Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Làm phim cho xã và mời diễn viên... Hollywood

Thứ ba - 19/09/2017 22:06
(Phapluat News) - Chiều 19.9, lãnh đạo Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO) và các nghệ sĩ của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện VN đã có cuộc đối thoại kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng kế hoạch phát triển là 'bí mật kinh doanh'.
Nhiều nghệ sĩ thuộc các thế hệ của hãng phim đã có mặt tại buổi đối thoại: đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Nhuệ Giang, Nguyễn Đức Việt, Quốc Tuấn, Nguyễn Xuân Thành, Lê Hồng Sơn, Đinh Tuấn Vũ…

Theo thông báo của đại diện VIVASO, buổi làm việc bắt đầu từ 13 giờ 30, nhưng ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện VN, cho biết những câu hỏi hay kiến nghị của các nghệ sĩ phải chờ ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIVASO (đơn vị chiếm cổ phần kiểm soát - NV), đến giải đáp. Khoảng gần 1 tiếng sau đó, ông Nguyên mới xuất hiện.
Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Làm phim cho xã và mời diễn viên... Hollywood - ảnh 1
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân “đối chất” với lãnh đạo công ty cổ phần mới

Làm sao để có sản phẩm ?
Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành và nhiều nghệ sĩ bức xúc đặt vấn đề về việc sau khi hãng phim được cổ phần, có người được nhận lương, người thì không, tiền lương cũng thấp hơn so với thời gian trước cổ phần. Bên cạnh đó, có thông tin cho rằng chỉ người đến hãng làm việc mới được nhận lương, trong khi với nghệ sĩ điện ảnh công việc không thể xem xét như với nhân viên hành chính.
Trước những thắc mắc này, ông Nguyên cho hay: “Hãng phim năm 2015 lỗ hơn 7 tỉ đồng, năm 2016 lỗ 15 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 4,7 tỉ đồng. Ban lãnh đạo khẳng định sẽ trả lương, nhưng phải tính trả lương thế nào, cơ chế làm sao. Các đồng chí bức xúc là đúng vì các đồng chí sống ở thời bao cấp. Có người
2 năm hoặc 3 năm không đến cơ quan, hoặc đến cơ quan cũng chưa làm bất cứ cái gì nhưng vẫn được trả lương, trả tiền bảo hiểm đều, chưa kể phải bố trí cho các đồng chí làm việc. Nguyên tắc trả lương là có làm có hưởng, không làm không hưởng. Tôi không yêu cầu 8 giờ đến, 5 giờ về, nhưng phải có sản phẩm”.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ đặt vấn đề công ty sẽ tính sản phẩm như thế nào, hay làm thế nào để đánh giá nghệ sĩ có làm việc hay không? Ngoài ra, đạo diễn Quốc Tuấn thắc mắc chỉ tiêu đề ra mỗi năm chỉ sản xuất 1 phim truyện và 1 phim video, phòng đạo diễn có 8 người, sẽ có tình trạng người làm người không, vậy khi đó công ty sẽ đánh giá ra sao về “sản phẩm” của đạo diễn. Ông Nguyên cho hay không thể đạo diễn nào cũng làm phim “trung ương” được, nên có đạo diễn bao năm chưa làm phim thì phải chịu làm phó đạo diễn, trợ lý đạo diễn, hay người ta thuê gì làm đó.
Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Làm phim cho xã và mời diễn viên... Hollywood - ảnh 2
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT VIVASOẢNH: DŨNG MINH
Dựng bảng quảng cáo nhận viết kịch bản
Trước yêu cầu trên, đạo diễn Lê Hồng Sơn đặt câu hỏi: “Công ty sẽ là người kéo việc về hay nghệ sĩ phải tự đi tìm việc?”. Ông Nguyên đáp: “Việc này phải cùng từ hai phía. Chúng tôi kêu gọi anh em giới thiệu cho tôi các kịch bản “hot” nhất. Chúng tôi cũng tìm mua kịch bản để làm, tìm người đặt hàng, đi tỉnh nọ tỉnh kia, đến các tập đoàn, đi vào đài truyền hình để chào đặt hàng”.
Một trong những giải pháp được ông Nguyên đưa ra là sắp tới, công ty sẽ dọn những phòng ở bên ngoài rồi phá đi để dựng một tấm biển quảng cáo thật lớn. “Chúng tôi đã có thiết kế tấm biển rồi, để người ta biết đến chuyện hãng phim có viết kịch bản thuê, làm phim thuê. Người ta muốn viết kịch bản về dòng họ, hay làm phim về lịch sử của tỉnh này, huyện kia cũng làm. Chúng ta chưa làm những cái lớn thì làm những cái nhỏ. Tôi nói cái này hơi buồn cười nhưng thậm chí xã đặt làm phim tôi cũng quay, nhân vật nào thuê chúng tôi cũng làm”, ông cho hay. Cũng theo ông Nguyên, đây là kế hoạch ngắn hơi mà ban lãnh đạo đã tính đến để “vực” Hãng phim truyện VN đang ở dưới “đáy”.
Về kế hoạch dài hơi, ông Nguyên cho biết nếu được sự đồng ý của nhà nước, Bộ VH-TT-DL, ban lãnh đạo sẽ xem xét xây dựng nhà thủy phi cơ thành rạp chiếu phim, để trình chiếu các bộ phim do hãng sản xuất. “Chúng tôi có thể mời đạo diễn, diễn viên nước ngoài, Hollywood về giao lưu hoặc làm phim. Điện ảnh trong nước nói chung đang gặp khó khăn nhưng vẫn “tiềm tàng” lợi nhuận”. Với câu hỏi mục tiêu chiến lược mua hãng phim là gì, ông đáp: “Đó là bí mật kinh doanh của chúng tôi!”.
Cuộc đối thoại kết thúc, nhưng vẫn chưa thể rốt ráo giải quyết được vấn đề gì, nỗi bức xúc từ cả hai phía chưa được giải tỏa. Thậm chí, cho đến giờ vẫn còn chưa có cơ chế để kết nối giữa VIVASO và các nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên của hãng. Công ty CP đầu tư và phát triển Phim truyện VN hiện chưa có giám đốc sau khi đạo diễn Vương Đức nghỉ hưu theo chế độ. Theo lời ông Nguyễn Thủy Nguyên, ban lãnh đạo đang tìm một “lãnh tụ” mới, người này phải biết nghề, có kiến thức, để công ty “sinh hoa kết trái”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên hoạt động chính của VIVASO là điện ảnh hay các hình thức kinh doanh nhà hàng, ông Nguyên cho hay: “Chúng tôi kinh doanh nhiều thứ, nên không thể nói điện ảnh là chính được, nhưng cũng không thể nói là phụ”. 
 Trong khi đó, tại cuộc họp ngày 5.5.2016, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho hay VIVASO đã cam kết 7 điều khoản: 90% doanh thu phải từ hoạt động sản xuất phim, dịch vụ làm phim; trả các khoản nợ, tiền thuê đất; xây dựng cơ sở vật chất làm phim; sử dụng đất phục vụ sản xuất phim; sử dụng toàn bộ lực lượng lao động của hãng phim có nhu cầu làm việc, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ; sử dụng toàn bộ số tiền bán cổ phiếu để cho hoạt động điện ảnh...

 

Tác giả bài viết: Ngọc An

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây