Đội xe 'lao dốc không phanh' của 'bông hồng vàng' Thuận Thảo

Thứ ba - 14/03/2017 03:36
(PL News) - Khởi nghiệp từ doanh nghiệp tư nhân với hoạt động chính là vận tải và thương mại, luôn tự hào sở hữu đội xe khách chất lượng cao tỉnh Phú Yên với hàng loạt công trình biểu tượng tỉnh nhà, Thuận Thảo đang trên con đường lao dốc không phanh.
Đội xe 'lao dốc không phanh' của 'bông hồng vàng' Thuận Thảo

CTCP Thuận Thảo được thành lập và phát triển từ những năm 1990 với đội xe khách chất lượng cao tỉnh Phú Yên sau đó mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe – khách sạn năm sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên hiện nay, nhà hát Sao Mai…

Từ năm 2006 - 2011, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc CTCP Thuận Thảo là bà Võ Thị Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng Vàng. Đây là giải thưởng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhằm ghi nhận, tôn vinh phụ nữ Việt Nam nói chung, doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng đã có những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, sau nhiều năm trên cương vị lãnh đạo cấp cao của CTCP Thuận Thảo, “bông hồng vàng” Võ Thị Thanh đã đưa doanh nghiệp này đến bước đường khó khăn, giải thể hàng loạt văn phòng đại diện tại các tỉnh thành, bán tài sản để trả nợ ngân hàng.

Nợ gần 120 tỷ tiền thuế

Mới đây nhất, ngày 27/02/2017, Cục thuế tỉnh Phú Yên – cơ quan quản lý thuế của CTCP Thuận Thảo đã có quyết định số 457/QĐ-CT về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp này.  

Lý do được chi cục thuế Phú Yên đưa ra do CTCP Thuận Thảo nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 1/3/2017 – ngày 28/2/2018. Cục thuế Phú Yên cũng ban hành thông báo về danh sách hóa đơn giá trị gia tăng, tem vé thuộc loại hóa đơn GTGT (dùng trong hoạt động vận chuyển hành khách của Thuận Thảo) không còn giá trị sử dụng.

Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Yên – ông Công Văn Lãnh cho biết, tính đến cuối năm 2016, Công ty Cổ phần Thuận Thảo nợ thuế 119 tỉ đồng, trong đó hơn 116 tỉ đồng nợ trên 90 ngày, nhưng doanh nghiệp không trả.

Trong thời gian này, doanh nghiệp trả hết nợ thuế thì Cục Thuế Phú Yên sẽ thông báo cho phép sử dụng lại hóa đơn, nếu không sẽ chuyển biện pháp xử lý cao hơn.

Dù không còn được phát hành hóa đơn nữa, nhưng từ khi quyết định cưỡng chế của Cục thuế Phú Yên có hiệu lực, CTCP Thuận Thảo vẫn tiếp tục kinh doanh.

Mỗi hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ của Thuận Thảo từ đầu tháng 3/2017 tới nay đều phải có đơn đề nghị cấp hóa đơn lẻ, thông báo cho phép của Cục thuế Phú Yên đồng thời Thuận Thảo phải cam kết nộp ngay tiền thuế bằng 18% tổng doanh thu trên hóa đơn.

Đem biểu tượng tỉnh Phú Yên cầm cố ở ngân hàng

Theo báo cáo tài chính do CTCP Thuận Thảo công bố mới đây, đến hết năm 2016, Thuận Thảo đang phải gánh khoản lỗ lũy kế 870 tỷ đồng – lỗ gấp đôi vốn điều lệ của cổ đông góp vốn.

Doanh thu trong năm đạt 96 tỷ đồng – giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước do công ty phải thắt chặt các hoạt động không hiệu quả trong năm, đặc biệt đội xe chất lượng cao của Thuận Thảo cũng đã phải bán cho đối tác.

Khoản thu từ hoạt động kinh doanh không đủ bù đắp chi phí phát sinh trong năm như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Chưa kể, Thuận Thảo đã phải trích lập dự phòng hơn 136 tỷ đồng cho các khoản nợ quá hạn phải thu.

Trong bản giải trình gửi đến Ủy ban chứng khoán nhà nước, đại diện công ty là bà Võ Thị Thanh đã nhận định được đầy đủ những khó khăn của công ty như tài sản nhiều năm xuống cấp, trong khi không còn tiền để đầu tư nâng cấp.

Bên cạnh đó, khách sạn 5 sao Cendeluxe từng được coi là biểu tượng của tỉnh Phú Yên lại được đầu tư quá tầm so với địa phương, việc đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp là cũng là những nguyên nhân khiến Thuận Thảo gặp khó khăn như ngày hôm nay.

Khách sạn 5 sao duy nhất tỉnh Phú Yên được Thuận Thảo cầm cố tại ngân hàng BIDV Phú Tài

Khu vui chơi Thuận Thảo Land cũng trong danh sách thanh lý để trả nợ cho ngân hàng

Tính đến cuối năm 2016, Thuận Thảo đang mang ngắn và dài hạn tổng cộng 745 tỷ đồng các ngân hàng như BIDV Phú Tài, VietinBank Phú Yên… và các cá nhân chủ yếu là người nhà của Chủ tịch HĐQT Võ Thị Thanh.

Trước tình hình công ty còn hàng trăm tỷ đồng tiền nợ thuế nhà nước, người lao động và đối tác dẫn đến không cân đối được nguồn tài chính trả nợ ngân hàng. Cả BIDV Phú Tài và Vietinbank Phú Yên đều nhiều lần yêu cầu công ty thanh toán các khoản tiền vay, lãi vay, yêu cầu Thuận Thảo có phương án đề nghị bàn giao tài sản cho ngân hàng.

Tháng 10/2016, Thuận Thảo đã quyết định chuyển nhượng, mua bán các tài sản đã thế chấp tại ngân hàng để trả nợ. Cụ thể, với dư nợ vay 624 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài, Thuận Thảo đã phải dùng khách sạn 5 sao 17 tầng kể trên làm tài sản bảo đảm, bên cạnh đó còn 5 lô đất thuộc sở hữu công ty và hàng loạt dự án khác cũng sẽ thuộc diện rao bán để lấy tiền trả nợ.

Tại Vietinbank Phú Yên, các tài sản được chủ tịch Võ Thị Thanh đem đi cầm cố bao gồm Công trình bến xe chất lượng cao Thuận Thảo, khu du lịch Thuận Thảo land, trung tâm hội nghị và du lịch Thuận Thảo…

Cũng trong thời gian đó, Thuận Thảo cũng quyết định giải thể chi nhánh TP Hồ Chí Minh và chi nhánh Quy Nhơn chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải vì từ đầu quý 2/2016, mảng vận tải hành khách, taxi, vận tải hàng hóa cũng đã được xóa sổ khỏi doanh nghiệp này.

Hệ quả của “gia đình trị”

Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc Thuận Thảo đều là người một nhà

Thực tế, tình hình kinh doanh xuống dốc của CTCP Thuận Thảo dưới sự quản lý của bà Võ Thị Thanh không gây bất ngờ đối với nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp này, với các chủ nợ hay đối tác liên quan.

Thuận Thảo đi lên từ mô hình một hộ kinh doanh, được chính thức thành lập với 6 cổ đông sáng lập đều là người nhà gồm chồng, con trai, con gái và con dâu, con rể của bà Võ Thị Thanh. Hiện nay, dù quản lý khối tài sản có thời điểm hơn 1.000 tỷ đồng nhưng các vị trí cấp cao gồm hội đồng quản trị, ban lãnh đạo đều là người nhà của vị chủ tịch, thậm chí chức danh cố vấn ban tổng giám đốc – người được coi là quân sư cho doanh nghiệp cũng được giao cho chồng bà Thanh là ông Võ Văn Thuận. Đáng chú ý, theo một tài liệu về ông Võ Văn Thuận khi được đề cử tham gia vào ban lãnh đạo Thuận Thảo, ông Thuận mới chỉ đạt trình độ trung cấp kế toán cùng hàng loạt nhân vật khác.

Mặc dù là công ty đại chúng, được niêm yết trên sàn chứng khoán với sự tham gia góp vốn của hàng nghìn nhà đầu tư khác nhưng dòng vốn của Thuận Thảo vẫn bị “nhập nhằng” với tài sản của bà chủ tịch. Trong vòng 4 năm trở lại đây, doanh nghiệp này liên tục rơi vào tình trạng phải vay tiền túi từ bà Võ Thị Thanh và công ty khác do bà Thanh làm chủ tịch là CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn để có vốn kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn tạm thời.

Hiện tại chưa thể kết luận gì về tương lai của CTCP Thuận Thảo nhưng với mô hình quản trị kiểu gia đình cùng những quyết định phụ thuộc phần lớn vào những quyết sách “một tay che trời”, chắc chắn việc vực dậy doanh nghiệp này trở lại thời kỳ đỉnh cao là không thể. Chưa kể, khoản lỗ 870 tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế và các nhà băng vẫn sẽ là những trọng trách nặng nề mà “bông hồng vàng” Võ Thị Thanh cần giải quyết trong thời gian ngắn tới đây.

TIN LIÊN QUAN

Tác giả bài viết: Hoa Liên

Nguồn tin: antt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây