Nhiều 'ông lớn' Việt rớt hạng top thương hiệu Châu Á

Thứ sáu - 23/06/2017 04:11
(PL News) - Các doanh nghiệp trong nước đã có những thành công nhất định khi đưa tên tuổi thương hiệu của mình vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và đặt dấu ấn ở tầm khu vực.
Nhiều 'ông lớn' Việt rớt hạng top thương hiệu Châu Á

Theo báo cáo thường niên Top 1000 thương hiệu hàng đầu châu Á năm 2017 vừa được tạp chí Campaign Asia-Pacific công bố, dựa trên nghiên cứu độc quyền từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy những công ty lớn toàn cầu vẫn tiếp tục  dẫn đầu danh sách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa đã có nhiều cải thiện về nhận thức thương hiệu của họ.

Cụ thể, Samsung tiếp tục là thương hiệu dẫn đầu Top 1000 thương hiệu hàng đầu châu Á. Đây là  năm thứ sáu liên tiếp Samsung giữ vị trí này. Về đích thứ hai là Apple, kế tiếp là Sony ở vị trí thứ ba, Nestle xếp thứ tư và Panasonic ở vị trí thứ 5.

Theo đánh giá của Nielsen dù thị trường vẫn còn khó khăn và bất ổn cho sự phát triển nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những thành công nhất định. Kết quả năm nay chỉ ra 11 thương hiệu Việt góp mặt trong danh sách Top 1000 Thương hiệu hàng đầu Châu Á gồm Vietjet Air vị trí 595, Viettel vị trí 596, Petrolimex 616, Vinamilk vị trí 621, Hảo Hảo vị trí 636…

Như vậy so với năm 2016 nhiều thương hiệu Việt đều tụt hạng. Ví dụ Vietjet Air năm ngoái xếp vị trí 490, Viettel vị trí 501, Petrolimex vị trí 512…

Nhiều 'ông lớn' Việt rớt hạng top thương hiệu Châu Á - 1

Đây là những thương hiệu được người tiêu dùng ở khu vực Châu Á nhắc đến khi được hỏi đâu là thương hiệu tốt nhất trong tâm trí của họ. Kết quả trên cho thấy các thương hiệu châu Á đang lớn mạnh dần lên và so kè cùng với các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple hoặc Nestle.

Các doanh nghiệp trong nước đã có những thành công nhất định khi đưa tên tuổi thương hiệu của mình vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và đặt dấu ấn ở tầm khu vực.

Tuy nhiên, nhận định về Top 1000 thương hiệu hàng đầu khu vực Châu Á năm 2017, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám Đốc công ty Nielsen Việt Nam cho biết hầu hết các thương hiệu nội địa đều rớt hạng so với kết quả năm 2016.

“Do đó, để giữ được động lực phát triển, các doanh nghiệp cần nỗ lực mạnh mẽ để nâng cao hình ảnh thương hiệu, giữ vững niềm tin với người tiêu dùng. Đồng thời tiếp tục mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất thì thương hiệu sẽ có sự cải thiện rất lớn, thậm chí sẽ bước xa hơn trong sân chơi khu vực để vươn đến tầm cao quốc tế”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Khảo sát Top 1000 thương hiệu hàng đầu châu Á là khảo sát lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong năm. Khảo sát này chỉ ra những thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá cao nhất trong khu vực.

Báo cáo kết hợp nhận thức thương hiệu của người tiêu dùng tại 13 thị trường chủ chốt trong khu vực châu Á và gồm 14 hạng mục thương hiệu lớn, từ ngành hàng thức uống có cồn đến các dịch vụ tài chính… và hơn 70 ngành hàng nhỏ khác.



 

Nguồn tin: Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây