đầu tư phải là một pháp nhân ngay tại địa phương. Do đó, tháng 4-2004, Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch An Phát (gọi tắt là Công ty An Phát) nhanh chóng được thành lập với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Thời điểm ấy, Công ty An Phát gồm 4 cổ đông sáng lập, trong đó Phan Thúy Mai (tư cách cá nhân) chiếm 60% vốn điều lệ, song phần lớn số tiền góp vốn chỉ là… trên giấy.
 
Sau hơn 1 tháng được thành lập, Công ty An Phát được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định thay thế chủ đầu tư khởi xướng là Công ty Toàn Thắng. Không những thế, Công ty Toàn Thắng còn không hề sở hữu một đồng vốn hay cổ phần nào ở Công ty An Phát. Đến nay, sau rất nhiều lần mua bán cổ phần cũng như thay đổi đăng ký kinh doanh thì bà Trương Kim Bích (SN 1962, trú ở TP.HCM) - người chiếm 33% vốn góp được phân công làm người đại diện theo pháp luật của Công ty An Phát. Còn Phan Thúy Mai đã bị xóa bỏ mọi chức danh tại doanh nghiệp do vi phạm hàng loạt quy định của Luật Doanh nghiệp và thậm chí sắp bị đưa ra xét xử.  
 
Đất trị giá hơn 30 tỷ đồng, “hóa giá” chưa đầy 1/3 
 
Theo tài liệu của CQĐT - CATP Hà Nội, thực hiện Dự án Đồi 79 Mùa xuân, năm 2007, Công ty An Phát được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định giao đất cho chủ đầu tư với tổng diện tích 973.839,8m2, trong đó có 162.897m2 dùng để xây biệt thự, nhà vườn. Kế đến, từ tháng 2 đến tháng 7-2008, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cấp cho Công ty An Phát 194 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”), tương ứng với diện tích đất nêu trên. Và trong số hàng “sổ đỏ” ấy có 2 nền đất biệt thự ký hiệu AM706835 (thửa đất BT10-08), diện tích hơn 5.000m2 cùng nền đất ký hiệu AM706837 (thửa đất BT10-10), với diện tích hơn 1.500m2, đều thuộc địa bàn xã Thanh Lâm.
 
Ngày 10-7-2008, cựu Giám đốc Công ty An Phát liền chiếm đoạt 2 nền đất biệt thự BT10-08 và BT10-10 làm tài sản riêng. Theo đó, bà Mai đã không thông qua các cổ đông cũng như HĐQT mà tự ý dùng tư cách giám đốc và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tạo dựng chứng từ khống, đồng thời tự ý ký 2 hợp đồng chuyển nhượng hàng nghìn m2 đất từ Công ty An Phát sang chính cá nhân Mai chỉ với giá hơn 9,8 tỷ đồng. Hành vi này trái với Điều lệ công ty cũng như Luật Doanh nghiệp.
 
Không chỉ tự ý áp giá chuyển nhượng đất, bà Mai còn không trả tiền cho doanh nghiệp. Thay vào đó, cựu Giám đốc Công ty An Phát đã phát hành khống 2 phiếu thu tiền mặt để che đậy việc làm dối trá. Về sau, CQĐT làm rõ 2 phiếu thu tiền khống ấy, thực chất chỉ là 350 triệu đồng với lý do bà Mai nộp vào quỹ công ty. Năm 2010, khi các cổ đông phát hiện ra hành vi sai phạm đó, bà Mai mới chịu nộp vào công ty 9,8 tỷ đồng.
 
Một tình tiết khó hiểu là mặc dù các nền đất BT10-08 và BT10-10 đều thuộc địa bàn xã Thanh Lâm, nhưng quá trình chuyển nhượng trái phép, bà Mai đã mang hợp đồng đến UBND xã Đại Thịnh xác nhận và đều được chính quyền địa phương này chứng thực. Chính vì thế mà hàng loạt cán bộ địa chính từ xã đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc liên quan đều bị kỷ luật.
 
Quá trình điều tra và định giá tài sản cho thấy, 2 nền đất biệt thự mà bà Mai chiếm đoạt của các cổ đông lên tới hơn 30,5 tỷ đồng. Đáng nói nữa là ngay sau khi hợp thức hóa chủ quyền cá nhân đối với 2 nền đất biệt thự của Công ty An Phát, bà Mai liên tục thế chấp vay hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng để phục vụ mục đích của bản thân. Với hành vi này, Phan Thúy Mai đã bị VKSND TP Hà Nội ra cáo trạng truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 140, Bộ luật Hình sự.

Phan Thúy Mai ngày chưa sa vào lao lý.

Vay vốn đóng góp để được làm Chủ tịch HĐQT
 
Công ty An Phát có 4 cổ đông sáng lập với 30 tỷ đồng vốn điều lệ. Phan Thúy Mai do cam kết vốn góp 60% (tương tương 18 tỷ đồng) nên được giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty An Phát.
 
Tháng 10-2004, các cổ đông đồng sở hữu doanh nghiệp lần lượt góp đủ số vốn như cam kết, với tổng cộng 12 tỷ đồng. Nhưng về phía Giám đốc Công ty An Phát thì vẫn chưa góp một đồng nào vào dự án. Khi các cổ đông lên tiếng, Mai liền bán ra bên ngoài 21% cổ phần trong số cổ phần cam kết góp vốn vào doanh nghiệp, thu được số tiền hơn 19 tỷ đồng và dùng chính số tiền đó để đóng cho phần vốn góp của mình.
 
Điều này đồng nghĩa bản thân người đứng đầu doanh nghiệp vẫn chưa góp vốn kinh doanh và việc bán hơn 20% cổ phần ra ngoài thực chất là  nợ của cổ đông. Cả hai việc làm này của bà Mai đều vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp. Sau đó, nhận thấy bà Mai không đàng hoàng trong việc triển khai Dự án Đồi 79 Mùa xuân nên cả 3 cổ đông sáng lập Công ty An Phát đều lần lượt thoái vốn.
 
Ngày 21-1-2005, Phan Thúy Mai ký hàng loạt phiếu chi với nội dung trả tiền góp vốn cho các cổ đông sáng lập với số tiền hơn 15,7 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Mai cũng tự ký phiếu chi hơn 4,6 tỷ đồng cho bản thân cũng với lý do rút vốn và ký thêm một phiếu chi 650 triệu đồng để trả cho một trong những người mua phải cổ phần “ảo” của đối tượng. Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp thì loại hình công ty cổ phần phải có ít nhất 3 cổ đông sáng lập. Thế nên mới có chuyện kể từ năm 2005 đến thời điểm hành vi phạm tội của Phan Thúy Mai bị điều tra, mặc dù các cổ đông sáng lập không còn vai trò gì ở Công ty An Phát nhưng bà Mai vẫn giữ nguyên tên của họ trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
 
Sau cổ đông, đối tác cũng… tháo chạy
 
Điều tra từng hành vi phạm tội của Phan Thúy Mai, CQĐT tiếp tục làm rõ sự liều lĩnh cũng như sự bí bách trong quá trình triển khai Dự án Đồi 79 Mùa xuân, ở huyện Mê Linh của người đàn bà mang danh Giám đốc. Theo đó, cuối năm 2004, do chưa góp được đồng vốn nào vào doanh nghiệp và lại bị các cổ đông sáng lập rút vốn nên Mai liền nảy ra “sáng kiến” kêu gọi doanh nghiệp khác liên kết đầu tư dự án. Ngày 23-12-2004, Phan Thúy Mai ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Long Việt (gọi tắt là Công ty Long Việt), với thỏa thuận mỗi bên góp 21 tỷ đồng cho Dự án Đồi 79 Mùa xuân. Ngay sau đó, Công ty Long Việt đã chuyển vào tài khoản của Công ty An Phát 23 tỷ đồng.
 
Có được số tiền lớn, Mai lập tức hạch toán cá nhân và đưa vào Công ty An Phát với danh nghĩa cổ đông lớn nhất góp vốn. Ngoài ra, phần tiền còn lại, Mai dùng chi trả cho các cổ đông sáng lập khi họ thoái vốn (như đã đề cập ở phần trên). Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Vì tháng 3-2005, Công ty Long Việt đột ngột rút vốn với lý do không thống nhất quan điểm điều hành.
 
Để có tiền hoàn trả cho Công ty Long Việt, Mai một lần nữa ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế An Thành (Công ty An Thành) và nhanh chóng nhận được gần 15,5 tỷ đồng, đồng thời còn buộc phải dùng tài sản của gia đình thế chấp vay ngân hàng gần 10 tỷ đồng trả nợ.
 
Dù vậy, cuộc xoay vần đồng vốn để triển khai Dự án Đồi 79 Mùa xuân của Giám đốc Công ty An Phát vẫn chưa dừng lại. Bởi không lâu sau, Công ty An Thành lại thoái vốn khỏi dự án. Hết cửa xoay xỏa tiền nong trả nợ, bà Mai liều lĩnh thực hiện hành vi chiếm đoạt 2 nền đất biệt thự BT10-8 và BT10-10 của Công ty An Phát…
 
Cũng trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật của cựu Giám đốc Công ty An Phát, trong đó có việc chiếm dụng hơn 20 tỷ đồng của doanh nghiệp và dùng hàng chục “sổ đỏ” của pháp nhân thế chấp vay tiền ngân hàng phục vụ mục đích cá nhân, dẫn đến bị ngân hàng phát mãi. Và hiện nay, Phan Thúy Mai không chỉ phải đối mặt với pháp luật ở phiên tòa sơ thẩm tới đây về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà còn đang tiếp tục bị điều tra ở một vụ án khác liên quan đến nhiều cán bộ ngân hàng.
 

 

Nguồn tin: An ninh thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây