‘Cứu 12 dự án thoi thóp, không dùng tiền ngân sách thì dùng tiền nào?’

Thứ sáu - 11/01/2019 22:30
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng nếu muốn cứu dự án thua lỗ thì phải “cho uống thuốc, cho ăn cháo” chứ nói để doanh nghiệp tự làm, không dùng tiền ngân sách thì sẽ rất khó khăn.
‘Cứu 12 dự án thoi thóp, không dùng tiền ngân sách thì dùng tiền nào?’

 

Chia sẻ được ông Hải đưa ra tại buổi hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) vừa diễn ra vào sáng 11/1.

do thang hai
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngành thép sáng 11/1. (Ảnh: Vietnambiz)

Theo ông Hải, năm 2018 được đánh giá là năm khó khăn, nhiều biến động về cung cầu, song ngành thép đã tạo được 13.000 việc làm, doanh thu hợp nhất 24.500 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 575 tỷ đồng.

Tuy nhiên, về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án ngành thép, Thứ trưởng cho biết mặc dù đã có nhiều cuộc họp từ phía Bộ Công thương và Chính phủ nhưng do nguyên tắc không dùng tiền Nhà nước để cứu các dự án thua lỗ nên rất khó xử lý.

“12 dự án thoi thóp thì phải cho thuốc, có sức khỏe để gượng dậy, nhưng giờ không dùng tiền ngân sách thì dùng tiền nào? Nếu muốn cứu thì phải cho uống thuốc, cho ăn, chứ cứ nói tự làm đi thì tự làm kiểu gì?”, Thứ trưởng Hải cho hay.

Dẫn chứng dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông cho biết việc không hỗ trợ kịp thời dẫn đến thiết bị nhập về, xây dựng xong để đó trong khi mỗi ngày vẫn phải trả lãi lên tới 1,5 tỷ đồng/ngày. Sự việc kéo dài nhiều tháng khiến nhà đầu tư mất hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên (TISCO), cũng cho rằng việc Chính phủ không rót tiền vào dự án đã khiến doanh nghiệp rất vất vả do vừa phải duy trì hoạt động sản xuất để vay tín dụng, chờ cơ hội mở rộng; vừa rất khó để thoái vốn vì đã chi hàng nghìn tỷ vào dự án.

“Tình hình công ty hiện rất khó khăn, toàn bộ hệ thống tín dụng đã ngừng cho TISCO vay thêm, không có tiền để mua nguyên liệu thép, nếu không có vốn mà dừng thì sẽ phá sản”, ông Diệp nói.

Do đó, để giải quyết khó khăn, đại diện Gang thép Thái Nguyên đề xuất xin hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện chủ nợ lớn nhất của Gang Thép Thái Nguyên là Ngân hàng VietinBank với tổng các khoản cho vay ngắn, dài hạn lên đến hơn 2.500 tỷ đồng.

Bên cạnh các đề xuất về hỗ trợ vốn, ngành thép còn kiến nghị Chính phủ có chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn thép nhập khẩu giá rẻ ồ ạt từ Trung Quốc đang gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất trong nước.

Trong năm 2019, Tổng Công ty Thép Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng và tiêu thụ thép cán dẹt đạt 335.000 tấn, thép cán dài là 3,1 triệu tấn. Đối với phôi thép, VNSteel đặt mục tiêu sản lượng đạt gần 2,6 triệu tấn, phôi thép bán ngoài đạt 738.000 tấn.

Tác giả bài viết: Tường Văn

Nguồn tin: trithucvn.net:::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây