“Phù thủy” có biệt tài biến hoa tươi thành hoa bất tử

Thứ năm - 16/03/2017 19:47
(PL News) - Tôi không hề biết đến ông, không hẹn trước, chỉ tình cờ lạc vào vườn nhà ông để rồi bị thuyết phục hoàn toàn trước câu chuyện về hành trình đi tìm sự bất tử cho hoa của ông. Ông là Nguyễn Công Hóa ở làng hoa Vạn Thành (Đà Lạt, Lâm Đồng), nghệ nhân ướp hoa tươi thành công đầu tiên ở Việt Nam.
“Phù thủy” có biệt tài biến hoa tươi thành hoa bất tử

 

Cuộc thử nghiệm thất bại

Xuất thân từ vùng đất Bình Định, nên không khó hiểu khi ông là võ sư của môn phái Vovinam. Nhưng từ võ sư đến nghệ nhân hoa thì quả thực nghĩ mãi tôi cũng không tìm thấy mối liên hệ nào. Mặc cho tôi im lặng với vô vàn câu hỏi hoài nghi của mình, ông rót chén trà nóng mời tôi rồi lẳng lặng vào nhà mang ra vô số hộp hoa hồng với đủ loại màu sắc, đoạn ông mới trầm ngâm nói: “Để có được những sắc màu tinh tế và đa dạng này, tôi đã mất tới 7 năm rưỡi mày mò, tự nghiên cứu. Nếu không phải là người kiên trì, chắc chắn tôi không thể theo đuổi được ước mơ này”.

 “phu thuy” co biet tai bien hoa tuoi thanh hoa bat tu hinh anh 1

Ông Hóa hướng dẫn khách mua cách cắm và bảo quản hoa tươi ướp.   Ảnh: Tố Loan

Cuối năm 2011, ông Nguyễn Công Hóa còn có một đột phá khác khi nghiên cứu thành công kỹ thuật đột biến sắc tố hoa hồng, tác động làm biến đổi màu hoa ngay cả khi hoa đang trồng trong vườn với quy trình chỉ trong 4 ngày. Khách hàng chỉ cần vào vườn chọn những cành hoa ưng ý rồi cho biết màu ưa thích, 4 ngày sau ông sẽ cung cấp hoa đúng yêu cầu. Không chỉ vậy, ông Hóa cũng đã nghiên cứu ướp tươi thành công 1 bông hoa có 2, 3 màu sắc khác nhau và hiện đang nghiên cứu quy trình ướp tươi hoa nhưng không can thiệp màu mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên của hoa. 

 

Ông Hóa lên Đà Lạt năm 1977, lúc đó ông cũng bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề trồng hoa. Như bao nông dân khác, ông cũng trải qua vất vả, hứng chịu trọn vẹn mọi rủi ro của nghề này. “Những năm được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, không biết bao lần tôi cay đắng nhìn những nhành hoa mình nâng niu chăm bẵm bị trả giá rẻ mạt mà vẫn phải chấp nhận bán. Tôi thấy nông dân cực quá, thương mình, thương anh em cùng nghề mà không biết phải làm sao” – ông Hóa kể lại.

Năm 2000, một người bạn ở Pháp về thăm và kể cho ông nghe chuyện bên đó họ ướp hoa tươi lâu, bền màu, giá thành cao hơn hoa tươi rất nhiều. “Lúc đó, tôi không nghĩ đến chuyện làm giàu, chỉ mong mình cũng làm được điều đó để công sức của mình cũng như bao nông dân khác được đền đáp xứng đáng. Tôi ngỏ ý đề nghị bạn gửi về cho tôi 1 bông”. Sau 1 tháng, cầm bông hoa hồng tươi bạn gửi về, ông vừa thích thú, vừa tò mò. Ông mang bông hoa đi hỏi các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước nhưng không ai biết, ông lên mạng tìm hiểu cũng không tự trả lời được những thắc mắc của mình. Đánh liều, ông lên chợ Kim Biên (Sài Gòn) mua đủ loại hóa chất về thử nghiệm. Nhưng bao lần nhúng tay là bấy nhiêu lần bỏ đi. Cứ như thế, qua bao ngày tháng thất bại, tiền bạc và hoa cứ theo nhau xuống sông xuống bể, điều duy nhất ở lại với ông là lòng kiên trì, sự nhẫn nại.

Trời không phụ lòng người. Ông dần tìm hiểu được những hóa chất để dành ướp hoa, nhưng éo le là tất cả đều bán ở nước ngoài, ông lại nhờ bạn bè mua gửi về. Có hóa chất trong tay nhưng không có công thức pha chế, thứ “tiên dược” đắt đỏ ấy cuối cùng cũng cạn dần theo những lần thất bại. Khi ấy, nợ của ông đã lên tới con số kỷ lục lúc bấy giờ: 200 triệu đồng. Đến năm 2003, sau vô số lần pha chế và thử nghiệm, 1 bông hoa của ông tươi tắn tới 20 ngày. “Lúc đó, tôi mừng không kể xiết, nghĩ là thành công tới rồi. Tôi mang hoa khoe bạn bè, ai cũng gật gù, rồi họ lại đồng ý cho tôi vay thêm 50 triệu đồng” - ông kể.

Ông mang tất cả vốn liếng có được mua thuốc, pha chế, rồi ướp 3.000 bông hoa. Nhưng dường như thành công vẫn đang muốn chơi trò đuổi bắt với ông. Chưa đầy 1 tháng sau, 3.000 bông hoa của ông hỏng sạch.  

Thất bại nhiều lần đến mức ông không còn cảm giác buồn hay thất vọng nữa, chỉ biết tiếp tục đổ tiền mua thuốc, ngắt hoa, thử nghiệm… Nhưng đến cuối năm 2005, ông cho ra lò 200 bông hồng ướp, để được tới 8 tháng. “Đến lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm” – ông nhớ lại.

Ướp hoa nhưng vẫn giữ nguyên sắc màu

Cầm trên tay hộp hoa hồng nhỏ xinh được xuất sang thị trường Nhật Bản, tôi không thể giấu giếm sự “tính toán” của mình. Tôi hỏi: “Chú ơi, hộp quà nhỏ xíu này mà có giá trăm ngàn thì mắc quá”? Ông Hóa cười: “Cô biết để ướp được một lứa hoa cần bao nhiêu ngày không?”. Rồi ông tự trả lời: 18 ngày và 8 loại thuốc khác nhau. Tất cả các loại thuốc ướp đều phải nhập từ nước ngoài, chưa kể hoa hồng nguyên liệu. Hoa phải chọn đúng lúc hé nụ tầm xuân, đang độ đẹp nhất thì cắt bông, 100 bông mới chọn được 25-30 bông đủ tiêu chuẩn về độ đồng đều, chất lượng. Lựa hoa xong lại phải qua khâu tẩy sạch thuốc bảo vệ thực vật trên hoa, nếu không làm sạch hoặc chỉ sai sót trong tỷ lệ pha chế 1-2% thôi cũng đủ để bỏ đi cả lứa.

Đến lúc này, thay vì thích thú và tò mò, tôi chuyển sang khâm phục ông hoàn toàn, nhất là khi ông kể thêm câu chuyện về hành trình hoàn thiện công nghệ ướp hoa của mình. Đó là 1 năm sau khi có thành quả ban đầu, ông nhận ra phải qua các khâu tẩy, nhuộm, sấy nên cấu trúc và tế bào bị phá vỡ khiến hoa mau hư hơn vì khô cứng, dễ vỡ. Ông lại mày mò nghiên cứu và bỏ công đi học nghề nhuộm hết 6 tháng trời để biết công thức pha màu. Cuối cùng, ông tìm ra quy trình ướp tươi giúp hoa được mềm mại hơn. Lúc này ông mới tạm hài lòng.

Không chỉ hoa hồng, ông còn tìm ra quy trình ướp cho nhiều loại hoa khác như cẩm chướng, bibi, cẩm tú cầu, salem, cúc, đồng tiền… Hoa có thể được xử lý với hàng chục màu khác nhau. Sản phẩm hoa tươi ướp của ông Hóa đã có mặt trên khắp thị trường trong nước, xuất sang cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Dubai, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Singapore…

Bằng hoa tươi ướp, ông Hóa còn sáng tạo ra cả ngàn bức tranh hoa lớn nhỏ, giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 20 triệu đồng/bức. Dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2010, hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông Hóa cùng với 3 họa sĩ, nghệ nhân khác đã mất hơn 3 tháng trời để cho ra đời một bức tranh hoa tươi ướp lớn kỷ lục với kích thước 2,4 x 1,75m, gồm 1.000 đóa hồng tươi ướp, kinh phí làm bức tranh lên đến 100 triệu đồng.

Mọi người gọi ông là “phù thủy”, còn ông tự nhận mình là nông dân – một nhà nông chân chính yêu công việc, khát khao làm giàu và sống trọn vẹn với đam mê của mình. Câu nói mà ông ưa thích là: “Hãy làm những việc bình thường với lòng say mê công việc phi thường”. 

40 triệu đồng cho giải nhất Giải báo chí toàn quốc Tự hào NDVN

Ngày 13.3.2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2016-2017 và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức thực hiện. Theo Thể lệ đã được công bố, giải báo chí lần này có nhiều giải thưởng hấp dẫn với giải nhất lên đến 40 triệu đồng.

Nguồn tin: Báo Dân Việt:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây