Ông Quý cho biết Thanh tra chính phủ đã đến Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh làm việc, thu thập tài liệu để làm rõ nguồn gốc tài sản mà gia đình đang sở hữu, làm rõ quá trình chuyển đổi 13.000m2 đất rừng sang đất ở cũng như việc kê khai tài sản của cá nhân ông.
Vay 20 tỉ làm biệt phủ
* Báo chí đã phản ánh rất nhiều về khu biệt phủ được xây dựng rất hoành tráng. Cá nhân ông có tự tin nhận thấy mình sai, đúng ở đâu trong vụ việc này?
- Hiện tại cá nhân tôi cũng không muốn tranh luận đúng sai vì sau một tháng nữa cơ quan chức năng làm xong thì tất cả nội dung sẽ được công khai minh bạch. Muốn bảo không cũng không được, muốn bảo có cũng không được. Cái này cứ để họ làm cho khách quan.
Thực ra không thể nói sai tất cả và cũng không thể nói đúng tất cả. Cũng chẳng ai có thể bảo mình làm tốt lắm, tự đánh giá như vậy rất khó.
* Liên quan đến việc chuyển đối 13.000m2 đất rừng sang đất ở, có đến 6 quyết định được ký trong một ngày. Dư luận cho rằng việc ký như vậy là có vấn đề thưa ông?
- Xem thì cần phải xem cả quá trình từ giai đoạn nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ diễn ra như nào rồi mới ký các quyết định.
Các cơ quan chức năng họ làm thì không thể một ngày ký một quyết định mà có khi một ngày ký từ vài chục đến vài trăm quyết định, bìa đỏ.
Câu chuyện của tôi cũng như vậy, khi cơ quan chức năng thẩm định xong đến hạn thì mới ký.
* Dư luận thắc mắc bản thân ông chỉ là công chức nhà nước thì khó có thể sở hữu khối tài sản lớn như vậy?
- Để mua được khu đất ấy tôi cũng đã phải vay ngân hàng. Cái này thanh tra cũng rất dễ xác minh vì hồ sơ vẫn còn, tôi vay ngân hàng gần 20 tỉ.
Ngoài ra, tôi còn vay mượn của anh em bạn bè nữa. Cái này muốn khai láo cũng không khai được, tất cả sau thanh tra sẽ kết luận.
Đây còn là kết quả của cả một quá trình tôi lam lũ đi làm từ thời trẻ, nỗ lực vươn lên làm đủ thứ nghề rồi.
Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng.
Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, tôi chả thiếu nghề gì trên đời.
Năm thứ 3 đại học tôi tôi cùng chung với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở. Mọi người đừng nhìn ở hình ảnh ngày hôm nay mà nên tìm hiểu cả quá trình.
Dinh cơ của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái - ẢNH: Nam Trần |
“Nếu có sai phạm phải từ chức tôi cũng chấp nhận”
* Ông vay 20 tỉ chỉ để làm nhà ở thôi sao?
- Đó không phải chỉ là nhà mà còn là trang trại để nuôi cá, gà, lợn nữa. Ao cá năm nay mất giá chứ cuối năm ngoái bán nhiều vô kể. Khu đồi phía bên trên là đang cải tạo để làm vườn hoa công nghệ cao trồng địa lan.
Thực ra mua chỗ đấy không hề đắt, báo chí cứ nói đất vàng nhưng đâu phải vậy. Bây giờ cứ đi hỏi có những chỗ bán 50-70 triệu một ha.
Tôi mà không phải công chức nhà nước thì tôi cũng đầu tư rồi. Ngay giữa trung tâm thành phố có quả đồi bán 50 triệu một ha.
Tôi vay khoảng gần 20 tỉ. Bây giờ vẫn còn nợ nhiều, nợ cả anh em bạn bè vẫn chưa trả được bao nhiêu.
* UBND tỉnh chủ động đề xuất Thanh tra chính phủ vào cuộc làm rõ nguồn gốc tài sản của ông, bản thân ông có ngại ngần gì khi thanh tra chính phủ vào cuộc?
- Thật ra mà nói đấy là tầm vĩ mô tôi không muốn tham gia. Nhưng dưới góc độ cá nhân, khi có kết luận nếu mình sai thì mình chịu chứ không có vấn đề gì.
Còn sai trong phạm vi nào, nếu sai mà cho sửa sai thì mình tiếp thu còn nếu vượt giới hạn thì mình cũng phải chấp nhận việc làm sai.
* Ông có thể chịu trách nhiệm với hình thức nào nếu có sai phạm?
- Trong quá trình có thể thiếu sót, mức nặng nhất có thể là cách chức. Tôi là người trong nghề (Tài nguyên Môi trường – P.V), nếu mà sự việc không đúng, nếu sai phạm đến mức phải từ chức tôi cũng chấp nhận.
Thật ra con người mình cũng thích tự do, tự tại, chẳng qua đã theo nghiệp mấy chục năm cống hiến nếu phải ra đi thì cũng còn nhiều điều phải nghĩ.
|
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn