Tỉnh, bộ ôm vốn ngàn tỷ, cố níu giữ lợi ích riêng

Thứ hai - 03/12/2018 02:58
Việc chuyển giao các DN về SCIC đang diễn ra rất chậm trễ, có tâm lý trì hoãn chuyển về SCIC. Việc bàn giao chậm chạp này có nguy cơ làm nguồn vốn nhà nước không được quản lý không tốt, nguồn lực vẫn phân tán và không được sử dụng hiệu quả.
Tỉnh, bộ ôm vốn ngàn tỷ, cố níu giữ lợi ích riêng

Chậm trễ bàn giao về SCIC

Trong danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để triển khai bán phần vốn nhà nước là 62 doanh nghiệp tại 6 bộ và 16 địa phương, với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).

Tuy nhiên, theo báo cáo của SCIC, lũy kế từ 17/8/2017 đến 30/11/2018, SCIC mới chỉ tiếp nhận được 29 DN (năm 2017 tiếp nhận 21 DN, năm 2018 tiếp nhận 8 DN), chưa bằng 50% so với con số cần chuyển giao. Có thể kể tên các doanh nghiệp chậm chuyển giao về SCIC như Tổng công Thép Việt Nam với giá trị 6.300 tỷ đồng, Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam,...

Tỉnh, bộ ôm vốn ngàn tỷ, cố níu giữ lợi ích riêng
Việc chuyển giao các DN về SCIC đang diễn ra rất chậm trễ.

Các DN chưa chuyển giao thuộc các bộ và UBND tỉnh quản lý gồm: Bộ Công Thương, Bộ VH-TT&DL, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải; các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh.

Còn nếu căn cứ theo Nghị định 147/2017/NĐ-CP, trong đó quy định rõ về đối tượng, trình tự và thời hạn chuyển giao, thì vẫn có hàng trăm doanh nghiệp chưa được chuyển giao về SCIC.

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngày 21/11 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, đối với các DN Chính phủ đã cho phép các Bộ/UBND tỉnh bán vốn nhưng quá trình triển khai gặp khó khăn vướng mắc, không đảm bảo đúng tiến độ thì các Bộ/UBND tỉnh chuyển giao cho SCIC để thực hiện bán. Các DN sau khi được bàn giao về SCIC sẽ được phân loại để quản lý; thực hiện tái cơ cấu, xử lý tồn tại, nâng cao quản trị, hiệu quả hoạt động và lựa chọn thời điểm thích hợp để triển khai bán vốn mang lại hiệu quả.

Sau chỉ đạo này, đã có một số chuyển biến tích cực được ghi nhận, như mới đây Bộ Công Thương thực hiện chuyển giao Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), Bộ NN-PTNT chuyển giao Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) về SCIC.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cần phải thúc đẩy tiến trình này quyết liệt hơn nữa vì mục tiêu chung cần hướng đến là quản lý vốn nhà nước theo các đầu mối chuyên nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, cho hay, cần thống nhất nhận thức về lợi ích của việc chuyển giao đối với tổng thể nền kinh tế, không phải vì quyền quản lý doanh nghiệp của Bộ, địa phương hay của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN hay SCIC. Các bên chuyển giao và nhận chuyển giao cần tích cực và nỗ lực trong việc chuyển giao doanh nghiệp, thực hiện đúng tiến độ chuyển giao doanh nghiệp theo kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Rõ ràng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về việc chuyển giao vốn nhà nước về các đầu mối quản lý tập trung, đó là vì tính hiệu quả của hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Làm tốt việc này là góp phần làm tốt chiến lược tổng thể mang lại hiệu quả chung cho toàn bộ khu vực DNNN, nâng cao hiệu quả vốn nhà nước.

Việc này hoàn toàn có thể làm được và làm được nhanh chóng. Việc chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc các bộ về Ủy ban quản lý vốn Nhà nướcvừa qua là minh chứng.

Tỉnh, bộ ôm vốn ngàn tỷ, cố níu giữ lợi ích riêng
19 tập đoàn, tổng công ty lớn đã về "siêu ủy ban".

Sau 45 ngày kể từ ngày Nghị định 131/2018/NĐ-CP về hoạt động của Ủy ban có hiệu lực từ 29/9/2018, thì tổng giá trị tài sản gần 2,3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng của 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn tất chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước một cách nhanh chóng.

Điều này cho thấy nếu kỷ luật tài chính được thực thi nghiêm túc, việc chuyển giao vốn nhà nước về đầu mối tập trung không quá khó khăn. Giới chuyên gia cho rằng, tư duy này cần được tiếp tục thực hiện trong việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC.

Có tâm lý muốn níu giữ lợi ích riêng cho mình

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Chuyển giao DN đã cổ phần hóa về SCIC là chuyển việc quản lý vốn nhà nước tại DN đang phân tán ở các bộ ngành về SCIC. SCIC có vai trò quan trọng trong việc quản lý phần vốn tại những DN đã cổ phần hóa có quy mô vừa phải; ngoài những tập đoàn, tổng công ty lớn đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước

“Chậm vì người ta không muốn nhả ra thôi. Phải quyết liệt, phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Đây là chủ trương lớn, làm không đúng thời gian quy định là đi ngược lại chủ trương, là không làm đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Cá nhân tôi cho rằng Thủ tướng phải kiên quyết xử lý, giải quyết”, ông Phùng Văn Hùng chia sẻ.

Theo ông Phùng Văn Hùng, chậm chuyển giao DN về SCIC là làm chậm lại nỗ lực thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa. Chậm bàn giao DN về SCIC thì thoái vốn nhà nước tại DN cũng chậm đi, sẽ tác động không tốt tới quản lý Nhà nước.

“Mục đích của thoái vốn nhà nước là thu hẹp phạm vi hoạt động của DNNN, khuyến khích phát triển, sự tham gia của các DN ngoài Nhà nước với mục đích cuối cùng là phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Chậm chuyển giao DN về SCIC sẽ làm chậm quá trình thoái vốn Nhà nước tại DN, dẫn đến việc khó phân bổ lại để sử dụng nguồn lực Nhà nước hiệu quả hơn. Vậy Thủ tướng phải rốt ráo hơn và quy trách nhiệm cho người đứng đầu để thúc đẩy việc chuyển giao này”, ông Phùng Văn Hùng đề nghị.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định: Việc chuyển giao DNNN về cho SCIC, về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN là để tách bạch chức năng quản lý nhà nước với DN và chức năng quản trị và đầu tư vốn.

Nói về những lý do dẫn đến DN chậm được chuyển giao về SCIC, ông Đặng Quyết Tiến chỉ rõ: Cơ quan quản lý không quyết tâm. Nhận thức của một số lãnh đạo DN cho rằng đang là DN thuộc bộ nên tự do không bị gò bó. Nếu chuyển về SCIC một số DN lo ngại bị gò bó, phần nữa họ e ngại SCIC sẽ tiến hành quản lý theo mô hình doanh nghiệp, công khai minh bạch theo cơ chế thị trường nên cũng không quyết tâm chuyển giao.

“Cũng có tình trạng DN muốn chuyển về SCIC nhưng cơ quan đại diện chủ sở hữu là bộ, là địa phương không muốn chuyển vì không muốn mất đi quyền, mất đi chân rết của mình, vẫn muốn níu giữ lợi ích riêng cho mình. Có thể thấy vẫn còn sự luyến tiếc về đơn vị mà mình đã quản lý dẫn đến một số cơ quan ngại bàn giao và lấy nhiều lý do khác nhau để trì hoãn. Khi không muốn chuyền giao, họ nêu  lý do khách quan là phải giữ lại DN để quản lý ngành”, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ.  

Nói về hệ quả của việc chậm chuyển giao DN về SCIC, ông Đặng Quyết Tiến cảnh báo: Khi bàn giao DN về SCIC chậm trễ, rõ ràng các DN đó, nguồn vốn đó có nguy cơ quản lý không tốt. Bởi vì các bộ quản lý ngành vừa đá bóng vừa thổi còi, không thể quản lý tốt được và chưa kể còn có thể có sự buông lỏng quản lý. Khi bàn giao về SCIC, SCIC sẽ sắp xếp lại theo đúng tiêu chí tiêu chuẩn của họ, sẽ có người giám sát và chịu trách nhiêm. Khi nguồn lực của DN phải thoái vốn nhà nước không thoái đúng theo tiến độ sẽ dẫn đến hệ quả nguồn lực không tập trung về Nhà nước đúng kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ giao.

“Cuối cùng nếu chậm bàn giao DN về SCIC để quản lý tập trung thì nguồn lực vẫn phân tán và không được sử dụng hiệu quả”, ông Tiến nhấn mạnh.

 

Tác giả bài viết: Hoài Nam 

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây