ĐBQH Dương Trung Quốc chất vấn Chính phủ: “Thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ?“

Thứ hai - 03/07/2017 19:22
(Phapluat News) - ĐBQH Dương Trung Quốc đặt vấn đề: Càng thử nghiệm lâu hoạt động của Uber và Grab thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn và khi đó trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông và Chính phủ sẽ ngày càng nặng nề, thậm chí lâm vào bế tắc”.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng việc quản lý Uber và Grab đang làm nảy sinh xung đột
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng việc quản lý Uber và Grab đang làm nảy sinh xung đột

 

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng việc quản lý Uber và Grab đang làm nảy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.

Bên cạnh những ý kiến lo ngại về hoạt động của xe Grab, Uber, ĐBQH Dương Trung Quốc vừa gửi đến Chính phủ nội dung chất vấn về việc thử nghiệm hoạt động của Grab, Uber tại Việt Nam.

Theo nội dung chất vấn, ĐBQH Dương Trung Quốc nêu rõ: "Tôi xin đặt câu hỏi về chủ trương của Chính phủ cho phép thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab, Uber. Tôi không đề cập tới phương thức kinh doanh hay những xung đột lợi ích với các hãng xe taxi truyền thống. Tôi chỉ bàn về chủ trương cho phép thử nghiệm của chính phủ dưới góc độ quản lý nhà nước".

Ông cũng đặt vấn đề rằng, chủ trương cho phép Grab, Uber thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở nước ta đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông.

Với Grab, Uber được hoạt động thử nghiệm thì số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách cả dưới dạng taxi truyền thống hay xe hợp đồng vận chuyển sẽ tăng lên gấp bội (con số Grab, Uber khó kiểm soát vì nó “tàng hình” khó biết con số cụ thể nhưng chắc  chắn sẽ nhiều hơn cả xe taxi truyền thống đang hoạt động). Từ đó nảy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.

Nhưng điều đáng lo hơn là thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: Chấp nhận hay không chấp nhận cho hoạt động chính thức thì cả hai đều đi đến những hệ lụy tiêu cực. Cụ thể, nếu chấp nhận, thì đương nhiên số lượng xe tham gia vận chuyển khách chính thức sẽ tăng vọt. Nếu không chấp nhận thì chủ hãng ở nước ngoài kết thúc cuộc làm ăn ở Việt Nam với những món lợi kếch xù đã bỏ túi, để lại hàng vạn người lao động có xe mà không có quyền hoạt động.


Cuộc chiến Uber, Grab và taxi truyền thống. Ảnh minh hoạ: Internet
 

"Lý thuyết quảng cáo xe tham gia Grab, Uber là xe nhàn rỗi nhưng thực tế có biết bao nhiêu người sắm xe hy vọng hành nghề thì nay lỡ dở họ sẽ dồn trách nhiệm cho nhà nước. Do vậy, càng thử nghiệm lâu thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn và khi đó trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông và Chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực giao thông quan trọng này ngày càng bế tắc. Tóm lại, vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là: Chính phủ cho phép thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ, còn hệ lụy thì ai cũng có thể nhìn thấy trước?", ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Trước đó, ông Dương Trung Quốc từng có ý kiến gay gắt về việc này. Ông Quốc phân tích: Nguy cơ ở đây đang xảy ra là gì? Là thị trường nằm trong tay người khác và người đó luôn trong tình trạng ẩn danh. Vậy quản lý nhà nước còn đóng vai trò gì ở đây? Thực tế, số lượng xe Grab, Uber tại Hà Nội và TPHCM đang vượt cả lượng taxi truyền thống chỉ sau gần 2 năm Bộ GTVT cho thí điểm.

“Tuy gia tăng ngoài quy hoạch, ngoài sự kiểm soát nhưng họ lại đang nắm giữ vai trò gần như thống lĩnh thị trường vận tải taxi”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Về doanh thu, ông Quốc phân tích, hiện nay đại diện xe Grab, Uber chỉ đóng thuế trên 20% tổng thu nhập được trích từ doanh thu của lái xe, sau khoản đóng thuế này doanh nghiệp chuyển toàn bộ tiền ra nước ngoài. Nhưng họ mang đi bao nhiêu và 80% thu nhập còn lại của lái xe được hưởng là bao nhiêu, hiện cũng đang là ẩn số với cơ quan chức năng.

Dựa trên những căn cứ trên, ông Dương Trung Quốc dự đoán: “Nếu cơ quan quản lý không chấn chỉnh kịp thời, thì sau khi tạo ra được hiệu ứng xã hội, sẽ có hai nguy cơ xảy ra. Thứ nhất, họ sẽ giết chết taxi truyền thống, để độc quyền và quyết định mọi thứ. Thứ hai, họ có thể buông, để lại hậu quả tiêu cực về mặt xã hội.

Trước đó, phản hồi công văn kiến nghị gửi Thủ tướng của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), rằng Uber và Grab đã và đang tuỳ tiện sử dụng mọi chiêu thức “siêu giảm giá”, “siêu rẻ”, “trợ giá” cho lái xe, chủ xe, người giới thiệu, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh đang nhằm mục đích chủ yếu là chiếm lĩnh, xâm chiếm thị trường, đánh sập các doanh nghiệp taxi trong nước, ông Đặng Việt Dũng – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Uber Việt Nam khẳng định Uber không phải công ty taxi hay doanh nghiệp vận tải, Uber nhấn mạnh mình một công ty công nghệ cung cấp ứng dụng trên nền di động, nhằm kết nối giữa hành khách có nhu cầu di chuyển và các lái xe có thể chở khách và khẳng định chính các hãng taxi truyền thống có cơ hội thâm nhập thị trường tốt hơn.

Cùng với Uber, đại diện Grabtaxi Việt Nam, bà Nguyễn Thu An -- Giám đốc Truyền thông cũng đã có phản hồi về kiến nghị của Vinasun tố cáo Grab, Uber đang kinh doanh thủ đoạn, trái luật. "Việc giá cước thấp, giảm giá thành di chuyển nhờ việc tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất quản lý và kinh doanh là một trong những mục tiêu cơ bản của Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)", bà Thu An khẳng định.

Bà Thu An cũng cho rằng Grab Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. 

Nguồn tin: VietTimes

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây