Ngoài doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, đâu là điểm trừ của Lọc dầu Dung Quất?

Thứ năm - 08/06/2017 03:33
(PL News) - Lọc dầu Dung Quất đã được định giá lên đến hơn 72.879 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để BSR thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa…
Ngoài doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, đâu là điểm trừ của Lọc dầu Dung Quất?
 


Doanh thu, lợi nhuận liên tục sụt giảm, kế hoạch 2017 thụt lùi

Ngay trong năm 2017, thời điểm Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) dự kiến tiến hành cổ phần hoá, doanh thu được doanh nghiệp này đặt chỉ tiêu là 62.400 tỷ đồng, giảm gần 13.000 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2016.

Lợi nhuận trước thuế 1.682 tỷ đồng cũng là con số rất khiêm tốn so với năm 2015, giảm gần 3 lần.

Tương tự, nộp ngân sách năm 2017 cũng giảm mạnh còn 7.193 tỷ đồng, trong khi con số này năm 2016 vừa qua là hơn 12.410 tỷ đồng.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 28 triệu USD, năm 2017 BSR dự kiến không xuất khẩu. Bên cạnh đó, năm 2017, BSR dự kiến sẽ đầu tư thêm khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Báo cáo trước đó cũng chỉ ra, với kết quả đạt được trong năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của BSR cũng đã giảm mạnh so với các năm trước đó. Cụ thể, năm 2015 giảm hơn 25% so với năm 2014, còn hơn 96.000 tỷ đồng; và đến năm 2016 tiếp tục giảm gần 22% còn gần 75.200 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước đạt 5.007,2 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với thực hiện năm 2015. Đồng thời nộp ngân sách của BSR năm 2016 cũng chỉ còn đạt 12.410 tỷ đồng, giảm tới 42% so với năm trước đó.

Ngoài doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, đâu là điểm trừ của Lọc dầu Dung Quất? - Ảnh 1.

Doanh thu, lợi nhuận của BSR liên tục sụt giảm


Trong năm 2015-2016 vừa qua, BSR, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất tồn kho lớn do không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thậm chí “doạ” đóng cửa nếu không được giải cứu.

Một trong những nguyên nhân được phía Bình Sơn và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đưa ra là từ đầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức đối với Dung Quất vẫn là 20% và 5%. Không lâu sau đó, vướng mắc của Lọc dầu Dung Quất đã được giải quyết.

Hiện công nghệ của nhà máy cũng chỉ đảm bảo khả năng sản xuất các sản phẩm nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro 2 và Euro 3 và chỉ khi hoàn thành việc nâng cấp mở rộng mới đáp ứng được tiêu chuẩn Euro 4.

Trong khi, theo Quyết định 49 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tại Việt Nam, các xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải từ mức 4 từ ngày 1/1/2017 và mức 5 từ năm 2020.

“Hôn nhân” với đại gia ngoại bất thành, tiếp tục kế hoạch vay nợ

Không chỉ doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, “cuộc hôn nhân” từng được mong đợi giữa BSR và Gazprom Neft (Nga) cũng đi vào ngõ cụt khi đối tác không thoả mãn với các điều kiện đề xuất. BSR tiếp tục kế hoạch đàm phán với các đối tác trong đó có đối tác từ Nga cũng được đề cập đến và vay nước ngoài hàng tỷ USD.

Cụ thể, thời điểm tháng 6/2016, Gazprom Neft đã ngưng kế hoạch mua cổ phần lọc dầu Dung Quất và lý do được phía Gazprom đưa ra là do “hiện thời công ty không thoả mãn với các điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất”.

Chia sẻ với Sputnik, lãnh đạo Gazprom nói: “thoạt đầu, các điều kiện giả định lợi nhuận thích hợp với khoản đầu tư.

Bây giờ phía Việt Nam chưa sẵn sàng cung cấp cho dự án này những ưu đãi mà chúng tôi trông đợi, tương ứng với mức sinh lợi thấp hơn. Chúng tôi không thể đi tới đầu tư có chuẩn nội bộ sinh lợi thấp hơn, người ta không hiểu chúng tôi, cũng như các cổ đông của chúng tôi”.

Đến thời điểm tháng 9/2016, chia sẻ trên Bloomberg, đại diện Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, phía công ty tiếp tục đàm phán với các công ty Nga Gazprom Neft, Rosneft, công ty Kuwait Petroleum và công ty PTT của Thái Lan liên quan đến việc bán 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Cuối tháng 12/2016, một thông tin được ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐTV Lọc hoá dầu Bình Sơn chia sẻ trên Bloomberg, Bình Sơn muốn vay nước ngoài 1,2 tỷ USD để mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất trước khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2017.

Tuy nhiên, đến thời điểm này những thông tin tiếp sau đó về khoản vay tỷ USD vẫn chưa được tiết lộ thêm. Số vốn đầu tư dự kiến mở rộng nhà máy theo tính toán trước đó là khoảng 1,82 tỷ USD với tỷ lệ 70% đi vay, 30% vốn góp.

Thêm một điểm trừ khác đối với Lọc hoá dầu Dung Quất và điều này cũng được bản thân lãnh đạo BSR thừa nhận mới đây, việc giá dầu giảm cùng những bê bối trong ngành dầu khí thời gian vừa qua phần nào cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Nguồn tin: BizLIVE/ Soha.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây